Chung cư mọc như “nấm”, lấn át không gian công cộng
Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về việc thi hành Luật Thủ đô cho biết, tỉ lệ đất dành cho giao thông của thành phố Hà Nội nói chung còn quá thấp, tính đến năm 2018, tỷ lệ này mới chỉ đạt 8,65% diện tích đất đô thị (thế giới khoảng 25%).
Theo thống kê mỗi năm, dân số Hà Nội tăng thêm khoảng gần 200.000 người, trong khi tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ chỉ tăng khoảng 3%/năm, quỹ đất dành cho giao thông tăng chưa đến 1%/năm .
Ở các quận như Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Cầu Giấy, có mật độ dân số cao nhất, trung bình đều trên 30.500 người/km2, việc này đã gây quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tác động mạnh đến công tác quản lý dân cư, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, môi trường trên địa bàn Thủ đô.
Theo Luật quy hoạch chung xây dựng Thủ đô thì khu vực nội đô lịch sử được xác định là hạn chế phát triển nhà ở, công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng và mật độ cư trú.
Song song với đó là ở các đô thị vệ tinh, các khu đô thị mới phải được xây dựng nhà ở đạt tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng cho nhiều đối tượng sử dụng để giảm tải cho đô thị trung tâm.
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử.
Nhiều dự án chung cư cao tầng tiếp tục được xây dựng, gâp áp lực đô thị.
Tuy nhiên, Chính phủ thừa nhận, trong thời gian qua ở những khu vực này, nhiều dự án chung cư cao tầng vẫn tiếp tục được xây dựng; tạo thêm áp lực về gia tăng dân số, quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực nội thành Hà Nội.
Thống kê sơ bộ tại một số quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng cho thấy nhiều dự án nhà cao tầng đã và đang được triển khai xây dựng như: một số tổ hợp lớn ở Liễu Giai, Láng Hạ; Tòa nhà Hồng Công Tower - Đê La Thành; Tổ hợp văn phòng cho thuê, căn hộ tại Vietronic - Nguyễn Chí Thanh; các dự án xây dựng trên nền đất của các công ty cổ phần đầu tư xây dựng số 7, Công ty cổ phần bánh kẹo Hải Châu…
Theo đánh giá của Chính phủ, công tác di dời và quản lý quỹ đất sau khi di dời đối với một số cơ quan, tổ chức chưa được thực hiện nghiêm theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể: tiến độ di dời thực hiện rất chậm; quỹ đất sau khi di dời chưa được bàn giao lại cho Thành phố để ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Luật Thủ đô.
Thực tế đã có nhiều dự án nhà thương mại, chung cư cao tầng được xây dựng trên nền đất sau khi di dời.
Ví dụ như: trên Đường Nguyễn Trãi, Đường Nguyễn Tuân, Quận Thanh Xuân trước đây là nơi đặt trụ sở, nhà xưởng của các ngành công nghiệp như Cao su sao vàng, Xà phòng, Thuốc lá Thăng Long, Dệt Mùa đông, Xe đạp thống nhất, Xe buýt Hà Nội…, nay là những dự án Tổ hợp nhà liền kề, Trung tâm thương mại và căn hộ thương mại với quy mô, mật độ rất lớn.
Báo cáo còn cho biết, Thành phố cũng đã xem xét, giới thiệu địa điểm, quỹ đất để đầu tư xây dựng các bệnh viện tuyến Trung ương, cơ sở giáo dục, trụ sở làm việc của 09 bộ, ngành Trung ương.
Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có Đại học Y tế công cộng là đơn vị duy nhất thực hiện di dời, song khu đất sau khi di dời lại được chuyển đổi xây dựng Tổ hợp dự án nhà cao tầng.
Đối với bệnh viện tuyến Trung ương, thì hiện chỉ có Bệnh viện K cơ sở 2 và Bệnh viện Nội tiết đã xây dựng cơ sở mới và đưa vào sử dụng, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng cơ sở cũ trong nội thành; trong số 09 bộ, ngành thì hiện có 07 cơ quan vẫn tiếp tục giữ lại trụ sở làm việc cũ, 02 cơ quan còn lại được chấp thuận chuyển đổi mục đích sang đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng cao tầng.
Mới đây, khi đưa ra Dự thảo Tiêu chuẩn Quốc gia Việt Nam, Bộ Xây dựng đã bổ sung hạng mục cho phép diện tích tối thiểu...