Choáng váng với mức tăng giá chung cư Hà Nội những tháng đầu năm 2024

Cùng với biến động mạnh của thị trường chứng khoán, giá vàng trong nước, giới đầu tư và những người có nhu cầu ở thực cũng choáng váng với mức tăng giá của căn hộ chung cư trong 2 tháng đầu năm 2024.

Sau những lần điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong nửa cuối năm 2023, lãi suất tiết kiệm tiếp tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm mạnh trong những tháng đầu năm 2024. Theo khảo sát, tại nhiều nhà băng, lãi suất các kỳ hạn trong 2 tháng đầu năm đã giảm từ 40-70% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo đó, với kỳ hạn 1 tháng, lãi tiết kiệm được các ngân hàng niêm yết dao động từ 1,7%/năm đến 4,1%/năm. Lãi kỳ hạn 3 tháng dao động từ 2%/năm - 4,2%/năm. Với khách hàng gửi tiết kiệm 6 tháng được hưởng lãi suất cao nhất cũng chỉ còn 5%/năm, thay vì mức lãi tiết kiệm lên tới 7-10%/năm so với cùng kỳ năm 2023. Tương tự lãi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cũng được các ngân hàng điều chỉnh giảm chỉ còn từ 4,1%/năm đến 5,7%/năm, thay vì mức cao chót vót lên tới 11-12%/năm của cùng kỳ năm 2023.

Lãi suất tiết kiệm giảm mạnh khiến một lượng tiền nhàn rỗi lớn của người dân chảy mạnh vào các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán và BĐS. Theo đó, giá vàng SJC đã ghi nhận tăng từ 70,5 triệu đồng/lượng (mua vào) - 74 triệu đồng/lượng (bán ra) trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2024 lên mức 77,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và bán ra 79,4 triệu đồng (bán ra) trong phiên giao dịch ngày 29/2. Tương đương, trong 2 tháng đầu năm, giá vàng miếng SJC tăng gần 7 triệu đồng/lượng (gần 10%) chiều mua vào và 5,4 triệu đồng/lượng (gần 7%) ở chiều bán ra.

Trên thị trường chứng khoán, dòng tiền cũng cho thấy sự dịch chuyển khi thị trường ghi nhận tăng cả về thanh khoản và điểm số. Cụ thể, chỉ số VN-Index ghi nhận tăng hơn 130 điểm (12%) nhờ một lượng lớn tiền nhàn rỗi quay lại thị trường. Thống kê cũng cho thấy, trong tháng 2-2024, giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn (HOSE, HNX và UpCOM) đạt 21.301 tỷ đồng/phiên, tăng 26,2% so tháng 1. Trong đó, riêng sàn HOSE có phiên giao dịch giá trị lên đến 32.000 tỷ đồng (phiên ngày 23-2) và nhiều phiên giao dịch ghi nhận thanh khoản trên 1 tỷ USD. Giá trị vốn hóa của HOSE cũng tăng thêm khoảng 550.000 tỷ đồng (23 tỷ USD) trong 2 tháng đầu năm, đạt xấp xỉ 5 triệu tỷ đồng.

Chung cư Hà Nội đang hình thành nên một mặt bằng giá mới

Chung cư Hà Nội đang hình thành nên một mặt bằng giá mới

Cùng với sự “bùng nổ” của thị trường vàng và chứng khoán, trong 2 tháng đầu năm thị trường BĐS cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực, đặc biệt là phân khúc chung cư phục vụ nhu cầu ở thực. Thống kê của chuyên trang Batdongsan cho thấy giá chung cư tại Hà Nội trong 2 tháng đầu năm vẫn tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, một số dự án còn tăng hơn 30% sau một năm. Với mức tăng này, giá chung cư tại một số dự án ở Hà Nội đã tăng gấp 3 lần mức tăng của giá vàng và thị trường chứng khoán. Đáng nói, tại thị trường TP.HCM vốn sôi động hơn thì chỉ số này cũng chỉ tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2023.

Mức tăng cao, giá chung cư Hà Nội vì thế cũng đã lên "tầm mới" khi giá trung bình của chung cư tại Hà Nội cao nhất đã vượt ngưỡng 107 triệu đồng/m2. Trước việc giá chung cư liên tục tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm 2024, giới chuyên gia cùng chung quan điểm cho rằng giá chung cư Hà Nội thị trường sơ cấp liên tục tăng cao do giai đoạn này có rất ít chủ đầu tư có dự án. Cùng với đó, lãi suất cho vay và cả gửi tiết kiệm đang thấp khiến thị trường căn hộ chung cư có hiện tượng "sốt nóng".  

Trong khi đó, đưa ra nhận định của mình ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan cho biết: "Chung cư Hà Nội không ngáo giá, sự tăng giá này đang phần nào phản ánh quan hệ cung - cầu ở Thủ đô hiện nay khi nguồn cung chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân”.

Bên cạnh chung cư, nhiều loại hình bất động sản khác cũng chứng kiến lực cầu tăng trong đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, nhà riêng có lượt tìm kiếm tăng 27%, nhà mặt phố tăng 15%, biệt thự tăng 12%, đất nền tăng 9%.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, trong năm 2023, cả nước có 67 dự án nhà ở thương mại được cấp phép mới với quy mô khoảng 24.993 căn; 71 dự án hoàn thành xây dựng với quy mô 29.612 căn; 197 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Tính đến nay, có 854 dự án đang triển khai xây dựng, quy mô khoảng 402.570 căn, tập trung chủ yếu ở miền Bắc với 394 dự án, quy mô khoảng 237.993 căn. Đáng chú ý, hàng nghìn dự án trên khắp cả nước bị chậm tiến độ do vướng mắc pháp lý cũng như thiếu vốn. Đây nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở hiện nay.

Còn theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng tại các đô thị lớn đang kéo theo nhu cầu về nhà ở tăng vọt, trong khi quỹ đất để phát triển dự án dần cạn kiệt, nguồn cung nhà ở liên tục sụt giảm do tình trạng dự án chậm triển khai bởi vướng pháp lý và khó tiếp cận nguồn vốn. Cộng hưởng với giá trị đất đô thị tăng thêm khi hạ tầng giao thông, dịch vụ công cộng được nâng cấp… đã và đang thúc đẩy giá chung cư liên tục đi lên.

Nguồn: [Link nguồn]

Sau Tết, tỷ lệ nhà đầu tư tìm về các vùng ven tại các huyện Chương Mỹ, Hoài Đức, Thạch Thất và một số tỉnh giáp ranh Hà Nội như Bắc Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc,... săn hàng “ngộp” tăng cao. Trong khi đó, một số nhà đầu tư khác thì âm thầm “chốt lời” khi gặp sóng lên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN