Chi tiền tỷ đầu tư BĐS, người lãi lớn, kẻ mất ăn mất ngủ phải cắt lỗ

Dù thị trường BĐS trầm lắng suốt hơn một năm qua, tuy nhiên vẫn có những nhà đầu tư thu được khoản lãi lớn. Bên cạnh đó, cũng có không ít nhà đầu tư phải “cắt lỗ” tài sản của mình do áp lực vay nợ.

Cùng với vàng, chứng khoán, gửi tiết kiệm, những năm qua BĐS cũng thường xuyên được xem là một kênh đầu tư hấp dẫn với những người có tiền nhàn rỗi. Nhiều nhà đầu tư do xuống tiền đúng thời điểm đã thu được những khoản lãi lớn.

Anh Đức Hiệp, ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết thu được khoản lãi lớn khi quyết định bán căn chung cư 2 phòng ngủ với diện tích 74m2 vào cuối năm 2023.

Theo anh Hiệp, căn chung cư anh mua năm 2019 với giá khoảng 19,5 triệu đồng/m2, sau gần 5 năm đưa vào sử dụng, gia đình anh quyết định chuyển chỗ ở nên bán căn chung cư này với giá 2,8 tỷ đồng, tương đương gần 38 triệu đồng/m2.

Cũng giống như anh Hiệp, anh Duy đang rao bán căn hộ chung cư 59m2 với giá 2,15 tỷ đồng. "Giá rao bán có thể thương lượng, nhưng nếu dưới 35 triệu đồng/m2, tôi sẽ không bán", anh Duy cho biết. Theo tìm hiểu, căn hộ này trước đây anh Duy mua với giá chỉ 15 triệu đồng/m2, tương đương giá căn hộ chung cư tăng hơn 2 lần sau nhiều năm đưa vào sử dụng.

Cùng với chung cư, thời gian qua cũng có không ít nhà đầu tư đất nền ghi nhận lãi lớn với quyết định xuống tiền của mình. Chị Thanh (Nam Định) cho biết giữa năm 2019, chị quyết định xuống tiền mua lô đất dịch vụ 50m2 khu vực Hà Đông với giá chỉ 1,065 tỷ đồng. Đến nay, các lô đất xung quanh đang được rao bán dao động từ 2,5 đến 3,2 tỷ đồng. “Thời gian qua nhiều môi giới đã liên hệ để mua lại lô đất này với mức giá từ 2,5 tỷ đồng, tuy nhiên tôi vẫn chưa quyết định bán bởi kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng khi hạ tầng xung quanh được hoàn thiện”, chị Thanh cho biết.

Nhiều nhà đầu tư vẫn ôm cả vali tiền để mua nhà đất trong bối cảnh thị trường trầm lắng

Nhiều nhà đầu tư vẫn ôm cả vali tiền để mua nhà đất trong bối cảnh thị trường trầm lắng

Bên cạnh những người ghi nhận lãi lớn khi chi tiền tỷ mua BĐS, thời gian gần đây cũng có không ít người “mắc kẹt” với khoản đầu tư của mình, nhất là những nhà đầu tư tay ngang, vốn mỏng, xuống tiền khi giá BĐS lập đỉnh trong giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022.

Anh Thành, một nhà đầu tư BĐS tại Hà Nội cho biết giữa năm 2021, anh xuống tiền mua lô đất thương mại dịch vụ tại Hà Đông có sẵn nhà cấp 4 với số tiền 3,85 tỷ đồng. Ngoài số vốn tự có, anh vay thêm ngân hàng 800 triệu đồng để đầu tư mảnh đất có sẵn nhà này.

Sau khi xuống tiền mua đất, đã có khách hỏi mua lại khoản đầu tư của anh với giá 4 tỷ đồng, nhưng với kỳ vọng giá BĐS sẽ tiếp tục tăng nữa nên anh Thành đã từ chối bán. Tuy nhiên, kể từ giữa năm 2022 đến nay, giao dịch BĐS trong khu vực này trở nên trầm lắng, giá BĐS nhiều thời điểm cũng ghi nhận mức giảm từ 5 đến 15% tùy từng vị trí khiến anh chưa thể sang tay khoản đầu tư của mình và vẫn đang phải xoay sở đủ cách để trả lãi phần vay ngân hàng.

Trong khi đó, anh Khánh, một nhà đầu tư BĐS khác tại Nam Từ Liêm chia sẻ cũng đang lỗ kép khi “lướt sóng” BĐS không thành rồi phải chuyển khoản đầu tư của mình sang cho thuê. Theo đó, cuối năm 2021, anh đầu tư một căn shophouse tại khu đô thị trên địa bàn quận Hoàng Mai với số tiền 22 tỷ đồng, trong đó có 9 tỷ đồng vay ngân hàng. “Bây giờ nếu tôi bán đi cũng lỗ khoảng gần 20% so với lúc mua, còn để cho thuê tiếp thì phải chấp nhận mức giá cho thuê không như kỳ vọng và hàng tháng vẫn phải xoay tiền trả nợ”, nhà đầu tư này giãi bày.

Trên các diễn đàn đầu tư BĐS, nhiều nhà đầu tư biệt thự, shophouse khu vực vùng ven Hà Nội cũng đang chấp nhận cắt lỗ từ 10 đến 20% khoản đầu tư của mình để thoát hàng. Tuy nhiên, dù rao bán trong một thời gian dài nhưng vẫn chưa thể chốt giao dịch.

Xuất hiện những hình ảnh nhà đầu mang sổ đỏ bán dạo ngay trên vỉa hè hoặc quán cà phê

Xuất hiện những hình ảnh nhà đầu mang sổ đỏ bán dạo ngay trên vỉa hè hoặc quán cà phê

Chị Dung, chủ một văn phòng BĐS tại Hà Đông cho biết phân khúc biệt thự, shophouse bán ra rất khó thời gian này vì một khu đô thị có rất nhiều sản phẩm giống nhau, khi nhận nhà phải đợi hai, ba năm mới có sổ nên người mua sau không thể vay và họ sợ số tiền lớn vậy mà chỉ có hợp đồng mua bán. Ngay với những căn đã ra sổ, nếu khai thác kinh doanh kém, bán lại cũng bị mất giá rất nhiều vì không ai mua để ở.

Theo ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo bất động sản, nhà phố thương mại ế ẩm, thậm chí bỏ hoang phần lớn do thị trường bất động sản thời gian gần đây chững lại. Ngoài ra, các nhà đầu tư mua với mục đích cho thuê, khai thác nhưng không hiệu quả.

Dù vậy, tại diễn đàn về thị trường bất động sản năm 2024 do Báo Xây dựng phối hợp Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng thị trường địa ốc sẽ "sáng" hơn sau khi khung pháp lý được hoàn thiện.

Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, cho biết dù Luật Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai sửa đổi phải đến 1/1/2025 mới có hiệu lực, về cơ bản năm 2024 đã là bước chạy đà phù hợp để thị trường đi đến khởi sắc khi những thay đổi về luật chính thức vận hành.

"Thị trường đã có dấu hiệu sáng lên trong nửa cuối năm 2023, các vướng mắc pháp lý liên quan đến bất động sản cũng đã tháo gỡ được 70%. Vậy nên khi khung pháp lý hoàn thiện và có hiệu lực, thời điểm vượt qua khó khăn sẽ không còn xa", ông nói.

Bất chấp thị trường BĐS có một năm 2023 ảm đạm, doanh nghiệp chuyên về BĐS và được ví như “gà đẻ trứng vàng” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận lãi tăng mạnh trong năm 2023.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nam Anh ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN