Cay đắng, vỡ mộng vì trót rót tiền tỷ đầu tư đất rừng làm trang trại
Thay vì mua đất nền đã tách sổ, nhiều người đã “ôm” những mảnh đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm với hy vọng chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất thổ cư, hưởng lợi phần chênh giá. Nhưng do chủ quan, thiếu kiến thức pháp luật, hàng loạt nhà đầu tư “ôm trái đắng”.
Mới đây, trên một trang diễn đàn chuyên mua bán đất rừng làm trang trại, homestay, anh Anh Dũng - một cá nhân đã đăng tải thông tin với nỗi thất vọng, ngao ngán bởi đã trót “ôm” vài ha đất rừng sản xuất trong khi chưa tìm hiểu kỹ về loại hình này.
Anh Anh Dũng (Hà Nội) cho hay, nghe theo lời tư vấn của nhóm môi giới bất động sản, cuối năm 2021 anh đã dành hơn 5 tỷ tiền mặt mua 2 ha đất rừng trồng sản xuất tại Hòa Bình với ý định làm trang trại và homstay. Đầu tháng 9/2022, anh Dũng đưa một số người bạn lên thăm đất và cùng hợp tác đầu tư xây dựng.
Quá bức xúc về câu chuyện đầu tư đất trang trại, nhà đầu tư đã đăng tải trạng thái trên mạng xã hội
Tuy nhiên, khi anh Dũng thuê máy xúc tới triển khai xúc đất, san nền thì UBND xã đã xuất hiện và can thiệp. Theo thông báo từ chính quyền địa phương, khu đất anh Dũng mua thuộc loại đất trồng sản xuất, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng và chưa có phương án trồng rừng thay thế. Do đó, anh chỉ được xây dựng công trình tạm trên đất, sản xuất kinh doanh các mặt hàng về gỗ, lâm sản, các đặc sản liên quan đến rừng,…
“Khi tôi đưa máy xúc tới thì UBND xã cho người tới yêu cầu không được thi công, mà nếu xe thùng vận chuyển đất ra khỏi khu vực cũng bị phạt đồng thời bị cấm tiệt việc xây dựng trên khu đất này. Nếu chỉ để nuôi mấy con gà hoặc kinh doanh vài thứ nông sản thì đến bao giờ mới lại được số tiền trên?” – anh Dũng chán nản nói.
Cũng là câu chuyện đầu tư đất nông nghiệp, chị Hạnh (Thanh Xuân, Hà Nội), một nhà đầu tư bất động sản khác cho hay, chị tham gia đầu tư đất được gần chục năm nhưng lần này khiến chị thực sự “nản” vì dính vào lô đất rừng.
Theo đó, đầu năm 2021, chị Hạnh hiện vẫn còn kẹt mảnh đất rừng 3.000m2 không sổ đỏ tại Sóc Sơn đã mua với giá 2 triệu đồng/m2. Đây là loại đất được người dân rao bán công khai, bởi nhà đầu tư mua nhưng vẫn có trách nhiệm trông coi rừng, không được xây dựng công trình lớn, kiên cố. Đặc biệt, rất nhiều người làm homestay và không bị phạt. Tuy nhiên, lúc bắt tay vào "việc thật, người thật" mới biết để xây dựng được một căn nhà 90-100m2 trên đất rừng thực sự tốn kém và không đơn giản như chị nghĩ. Sau đó, chị Hạnh quyết định rao bán nhưng đến nay đã gần 1 năm trôi qua nhưng không ai hỏi mua.
Cũng nuôi mộng đại gia, anh Nguyễn Văn Bình (Hoàng Mai, Hà Nội) phải “nếm trái đắng” khi lao vào cơn sốt đất cuối năm 2021. Thời điểm đó, anh Bình vay mượn khắp nơi, thế chấp cả ngôi nhà đang ở, gom được 15 tỷ đồng, anh quyết định mua đất của người dân tại xã Hiền Lương, (huyện Đà Bắc, Hòa Bình) để đầu tư. Theo như anh phân tích đây là khu đất gần với dự án nghỉ dưỡng 5 sao. Chỉ cần dự án này đi vào hoạt động là giấc mơ đại gia của anh thành hiện thực.
Nhà đầu tư tá hỏa khi phát hiện mình đang "ôm" đất đón đầu dự án... ma
Sau khi mua xong cuối năm 2021 cũng là thời đỉnh điểm cơn sốt đất, một số người trả anh 29 tỷ đồng nhưng tôi không bán. Sang giữa năm nay, khi các địa phương siết phân lô bán nền, giá đất bắt đầu có xu hướng giảm, lượng khách cũng giảm theo.
“Hai tháng nay, tôi rao bán nhưng tuyệt nhiên không ai hỏi han gì đến khu đất đó nữa. Tôi tìm hiểu qua môi giới, được biết dự án nghỉ dưỡng 5 sao ngày nào cũng là một dự án ma. Thực sự khủng hoảng, lúc bán lãi cả chục tỷ thì không bán, giờ vẫn phải chịu lãi hàng tháng, ôm một đống nợ, đất thì nằm bất động như vậy. Không biết đến khi nào mình mới rút được vốn ra mà trả nợ. Tôi phải trả giá quá đắt cho bài học đầu tư đất ăn theo dự án” – anh Bình nói.
Tại một sàn giao dịch BĐS trên địa bàn huyện Sóc Sơn, anh Phạm Huy Hùng, nhân viên môi giới cũng là người dân địa phương cho hay, thời gian qua khá nhiều người qua sàn nhờ rao bán đất nông nghiệp. Tuy nhiên, loại đất này mua thì dễ, nhưng muốn bán thì khó. Nguyên nhân là bởi, nhiều mô hình nghỉ dưỡng đã được xây dựng nhưng hoạt động không hiệu quả, nhiều mảnh đất có pháp lý không rõ ràng, cộng thêm tư tưởng “cả thèm chóng chán” nên khá nhiều người “bỏ mặc” đất hoang hóa.
Trên thực tế, rất nhiều nhà đầu tư mua đất rừng đều chưa có tính pháp lý rõ ràng, kinh doanh lâu dài thiếu ổn định và khó quản lý. Đặc biệt, khi các cơ quan chức năng siết chặt quản lý loại đất này sau hàng loạt những dự án ma xuất hiện tại nhiều địa phương, khiến nhiều nhà đầu tư đã thực sự mắc kẹt khi rót vốn vào loại sản phẩm này.
Ông Đào Trung Chính - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), chia sẻ với báo chí rằng, việc chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở đã được quy định trong Quyết định 121 của UBND thành phố Hà Nội và nằm trong quy hoạch chung của nhà nước chứ cá nhân nhỏ lẻ khó mà có thể chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất nhà ở. Việc mua bán đất nông nghiệp mang lại rủi ro rất lớn với nhà đầu tư, bởi nếu mảnh đất đó nằm trong diện giải tỏa thì chỉ được bồi thường theo giá đất nông nghiệp rất thấp, trong khi nhà đầu tư phải bỏ ra một khoản không nhỏ mua nó.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, 14 dự án với tổng diện tích đất gần 700 ha, thuộc 4 quận huyện, bị thu hồi do chậm triển khai, vi phạm pháp luật.