Căn hộ xây mới tăng giá 10 quý liên tiếp, 5 huyện sắp lên quận sẽ là tâm điểm của thị trường

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Quý I/2022, số lượng căn hộ bán được giảm lần lượt 4% theo quý và 5% theo năm. Tuy nhiên, giá bán tiếp tục có xu hướng tăng kể từ quý I/2019 đến nay.

Nguồn cung căn hộ giảm, giá bán tăng

Savills vừa họp báo công bố tổng quan thị trường bất động sản Hà Nội quý I năm nay với nhiều thông tin đáng chú ý.

Cụ thể, đối với phân khúc căn hộ để bán, báo cáo cho thấy, thị trường trong quý I không có dự án mới. Toàn bộ nguồn cung mới đến từ giai đoạn tiếp theo của 6 dự án hiện tại. Số lượng giao dịch giảm, giá bán tăng trong khi đó thị trường nhà ở Hà Nội vẫn duy trì tích cực với nguồn cầu cao.

Thị trường luôn thiếu nguồn cung nhà ở giá rẻ

Thị trường luôn thiếu nguồn cung nhà ở giá rẻ

Tại báo cáo vừa phát hành, Savills cho biết, trong quý I vừa qua, nguồn cung căn hộ giảm 38% theo quý và 29% theo năm với khoảng 2.800 căn.

Trong quý, số lượng căn bán được đạt 4.000, giảm lần lượt 4% theo quý và 5% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ đạt 20%, ổn định theo quý và theo năm. Nguồn cung mới có tỷ lệ hấp thụ 52%.

Đáng chú ý, thị trường hiện đang thiếu nguồn cung nhà ở giá rẻ; các căn hộ có giá dưới 20 triệu đồng/m2 tại các dự án hiện hữu đã được hấp thụ hết; trong khi đó, không có nguồn cung mới.

Giá bán có xu hướng tăng từ quý I/2019. Trong 5 năm qua, giá chào bán sơ cấp trung bình của hạng B tăng mạnh nhất ở mức 8%/năm. Giá sơ cấp của hạng C tăng 7%/năm và hạng A tăng 4%/năm.

Theo báo cáo, việc cơ sở hạ tầng được cải thiện đã góp phần đẩy giá nhà tăng. Cụ thể, tại Hà Nội, sau khi tuyến đường sắt đô thị đầu tiên được chính thức khánh thành vào tháng 1/2022, giá bán thứ cấp của các dự án gần các nhà ga tăng cao đến mức 18% theo quý, trung bình đạt 4% theo quý, cao hơn so với mức tăng trung bình 2% của thị trường.

Cũng theo đơn vị nghiên cứu thị trường này, tỷ lệ đô thị hóa, tốc độ tăng trưởng dân số tự nhiên và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu sẽ là những động lực chính thúc đẩy nguồn cầu về căn hộ trong thời gian tới.

Bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Savills Hà Nội - cho biết: "Sau một quý trầm lắng, thị trường căn hộ Hà Nội dự kiến sẽ phục hồi nhanh chóng. Cơ sở hạ tầng ngoài trung tâm cải thiện sẽ góp phần thúc đẩy phát triển bất động sản".

Không chỉ giá bán, thống kê cho thấy giá thuê phân khúc căn hộ vẫn tiếp tục trên đà gia tăng kể từ quý I năm 2019. Trong đó, các dự án hạng B dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng của mức giá sơ cấp, theo sau là hạng C và hạng A. Điều này khiến thị trường rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung căn hộ giá rẻ. 

Đề cập đến triển vọng thị trường trong giai đoạn tới, báo cáo cho biết, trong năm 2022, có 32 dự án mới và giai đoạn tiếp theo của 2 dự án sẽ cung cấp 23.300 căn. Hiện tại, 19 dự án với 11.600 căn đang trong quá trình xây dựng hoặc làm móng; trong đó, 70% nguồn cung sẽ là căn hộ hạng B. Theo quận/huyện, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm và Gia Lâm sẽ có chiếm tổng số 54% nguồn cung.

5 huyện sắp lên quận sẽ trở thành điểm nóng nguồn cung nhà ở

Đáng chú ý, với quỹ đất lớn, 5 huyện sắp lên quận bao gồm Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm và Đan Phượng sẽ trở thành điểm nóng phát triển bất động sản nhà ở, chiếm tỷ lệ 24% nguồn cung trong tương lai.

Với quỹ đất lớn, 5 huyện sắp lên quận sẽ trở thành điểm nóng phát triển bất động sản nhà ở

Với quỹ đất lớn, 5 huyện sắp lên quận sẽ trở thành điểm nóng phát triển bất động sản nhà ở

Trước đó, trong quý IV/2021, thị trường Hà Nội có 11 dự án mới và những giai đoạn tiếp theo của 2 dự án sẽ cung cấp khoảng 7.900 căn hộ. Bà Đỗ Thị Thu Hằng cho biết, chủ đầu tư cần có chiến lược bán hàng cùng giá mở bán hợp lý khi bung hàng ở thời điểm hiện tại.

"Nguồn cung có giá hợp lý vẫn được nhiều người mua quan tâm, trong khi đó nguồn cung giá cao trong thời gian vừa qua có lượng giao dịch khá hạn chế. Chủ đầu tư cũng nên đưa ra các chính sách bán hàng hấp dẫn và tiến độ thanh toán linh hoạt để giảm áp lực tài chính cũng như thu hút thêm nhiều đối tượng khách hàng", bà Hằng nói.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng cao, việc giá nhà tăng là điều tất yếu của thị trường. Song, điều đáng ngại là giá nhà tiếp tục tăng sẽ ngày càng xa tầm với của người dân. Cơ cấu bất động sản không hợp lý dẫn đến tình trạng thừa nhà cao cấp, thiếu nhà bình dân trầm trọng.

Trước đó, báo cáo thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII về lĩnh vực xây dựng, lãnh đạo Bộ Xây dựng từng thừa nhận nguồn cung bất động sản, đặc biệt là nhà ở tại 2 thị trường chính là Hà Nội và TP.HCM vẫn chưa phù hợp nhu cầu thị trường. Trong khi báo cáo năm 2021 của Bộ cũng cho thấy giá bán sơ cấp căn hộ tại Hà Nội tăng liên tiếp hơn 10 quý.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, tình trạng "lệch pha" cung cầu khiến thị trường bất động sản phát triển thiếu cân đối, thiếu bền vững.

Với thực trạng hiện nay, để kéo giảm giá nhà là rất khó, nhà ở xã hội thì nguồn cung nhỏ giọt, hàng loạt dự án đắp chiếu khiến giấc mơ an cư ngày càng xa vời.

”Bầu” Hiển tiếp tục giữ chức Chủ tịch HĐQT SHB

HĐQT SHB đã thống nhất, quyết nghị bầu ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022 tiếp tục giữ chức Chủ tịch HĐQT SHB nhiệm kỳ 2022-2027.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN