Cách xác định các thành viên đối với sổ đỏ ghi tên hộ gia đình

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Hộ gia đình sử dụng đất không phải là tất cả thành viên có tên trong hộ khẩu. Để trở thành thành viên của hộ gia đình sử dụng đất phải đảm đủ ba yếu tố.

Cách xác định các thành viên đối với sổ đỏ ghi tên hộ gia đình - 1

Xác định các thành viên đối với quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình

"Hộ gia đình sử dụng đất" là khái niệm lần đầu tiên được đưa vào luật Đất đai 2013. Theo đó, "hộ gia đình sử dụng đất" được hiểu là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Cần lưu ý là những thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất không phải là tất cả thành viên có tên trong hộ khẩu. Người có tên trong hộ khẩu không phải lúc nào cũng là thành viên của hộ gia đình sử dụng đất. Nói cách khác, hộ khẩu không phải là cơ sở pháp lý xác lập quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Để trở thành thành viên của "hộ gia đình sử dụng đất", phải đảm bảo đủ ba yếu tố:

Thứ nhất, là thành viên hộ gia đình có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Thứ hai, đang sống chung trong hộ gia đình.

Thứ ba, có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Nếu thiếu một trong ba yếu tố trên thì không được coi là thành viên "hộ gia đình sử dụng đất".

Ví dụ: Một gia đình nào đó có thể xin đăng ký cho một người là cháu vào Sổ hộ khẩu của mình để tiện việc nuôi nấng trong một thời gian nhất định, thì người cháu đó không thể trở thành thành viên của hộ gia đình sử dụng đất...

Hay trong thực tế, có trường hợp một thành viên trong gia đình thoát ly khỏi quê hương để làm ăn, công tác, học tập lâu dài ở nơi khác (trước thời điểm tạo lập quyền sử dụng đất) mà chưa tạo lập được tài sản riêng, chưa chuyển hộ khẩu thì vẫn được coi là có cùng hộ khẩu với gia đình nhưng lại không có quyền định đoạt quyền sử dụng đất.

Trường hợp khác, sau khi tạo lập quyền sử dụng đất, một người tuy không có tên trong sổ hộ khẩu hiện tại do chuyển hộ khẩu đi nơi khác, nhưng lại là thành viên sử dụng đất, do tại thời điểm tạo lập tài sản đó, người này là thành viên của hộ gia đình và còn sống chung (có đóng góp trong việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hay nằm trong đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất) thì vẫn là thành viên của hộ gia đình sử dụng đất.

Khoản 1 Điều 102 bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Việc xác định tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, quyền, nghĩa vụ đối với tài sản này được xác định theo quy định tại Điều 212 của Bộ luật này”.

Điều 212 bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này.

Thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất có quyền gì?

Theo khoản 1 Điều 105 và Điều 115 bộ luật Dân sự 2015, quyền sử dụng đất là quyền tài sản. Theo đó, người sử dụng đất chỉ có quyền sử dụng (quyền khai thác công dụng) và quyền sử dụng đất được chuyển giao cho người khác bằng các hình thức như chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế,…mà không có quyền định đoạt (vì không phải là chủ sở hữu đất đai).

Điều 4 luật Đất đai 2013 quy định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.

Hộ gia đình có quyền sử dụng đất hợp pháp thông qua các hình thức như được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Theo Điều 166, 167 luật Đất đai 2013, hộ gia đình có quyền sử dụng đất hợp pháp sẽ có những quyền như: Được cấp giấy chứng nhận; hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất; được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định; chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất…

Sổ đỏ ghi tên hộ gia đình, các thành viên có quyền yêu cầu chia đất?

Theo điểm b khoản 2 Điều 167 Luật Đất đai 2013, trường hợp quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên, nếu từng thành viên muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận.

Tuy nhiên, để tách thửa phải đủ điều kiện tách thửa theo quy định.

Trường hợp không đủ điều kiện tách thửa thì không được phép tách thửa để chia cho thành viên có yêu cầu; trường hợp này chỉ được chuyển quyền sử dụng đất cho thành viên có yêu cầu nếu tặng cho toàn bộ thửa đất.

Như vậy, thửa đất đứng tên hộ gia đình mà có diện tích rộng (đủ điều kiện tách thửa) và có chung quyền sử dụng đất thì các thành viên có quyền yêu cầu tách thửa và đứng tên với phần diện tích được tách.

Nguồn: [Link nguồn]

Phải nộp bao nhiêu tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất?

Khi Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng thì người dân phải nộp tiền sử dụng đất. Vậy, việc chuyển mục đích...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Mai ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN