Bức tường ở Hà Nội từng được rao bán với giá hơn 1 tỷ đồng giờ ra sao?
Chiều rộng chỉ 0,14m, chiều dài 1,085m nhưng bức tường này được rao bán với giá lên đến 1,1 tỷ đồng vào năm 2015 đã trở thành sự việc hy hữu được nhiều người quan tâm trong thời gian dài.
Sự việc khá hy hữu tại Hà Nội được dư luận hết sức quan tâm vào năm 2015, khi chủ nhân một bức tường viết dòng rao bán với nội dung: “Sau khi giải phóng mặt bằng, gia đình tôi còn lại 1,7m2 đất, chiều dài 1,085m, chiều rộng 0,14m”, kèm theo số điện thoại trên chính bức tường đó để người mua liên hệ.
Bức tường này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận và trở thành câu chuyện lạ trên con đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, thuộc quận Cầu Giấy (Hà Nội).
Bức tường từng được rao bán với giá 1,1 tỷ đồng vào năm 2015.
Theo ông Nguyễn Phương Châm, chủ nhân của bức tường, gia đình ông có thửa đất rộng 60,02m2. Khi mở đường, gia đình ông bị thu hồi 58,5m2, diện tích còn lại là 1,7m2. “Nếu quy đổi theo cách tính thị trường thì 1m mặt đường ăn 4m trong ngõ”, ông Châm cho biết vào thời điểm đó.
Như vậy, bức tường 1,7m2 đất mặt đường tương đương với 6,8m2 đất bên trong. Với giá thị trường là 350 triệu đồng/m2 thì bức tường trên có giá hơn 2,3 tỷ đồng. Trong khi đó, giá ông Châm bán khi đó là 1,1 tỷ đồng, rẻ bằng nửa giá thị trường.
Nếu mua lại bức tường, ngôi nhà phía bên trong sẽ trở thành nhà mặt đường, giá đất cũng sẽ tăng lên nhiều lần.
Mặc dù câu chuyện về bức tường hy hữu này đã diễn ra cách đây 9 năm trước nhưng vài ngày gần đây một lần nữa lại được nhiều người “đào bới” lại khiến dư luận xôn xao.
Câu chuyện về bức tường này một lần nữa được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội trong vài ngày gần đây. (Ảnh chụp màn hình).
Cụ thể, một người làm bên lĩnh vực bất động sản đã đăng hình ảnh kèm câu chuyện về bức tường này nhưng không ghi cụ thể sự việc diễn ra năm nào nên đã thu hút hàng nghìn lượt bình luận, quan tâm, chia sẻ.
“Theo tôi, nhà phía sau nên mua ngay và luôn. Cơ hội không có nhiều đâu. Nhà mình đang ở ngõ cụt, bỏ ra tí tiền được mặt đường, làm ăn buôn bán quá tuyệt vời luôn”, tài khoản Phan Thanh Hải bình luận.
Đồng quan điểm, tài khoản có tên Vũ Thị Hạnh cho rằng, nếu là chủ ngôi nhà phía trong chị sẽ mua luôn để ngôi nhà rộng và thành mặt tiền thoáng, có thể đầu tư kinh doanh được.
“Tôi là nhà bên trong tôi sẽ mua luôn và ngay kể cả phải đi vay số tiền đó tôi cũng vẫn vui vẻ mua liền không cần đắn đo, do dự làm gì vì giá quá ngon, quá hời”, tài khoản Lâm Oanh cho hay.
Đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài hiện tại trở thành con đường khang trang, sạch đẹp và có mặt bằng kinh doanh khá đắt đỏ.
Ngược lại, tài khoản Nguyễn Sơn Thường cho rằng nếu mình là nhà phía trong sẽ không mua vì bức tường đó dùng để chắn bụi và tiếng ồn của xe cộ. Miếng đất đằng sau có giá 1 tỷ, sau khi mua bức tường có giá 5 tỷ thì cũng chỉ là miếng đất để ở nếu như họ không bán.
“Quan trọng nhà bên trong không có 1 tỷ để mua. Đi vay thì lại không làm gì ra tháng mấy triệu để trả lãi. Họ cũng chỉ có cái nhà để ở, nếu họ không có tiền thì lấy đâu ra một tỷ để trả ông, không lẽ mua xong bức tường phải rao bán cái nhà để lấy tiền”, tài khoản Tuyến Nguyễn.
Hiện tại bức tường này đã không còn tồn tại, nhiều người dân xung quanh cũng không hề biết đến bức tường này khi được hỏi.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, câu chuyện về bức tường này đã xảy ra từ năm 2015 và đã được giải quyết ổn thoả ngay tại thời điểm đó.
Đến hiện tại, bức tường đã không còn tồn tại. Nhiều người dân xung quanh đó khi được hỏi cũng lắc đầu không biết về sự tồn tại của bức tường “huyền thoại” này. Đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài bây giờ cũng trở thành con phố buôn bán sầm uất, nhộn nhịp và có giá thuê mặt bằng hết sức đắt đỏ.
Nguồn: [Link nguồn]
Cách mặt phố kinh doanh doanh sầm uất chỉ 50 mét, có giá chỉ 1,4 tỷ đồng nhưng nhiều người lắc đầu ngán ngẩm khi được tận mắt đến xem nhà.