Biệt thự cổ Hà Nội thi nhau thành nhà hàng, quán nhậu
Nhiều ngôi biệt thự cổ có giá trị kiến trúc ở Hà Nội nằm trong danh mục thuộc diện quản lý và bảo tồn theo quy định đang bị cơi nới, sửa chữa vô tội vạ để "hóa kiếp" thành các nhà hàng, quán nhậu. Kiến trúc ban đầu bị phá vỡ, biệt thự cổ đang dần biến mất do phá dỡ, cải tạo và cấp phép xây dựng mới.
Theo ghi nhận tại “tổ hợp” biệt thự cổ tại số 51, 51A, 55 Hàng Chuối (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng) thuộc Nhóm 2 theo quy chế bảo tồn nay được cải tạo thành quán ăn, nhà hàng. Tại đây các công trình đều được cơi nới dàn thép tạo mái che sân cho nhà hàng.
Phía bên trong, nhiều ô cửa sửa chữa thay thế, có những mảng tường khoét trơ phần gạch để… trang trí.
Hai ngôi biệt thự số 51, 55 Hàng Chuối (phường Phạm Đình Hổ) đều là biệt thự theo "Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ trên địa bàn Hà Nội" được xếp vào biệt thự Nhóm 2, gồm những biệt thự có giá trị về kiến trúc. Theo Quy chế này, việc bảo trì nhà biệt thự Nhóm 2 có sự thay đổi về màu sắc, vật liệu phải được Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận. Nếu cải tạo phải xin giấy phép xây dựng, chủ đầu tư phải đảm bảo giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc bên ngoài và quy hoạch của nhà biệt thự cũ (cả về mật độ xây dựng và số tầng, chiều cao).
Tại ngôi biệt thự số 51A Hàng Chuối sửa chữa để phục vụ mục đích kinh doanh nhà hàng, nên không còn hình hài của ngôi biệt thự cổ như quy chế quản lý quy định.
Tình trạng biệt thự cổ biến dạng hay bị cơi nới, xây thêm đang diễn ra tràn lan, điển hình tại các phố như Hai Bà Trưng, Trần Quốc Toản, Nguyễn Thái Học,... Ở nhiều ngôi biệt thự cổ các đường nét kiến trúc cũng bị phá hủy nhường cho kiểu kiến trúc hiện đại của nhà hàng, quán ăn.
Ngôi biệt thự cổ số 55 Hàng Chuối trở thành "Quán Beer Người Yêu Cũ".
Đa số biệt thự đều nằm trên các trục đường lớn, có giá thị trường lên đến cả tỷ đồng/m2 nên những biệt thự có 1 chủ sở hữu thường được cơi nới, xây dựng tối đa diện tích. Không ít ngôi biệt thự cũ bị biến dạng cả về hình dáng kiến trúc bên ngoài và mục đích, công năng sử dụng.
Biệt thự cổ số 68 - 70 Thợ Nhuộm, chủ nhà dỡ bỏ mái và một số bức tường, thay đổi công năng thành nhà hàng, phá bỏ nhà vệ sinh chung, tự ý chặt hạ cây xanh…
UBND quận Hoàn Kiếm đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư khắc phục hậu quả, nhưng việc tự ý phá dỡ, tu sửa lại hai căn biệt thự 68 - 70 Thợ Nhuộm (phường Trần Hưng Đạo) chưa được xử lý triệt để.
Theo quy định biệt thự cổ Nhóm 1 và Nhóm 2 cần được bảo tồn theo nguyên tắc giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng, độ cao (đối với Nhóm 1) và phải giữ đúng kiểu dáng kiến trúc bên ngoài và quy hoạch của nhà biệt thự về mật độ xây dựng, số tầng cao, độ cao (đối với Nhóm 2). Nhóm 3 được phép tháo dỡ khi có nhu cầu đầu tư xây dựng công trình mới. Nhưng việc tháo dỡ thực hiện theo các quy định của pháp luật về quy hoạch, kiến trúc và pháp luật về xây dựng.
Nhiều biệt thự có giá trị kiến trúc ở Hà Nội đang bị cơi nới, sửa chữa vô tội vạ để cho các nhà hàng, quán ăn...
Nguồn: [Link nguồn]