Đại gia nổi danh phố Hàng Đào một thời sở hữu căn biệt thự giá hàng trăm tỷ
Nằm nép mình trên phố hàng Đào (Hoàn Kiếm – Hà Nội), căn nhà số 72 của gia đình ông Thái An sau hơn 1 thế kỷ tới nay vẫn giữ vẹn nguyên lối kiến trúc cổ xưa. Căn biệt thự này từng được nhiều đại gia trả giá hàng trăm tỷ nhưng chủ nhân vẫn kiên quyết không bán.
Ông Nguyễn Thái An (sinh năm 1943) là con trai trưởng trong một gia đình địa chủ giàu có ở Hà Nội. Cha ông là cụ Nguyễn Văn Lợi, một nhà buôn tơ lụa nức tiếng Hà Thành, còn mẹ ông là bà Nguyễn Thị Hồng từng được xem là giai nhân với vẻ đẹp “nghiêng nước, nghiêng thành” thời đó.
Bố mẹ ông Thái An thuộc thế hệ những thương lái đầu tiên kinh doanh và mở tiệm vải lớn nhất nhì phố hàng Đào. Nhờ vậy, thời điểm 40 năm trở về trước, gia đình ông đã nổi tiếng khắp Hà Nội nhờ tài kinh doanh giỏi và trở thành một trong những địa chủ giàu có khi sở hữu căn nhà mặt đường, 3 tầng to nhất phố hàng Đào.
Chân dung ông Thái An – Chủ căn nhà cổ từng được trả giá trăm tỷ ở hàng Đào, Hoàn Kiếm – Hà Nội. (Ảnh chụp vào mùa xuân năm 2018)
Trước đây, phố hàng Đào được mệnh danh là trung tâm buôn bán quần áo, tơ lụa sầm uất bậc nhất của Kinh thành Thăng Long. Thời Pháp thuộc, phố này có tên là Rue de la Soie (phố bán lụa). Đây cũng là nơi tập chung nhiều thương lái nước ngoài như Ấn Độ; Trung Quốc, Nhật Bản… đến giao thương buôn bán.
Ông Thái An kể lại: “Ngày đó, để sở hữu căn nhà ở khu vực này, bố tôi phải tận dụng nhiều mối quan hệ cũng như chịu chi một số tiền lớn, căn nhà không chỉ để ở mà còn là nơi kinh doanh buôn bán phát đạt của gia đình".
Trải qua hơn 1 thế kỷ, căn nhà số 72 của gia đình ông Thái An vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Dấu ấn rêu phong không chỉ thể hiện qua từng chi tiết của căn nhà như khung cửa, cầu thang hay những bức ảnh đen trắng đã bạc màu, đó còn là câu chuyện ký ức về hành trình trưởng thành của đám trẻ năm xưa trên “mảnh đất vàng”, được kể lại bằng giọng nói Hà Nội êm ru của ông Thái An.
Một số hình ảnh về căn nhà số 72 – Biệt thự nghìn tỷ trên phố Hàng Đào:
Căn nhà được xây dựng dựa trên ý tưởng từ lối kiến trúc Pháp. Bố mẹ ông Thái An đã thuê kiến trúc sư người pháp về tiến hành xây dựng căn nhà theo đúng mong muốn của mình.
Căn nhà rộng 200 m2, được xây 3 tầng với 12 phòng. Trong đó toàn bộ tầng 1 xưa là nơi buôn bán tơ lụa của gia đình, các phòng còn lai lần lượt là nơi sinh hoạt của chung và phòng riêng của 12 anh chị em.
Lối kiến trúc đối xứng kiểu Pháp với cầu thang lộ thiên ở giữa khiến cho căn nhà luôn có ánh sáng vào cửa. Đây cũng là điểm khác biệt khiến ông Thái An tự hào nhất trong căn nhà của mình.
Căn phòng nơi vợ chồng ông Thái An và cháu đích tôn đang ở thuộc tầng 3 của căn nhà.
Toàn bộ nội thất, cách bày chí đồ đạc đều được giữ nguyên vẹn dù đã hơn 70 năm trôi qua.
Bức ảnh gia đình ông Thái An chụp vào mùng 2 Tết năm 1949.
Ông cho biết, dù không được chứng kiến quá trinh xây dựng ngồi nhà, nhưng theo lời kể của bố mẹ ông, những viên gạch này được bố ông gửi mua từ Paris (Pháp) đến này vẫn còn nguyên vẹn và chưa có ý định thay thế.
Hệ thống giếng trời là điểm nhấn chính trong căn nhà. Khi Hà Nội càng trở nên đông đúc với nhịp sống hối hả, giếng trời tạo ra khoảng không gian vừa thoáng mát, vừa riêng tư cho căn biệt thự cổ.
Ông Thái An muốn giữ vẹn nguyên những chi tiết xưa cũ của căn nhà, ngày cả màu sơn đã nhuốm màu rêu phong ông vẫn kiên quyết không sơn lại. Với ông, căn nhà không chỉ là nơi để ở mà còn là nơi chứa đựng những ký ức về một thời trẻ không thể quên, về một nếp sống gia giáo của người Hà Nội xưa mà ít ai còn giữ được.
Những cánh cửa hơn 1 thế kỷ đến nay đã bạc màu nhưng vẫn còn sử dụng tốt.
Từng có rất nhiều đại gia tới hỏi mua căn nhà với mức giá lên tới trăm tỷ đồng nhưng ông Thái An nhất định không bán. Ông bảo: “Tôi sẽ giữ căn nhà nguyên vẹn tới khi nào tôi chết. Về sau, con cháu mình có còn đủ hoài niệm để giữa nó lại không thì tôi không ép. Nhưng chừng nào tôi còn sống thì chừng đó nhịp sống của căn nhà này vẫn được giữ nguyên.”
Trải qua hàng trăm năm, nhịp sống của phố hàng Đào nay đã khác xưa. Vạn vật thay đổi, có người đến, rất nhiều người cũ đã đi. Chỉ còn ông Thái An và ngôi nhà vẫn còn vẹn nguyên ở đó.
Nguồn: [Link nguồn]