Bất động sản đang ở đáy của chu kỳ suy giảm: Người mua có nên tiếp tục chờ giảm giá?
Theo chuyên gia, thị trường BĐS nhà ở Hà Nội trong Quý I năm 2023 tương đối trầm lắng và được coi là khoảng thời gian gần cuối của quá trình sàng lọc tự nhiên.
Thị trường tiếp tục trầm lắng
Theo Báo cáo thị trường BĐS quý I năm 2023 của Savills, cho thấy thị trường tương đối trầm lắng do nguồn cung mới khan hiếm và vẫn còn tồn tại những khó khăn nhất định.
Thị trường BĐS nhà ở Hà Nội trong quý 1 tương đối trầm lắng do nguồn cung mới khan hiếm và vẫn còn tồn tại những khó khăn nhất định
Nguồn cung căn hộ sơ cấp giảm 4% theo năm. Nguồn cung mới chỉ có 2.040 căn hộ đến từ hai dự án mới và giai đoạn tiếp theo của hai dự án, giảm 30% theo quý. Nguồn cung sơ cấp hạn chế trong khi giá vẫn tăng đã tạo điều kiện cho thị trường thứ cấp phát triển theo hướng bền vững. Khu vực phía Tây tiếp tục dẫn đầu về nguồn cầu và số lượng giao dịch, được coi là khu vực trung tâm mới với cơ sở vật chất hiện đại. Các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Cầu Giấy chiếm 46% nguồn cung sơ cấp và 51% số căn bán được trong quý.
Kế hoạch phát triển đô thị có sự thay đổi khi Gia Lâm và Đông Anh trở thành quận, Hà Nội sẽ đón nhận hai thành phố trực thuộc Thủ đô. Điều này khiến nguồn cung cần được bổ sung nhanh chóng nhằm đáp ứng nguồn cầu rất lớn sẽ đổ về Hà Nội. Gia Lâm, Hà Đông, Hoàng Mai được đánh giá sẽ là các quận tập trung thị trường theo triển vọng tương lai.
Cũng giống như nguồn cung căn hộ, thị trường biệt thự/nhà liền kề cũng chứng kiến sự sụt giảm về nguồn cung mới. Theo báo cáo Quý I năm 2023 của Savills, chỉ có 29 căn biệt thự đến từ một dự án hiện hữu ở Mê Linh, giảm 96% theo năm. Nguồn cung sơ cấp từ 14 dự án, giảm 50% theo năm. Giao dịch đạt mức thấp mới, chỉ có 88 giao dịch trong Quý I, giảm 78% theo năm. Tỉ lệ hấp thụ cũng ở mức thấp nhất kể từ năm 2016, giảm 32 điểm % theo năm. Các dự án ở huyện Mê Linh và Gia Lâm có mức giá hợp lý chiếm tỷ trọng lớn trong số lượng giao dịch của Quý I.
Giá sơ cấp biệt thự cũng giảm 14% theo Quý, liền kề giảm 3% do nguồn cung mới và hàng tồn kho giá thấp tại huyện Mê Linh. Trong khi đó, giá shophouse sơ cấp ổn định do quỹ căn tồn kho giá cao tại quận Hoàng Mai và Tây Hồ. Người mua có xu hướng chuyển sang các sản phẩm thứ cấp, nhờ mức giá thấp hơn 17% so với sản phẩm sơ cấp.
Về triển vọng của thị trường biệt thự/nhà liền kề, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, nhận định: “Dù tình hình giao dịch trong quý đầu chậm nhưng sự phát triển hạ tầng và các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ được kỳ vọng sẽ giúp thị trường phát triển trong thời gian tới”.
Đánh giá về thị trường BĐS thời điểm này, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia Nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, thị trường bất động sản đang ở đáy của chu kỳ suy giảm. Sẽ mất khoảng 1 - 2 năm để thị trường dần phục hồi và tăng trưởng trở lại”.
Các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản đang ở đáy của chu kỳ suy giảm
Nhà đầu tư đã nên mua vào?
Cũng theo các chuyên gia, việc lựa chọn dự án để ở và đầu tư trong giai đoạn này được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhất là khi thu nhập khả dụng của tầng lớp trung lưu tăng lên sẽ làm cho quy mô tiền nhàn rỗi ngày càng lớn, kéo theo nhu cầu đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng thời điểm này, thị trường đang tái lập thế cân bằng trở lại, mức giá dần tiệm cận với giá trị thực. Đây là cơ hội để những người có thu nhập cao, có nhu cầu thực mua để ở, kinh doanh hoặc đầu tư dài hạn có thể lựa chọn phân khúc này đầu tư, tăng sức mua cho thị trường.
“Chung quy lại, thị trường bất động sản Hà Nội sẽ không có nhiều biến động trong thời gian tới. Nguồn cung nhà ở tiếp tục khan hiếm, kể cả phân khúc trung - cao cấp. Lực cầu sản phẩm trung - cao cấp sẽ gia tăng ở những khu vực được đầu tư phát triển hạ tầng, giao thông, đô thị.
Chung cư trung - cao cấp tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn rất tiềm năng, nhất là khi sự đầu tư vào hệ thống hạ tầng giao thông tại các khu vực đô thị mở rộng tiếp tục được đẩy mạnh, thu nhập của người dân đang tăng lên, đặc biệt là dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam ngày càng mạnh mẽ đã kéo theo lượng lớn các chuyên gia, kỹ sư, nhân sự chất lượng cao… vào Việt Nam và có nhu cầu lớn về không gian sống tái tạo năng lượng”, ông Đính nhận định.
Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) và công ty con là CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã HNG) bị Sở Giao dịch CK TP Hồ Chí Minh (GDCKTPHCM) đặt nằm trong danh sách chứng khoán...
Nguồn: [Link nguồn]