Bất chấp dịch Covid-19, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đổ vốn vào Việt Nam
Các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký tổng cộng 12,33 tỉ USD vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20-4, tổng vốn đầu tư gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2020 đạt 12,33 tỉ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019. Dù vốn đăng ký cấp mới và vốn điều chỉnh tăng hơn so với cùng kỳ, song góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài lại giảm mạnh.
Nếu xét về giá trị, vốn đăng ký 4 tháng đầu năm nay vẫn tăng so với cùng kỳ các năm 2016-2018 (tăng 52,3% so với năm 2018, tăng 16,4% so với năm 2017 và tăng 79% so với năm 2016).
Có tổng cộng 984 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 6,78 tỉ USD, giảm 9,1% về số dự án và tăng 26,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Vốn đầu tư tăng là có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn 4 tỉ USD, chiếm 59% tổng vốn đăng ký mới.
Bất động sản là một trong những lĩnh vực thu hút vốn ngoại đổ vào trong 4 tháng đầu năm nay. Ảnh: Linh Anh
Bên cạnh đó, có 335 lượt dự án đăng ký điều chỉnh với tổng vốn tăng thêm trên 3,07 tỉ USD, tăng 45,6% so với cùng kỳ. Vốn điều chỉnh tăng đột biến sau khi giảm liên tục trong 3 tháng đầu năm 2020 do có Dự án tổ hợp hoá dầu Miền Nam Việt Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỉ USD.
Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 3.210 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị gần 2,48 tỉ USD, tăng 32,9% số lượt góp vốn, mua cổ phần nhưng chỉ bằng 34,7% so với cùng kỳ.
Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 6 tỉ USD, chiếm 48,4% tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp đó là các lĩnh vực sản xuất, phân phối điện; bán buôn bán lẻ và hoạt động kinh doanh bất động sản…
Hiện Singapore là quốc gia dẫn đầu tính theo đối tác đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư 5,07 tỉ USD, chiếm 41,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; tiếp theo là Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,...
Tính đến ngày 20-4, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 5,15 tỉ USD, bằng 90,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đã tăng trở lại sau khi giảm nhẹ trong 3 tháng đầu năm. Mặc dù bị tác động bởi dịch Covid-19, song trong 4 tháng đầu năm, khu vực đầu tư nước ngoài vẫn xuất siêu 10,2 tỉ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 9,4 tỉ USD không kể dầu thô, bù đắp phần nhập siêu 9,6 tỉ USD của khu vực trong nước, giúp cả nước xuất siêu 983 triệu USD.
Nguồn: [Link nguồn]
Phiên giao dịch 27/4 diễn ra với áp lực bán gia tăng trên toàn thị trường.