Ăn theo quy hoạch (3): Nhà nhiều “không” chưa đầy 10m2 ở ven sông Hồng được “hét” giá tỷ bạc, gia chủ cam kết... thỏa sức lấn chiếm
Mặc dù những “ngôi nhà” có diện tích chỉ vỏn vẹn khoảng 10m2 và có giá lên đến 70 triệu đồng/m2 nhưng để thuyết phục được người mua, gia chủ “cam đoan” có thể nới rộng sân vườn.
Mặc dù đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang trong quá trình lấy ý kiến (dự kiến công bố vào tháng 6/2021) nhưng người dân Thủ đô "mặc định" hai bên bờ sông Hồng sẽ là nơi đáng sống.
Cũng vì "mặc định" là nơi đáng sống mà theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, gia chủ của những ngôi nhà có diện tích khoảng 10m2 khẳng định, giá nhà "ăn theo" quy hoạch ít nhất 70 triệu đồng/m2.
Những ngôi nhà trong ngõ 143 Phúc Tân có mặt tiền hướng ra sông Hồng, diện tích rất nhỏ hẹp.
Trong vai người tìm mua nhà, ông Nguyễn Hùng (ở ngõ 183 Phúc Tân, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) đã dẫn chúng tôi đến xem một ngôi nhà nằm trên ngõ 143 Phúc Tân.
Theo lời giới thiệu của ông Hùng, ngôi nhà này có diện tích chỉ 12m2, hai tầng, không có sổ đỏ, cũng không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng có thể đảm bảo giấy tờ pháp lý. Bởi người mua phải đóng thuế đất hàng năm.
Theo lời ông Hùng, mặc dù ngôi nhà này diện tích ít ỏi, mặt tiền là bãi phù sa sông Hồng nhưng gia chủ mới có thể cơi nới, thỏa sức làm sân, làm vườn.
Theo ông Nguyễn Hùng, nhà diện tích nhỏ nhưng gia chủ thỏa sức làm sân, vườn theo ý muốn.
"Ngôi nhà" 750 triệu đồng này được ông Hùng giới thiệu có diện tích khoảng 12m2. Ngoài việc "chiếm dụng" khu vực bãi bồi để làm vườn riêng, ông Hùng bật mí, mặt tiền khoảng 3m2 ngay trước cửa cũng có thể chiếm dụng để xây ra.
"Cháu quen biết ở bên phường thì "chạy" Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mà kể cả cháu có chạy được hay không, thì chú vẫn "bảo đảm" cho cháu được làm sân vườn thoải mái", ông Hùng vừa chỉ tay ra phía bãi bồi sông Hồng và nói: "Chỉ sợ cháu không có sức làm thôi. Mình có thể mở rộng diện tích sân. Tham khảo được thì nên mua ở đây vì đây là dự án treo thôi, dự án có lâu lắm rồi. Nếu phải di dời thì sẽ có đền bù nên không lo. Hơn nữa, mặt tiền hướng ra sông mùa hè rất mát mẻ, yên tĩnh", ông Hùng cho hay.
Theo ông Hùng, tất cả người ở trong ngõ 143 và 183 Phúc Tân đều là người lao động ở Hưng Yên.
Một gia đình tại ngõ 143 Phúc Tân đang xây sân hướng ra khu vực bãi bồi sông Hồng.
Ông Hùng nói: "Một ông ở Hưng Yên cũng vừa mua nhà ở gần đây, 18m2, giá tỷ rưỡi. Mua ở đây chỉ cần giấy tờ mua bán viết tay và giấy tờ nộp thuế đất là yên tâm ở".
Để thuyết phục chúng tôi "xuống tiền", ông Hùng không ngại ngần khoe khoảng không gian đã chiếm dụng để cơi nới làm vườn rau và khu vực chăn nuôi và khẳng định giá 750 triệu cho ngôi nhà có diện tích 12m2 vẫn là rất "hời". Bởi không những có thể trở thành "dân" phố cổ mà còn được hưởng các "đặc ân" của thiên nhiên.
Ông Hùng khẳng khái: "Làm thoải mái, phường ở đây không phải sợ. Có người quản lý khu vực đi qua thì cứ đưa chút ít là làm thoải mái... Hơn nữa, sau này mình có thể cơi nới luôn hành lang trước cửa làm để xây ra, mở rộng diện tích ở".
Ông Hùng cho biết, nhiều năm nay, khoảng sân vườn hướng ra sông Hồng này được ông và gia đình sử dụng để làm khu vực chăn nuôi, trồng trọt.
Tình trạng mua bán nhà có diện tích nhỏ, hẹp trong không gian thoát lũ và quy hoạch không chỉ diễn ra tại ngõ 143, 183 phố Phúc Tân mà còn cả ở ngõ 83 phố Bảo Linh (phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm). Một "ngôi nhà" được quây tôn vỏn vẹn 7 – 8m2 cũng được "hét" giá lên đến gần 800 triệu đồng.
Ông Điều (gần 80 tuổi, ở số 12 ngõ 83 phố Bảo Linh) là một trong những "cò mồi" bất động sản.
Trong buổi gặp đầu tiên, ông Điều khẳng định, chỉ cần người mua muốn ở khu vực nào, ông đều có thể đáp ứng về nơi ở.
Ông Điều cũng không ngần ngại nói về ngôi nhà của mình đang ở, mặc dù diện tích không quá nhiều nhưng vừa chỉ tay vào 2 "mảnh" có diện tích khoảng 7 – 8m2 được quây tôn ngay bên hông, ông Điều ra giá "vo" 700 triệu đồng.
Theo đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, khu vực hai bên bờ sông Hồng được áp dụng các giải pháp về quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan, kỹ thuật, công nghệ… trong không gian thoát lũ.
Không ít người dân Thủ đô từng ngày mong chờ một không gian đáng sống, xanh – sạch – đẹp ở hai bên bờ sông Hồng, đoạn chảy qua Thủ đô.
Tuy nhiên, về tính pháp lý của những công trình, nhà ở trong những khu vực nêu trên, trao đổi với PV, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định: "Không có nhà nào được gọi là nhà mà có diện tích khoảng 10m2. Những công trình được quây tôn có diện tích trên hoặc dưới 10m2 thường là lều trông ruộng, trông cá hoặc là nhà chứa công cụ, nông cụ, phân bón…
Nếu đó không phải là lều trông trại thì sẽ là công trình mọc trái phép trên đất nông nghiệp, phi nông nghiệp... Bởi nhà ở phải nằm trên đất ở có hoặc được quy hoạch về đất ở, phải có sổ đỏ ghi rõ ràng "đất ở" thì việc xây dựng nhà ở mới đủ tính pháp lý. Nhà ở trên đất cũng phải nằm trong một cộng đồng dân cư".
Luật sư Hoàng Tùng nhấn mạnh: "Tất cả việc xây dựng trái phép hoặc có phép trên đất nông nghiệp, hoặc các loại đất chưa chuyển đổi sang đất ở và chưa có sổ đỏ, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… thì đều là trái phép. Vấn đề này thuộc trách nhiệm quản lý của chính quyền cấp phường, xã".
Qua đó, luật sư Hoàng Tùng khuyến cáo người mua nhà cần tỉnh táo khi quyết định "xuống tiền" với những công trình có diện tích nhỏ (dưới 30m2), không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… để tránh "tiền mất, tật mang".
Thời gian gần đây tình trạng bất động sản Đông Anh “nhảy múa" không ngớt, giá đất tăng theo từng giờ. “Cò đất"...
Nguồn: [Link nguồn]