2.662 công trình chưa nghiệm thu PCCC: Người dân nơm nớp lo sợ “ông hỏa” ghé thăm

Hiện cả nước vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Mặc dù các quy định pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC đã được ban hành khá đầy đủ nhưng thực tế vẫn còn nhiều bất cập, các quy chuẩn chưa được tuân thủ nghiêm ngặt. Nhiều ý kiến cho rằng đây là việc “đáng báo động” về tình trạng buông lỏng trong quản lý nhà nước về PCCC.

Cả nước có 2.662 công trình đã đưa vào sử dụng nhưng chưa nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy

Cả nước có 2.662 công trình đã đưa vào sử dụng nhưng chưa nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy

Theo báo cáo của Đoàn giám sát, trong giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước đã xảy ra hơn 13 nghìn vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.000 tỷ đồng và 6000 héc ta rừng. Trung bình mỗi năm xảy ra 3 nghìn 287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631 tỷ đồng và 1.600 héc-ta rừng. Địa bàn xảy cháy ở thành thị chiếm 60%.

Sau khi Luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC) có hiệu lực, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương khi lập, phê duyệt đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị và xây dựng công trình đã chú ý kết hợp các nội dung liên quan bảo đảm công tác PCCC. Từ năm 2014-2018, lực lượng Cảnh sát PCCC toàn quốc đã xem xét thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy cho 58.504 dự án, công trình; tổ chức nghiệm thu về PCCC cho 29.230 dự án, công trình.

Tuy nhiên, hiện nay cả nước vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC, trong đó chủ yếu là các công trình được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC cháy năm 2001 có hiệu lực. Tính đến tháng 7-2018, cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.

Công an TP. Hà Nội cho biết, trong đợt tổng kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) 8/2019 đã phát hiện 93 cơ sở không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC&CNCH.

Trong số các công trình vi phạm phòng cháy chữa cháy, đáng chú ý có nhiều chủ đầu tư được xem là "ông lớn" trong làng bất động sản nhưng lại có nhiều tòa nhà chung cư vi phạm điều kiện PCCC và cứu nạn cứu hộ gây mất an toàn cho cư dân.

Đặc biệt, trên địa bàn thành phố còn có các đơn vị là công ty, xí nghiệp sản xuất, các cơ sở giáo dục cũng không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC và cứu nạn cứu hộ.

Tại TP. HCM, theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn - Công an TP.HCM, từ năm 2014 - 2018, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 6.245 sự cố cháy khiến 85 người chết, 238 người bị thương; 13 vụ nổ làm 10 người chết, 19 người bị thương. Tổng thiệt hại về tài sản từ các vụ cháy, nổ hơn 835 tỷ đồng.

Đáng chú ý, có nhiều chung cư mặc dù các hệ thống kỹ thuật phòng cháy chữa cháy được trang bị khá đầy đủ theo quy định nhưng việc bảo trì, bảo dưỡng các hệ thống, phương tiện phòng cháy chữa cháy chưa thực sự được coi trọng. Rất nhiều vụ cháy xảy ra nhưng hệ thống báo cháy, chữa cháy không hoạt động.

Còn nhớ, mới đây cư dân sống tại Chung cư The Era Town (phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM) được một phen hoảng loạn khi một căn hộ tại Block A2 bốc cháy dữ dội. Điều đáng nói, khi vụ hỏa hoạn xảy ra, toàn bộ hệ thống chuông báo cháy tự động đều không hoạt động.

Tương tự, tại chung cư Golden West (Lê Văn Lương – Hà Nội), dù đã về ở gần 3 năm nhưng cư dân cho biết công trình này vẫn chưa được nghiệm thu hoàn công, cũng như đảm bảo an toàn PCCC.

Đặc biệt, chủ đầu tư còn tự ý thay đổi thiết kế không đúng phê duyệt, lấn chiếm 1 phần diện tích sảnh và lối vào phòng sinh hoạt cộng đồng để cho siêu thị thuê; 1 phần diện tích còn lại được chủ đầu tư cho đơn vị khác thuê để làm nhà trẻ - mẫu giáo với thương hiệu Mapbear khi cơ sở này chưa được cấp phép hoạt động, chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy,… nhằm mục đích kinh doanh.

Trước đó, tại dự án Aqua Central (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng đã bị xử phạt 80 triệu đồng về vi phạm phòng cháy chữa cháy. Theo phản ánh của người dân, dự án còn nhiều tồn tại PCCC nhưng chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tháp nước Hà Nội đã đưa một số hộ dân vào ở, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ, mất an toàn.

Thời điểm có đoàn kiểm tra, dự án Aqua Central đang thi công hoàn thiện, chưa bảo đảm việc tiếp cận cho xe thang, xe chữa cháy đối với công trình. Cửa thoát nạn tại các tầng chưa có tay nắm để mở được bên trong. Hệ thống thang bộ thoát nạn từ hầm 3 lên hầm 1 không bảo đảm chiều cao thông thủy theo quy định. Chưa thi công hoàn thiện cửa thang bộ thoát nạn khu vực thương mại từ tầng hầm 1 lên tầng 1 (trục L,M-14). Khoảng thông thoáng thang bộ loại N1 (trục 2-C) chưa đúng quy định.

Theo ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư tự ý điều chỉnh thiết kế, thi công sai so với thiết kế được duyệt, lựa chọn, lắp đặt các hệ thống, thiết bị PCCC không đồng bộ, kém chất lượng dẫn đến hệ thống không hoạt động theo đúng chức năng nên chưa đủ điều kiện để được nghiệm thu về PCCC. Mặt khác, do sức ép về thời hạn xây dựng công trình nên chủ đầu tư phải bàn giao nhà cho người dân vào ở trong khi chưa hoàn thiện hệ thống kỹ thuật PCCC; việc xử lý đối với các công trình này còn gặp nhiều khó khăn do liên quan đến mặt bằng kết cấu xây dựng và kinh phí đầu tư khắc phục.

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu đánh giá nguyên nhân chính xảy ra cháy từ sự chủ quan của con người. Đồng thời đề nghị làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật PCCC.

ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cho rằng, công tác PCCC còn nhiều hạn chế, xảy ra cháy rồi mới rút kinh nghiệm, trong khi cộng đồng phải gánh chịu. 

Theo ông Hiền, phải làm tốt nghiệm thu các công trình trong PCCC. Bởi những vụ cháy vừa qua là do thiếu chấp hành quy định về PCCC, chủ đầu tư tự ý thay đổi công năng, lựa chọn thiết bị phòng cháy không đồng bộ, thiết bị kém, nhiều công trình được đưa vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu về PCCC.

“Cả nước còn 2.662 công trình, và 110 chung cư, nhà cao tầng được đưa vào sử dụng nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC”-ông Hiền nhìn nhận đây là việc “đáng báo động” về tình trạng buông lỏng trong quản lý nhà nước về PCCC đồng thời kiến nghị, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý dứt điểm các sai phạm đối với các chủ đầu tư, công khai các công trình vi phạm về PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, đồng thời xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm về PCCC.

Nguồn: [Link nguồn]

Bi hài chung cư tiếng Tây, đọc “trẹo cả lưỡi” đi từ Bắc vào Nam... tìm mãi không ra

“Mốt” đặt tên Tây cho dự án chung cư chưa khi nào lại nở rộ như bây giờ. Nghe qua cảm giác chung cư rất sang nhưng nó...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN