Xúc động với clip nói về bệnh nhân HIV/AIDS

Sự kiện: Clip hot

Clip "Cho em mơ" cũng đã khiến nữ giáo sư đầu tiên phát hiện ra virus HIV/AIDS trên thế giới đã không cầm được nước mắt.

Vừa qua, sự kiện “We fight AIDS” do các tổ chức phi chính phủ  cùng chung tay tổ chức, với mục đích tri ân vị giáo sư người Pháp Francoise Barre Sinoussi – người đã phát hiện ra virus HIV/AIDS trên thế giới và cùng cầu nguyện cho những người đã chết vì căn bệnh thế kỉ.

Xúc động với clip nói về bệnh nhân HIV/AIDS - 1

Giáo sư  Francoise Barre Sinoussi và nhóm Độc cầm

Trong không khí ấm áp và vui vẻ, những con người không phân biệt quốc tịch, tuổi tác, giới tính đã cùng gặp mặt, trò chuyện và chia sẻ về những số phận không may mắn khi mắc phải căn bệnh HIV/AIDS, những con người đã vượt qua mặc cảm để sống và cống hiến, trở thành những người có đóng góp cho xã hội.

Đã có rất nhiều vị khách nước ngoài đến tham gia, cùng hòa chung không khí ấm cúng và thân mật, cùng lắng nghe những thách thức và khó khăn của cộng đồng những người nhiễm HIV - AIDS ở Việt Nam, chia sẻ với họ niềm hạnh phúc lớn lao khi đã vượt qua căn bệnh thế kỉ và trở thành những công dân có ích của cuộc sống.

Tâm điểm của sư kiện “We fight AIDS” là sự góp mặt của chính vị giáo sư Francoise Barre Sinoussi – người đã có công lớn trong công cuộc tìm ra virus HIV/AIDS trên thế giới. Bà Francoise rất vui mừng và hạnh phúc khi được chứng kiến những con người nhỏ bé của Việt Nam đã dũng cảm vượt qua những khó khăn khi đối mặt với HIV/AIDS, tiếp tục chiến đấu, tiếp tục sống và trở thành người có ích.

Những giọt nước mắt đã lăn trên má vị giáo sư đáng kính người Pháp khi bà được xem bộ phim ngắn “Cho em mơ” do nhóm tứ tấu Độc Cầm và Trung tâm tình nguyện quốc gia Việt Nam thuộc TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng một số đơn vị thực hiện.

Xúc động với clip nói về bệnh nhân HIV/AIDS - 2

Những cô gái xinh đẹp trong nhóm Độc Cầm làm nên thành công cho clip "Cho em mơ"

Bộ phim âm nhạc cảm động kể về một cô bé sinh ra trong gia đình ở nông thôn có mẹ bị nhiễm HIV/AIDS, sự kì thị và phân biệt đối xử mà cô bé phải hứng chịu bởi chính người thân họ hàng và xã hội. Cô bé ấy đã sống trong mặc cảm của tuổi thơ, cho đến khi em tìm đến âm nhạc. Niềm đam mê âm nhạc đã nuôi dưỡng tâm hồn và trái tim cô bé, giúp em tìm được ý nghĩa cuộc sống, hàn gắn những vết thương do HIV/AIDS gây nên.

Cô bé đã kiên cường chiến đấu với sự kì thị, trêu ghẹo của tất cả mọi người, sống với khát khao và đam mê cháy bỏng đối với âm nhạc, để rồi một ngày, cô bé cùng các bạn của mình đã trở thành nhóm tứ tấu thành công của hôm nay.

Nhóm Độc Cầm đã xuất hiện và gửi lời cám ơn chân thành đến những tổ chức phi chính phủ vì cộng đồng, và hy vọng rằng âm nhạc của mình sẽ là thông điệp mạnh mẽ, sâu sắc nhất gửi đến xã hội “Âm nhạc là ước mơ, là sức mạnh, âm nhạc có thể xoa dịu nỗi đau và hàn gắn vết thương của những số phận không may mắn trong cuộc đời”.

Clip "Cho em mơ" đầy nhân văn

Bà Francoise đã trao những cái ôm cảm động đối với nhóm Độc Cầm, và gửi lời cảm ơn chân thành của mình đến với nhóm khi thực hiện một MV âm nhạc đầy nhân văn và cảm xúc.

Bà nói rằng: “Tôi như tìm lại được những con người, những số phận mà tôi từng gặp qua clip của các bạn. Và may mắn thay, tôi lại được nhìn thấy niềm khao khát sống, sức mạnh vượt qua căn bệnh và tình yêu thương vẫn tồn tại trong cuộc sống. Cám ơn các bạn đã tiếp thêm cho chính tôi và cộng đồng của các bạn sức mạnh, để sống tốt hơn và hạnh phúc hơn”.

Đoạn MV cảm động cũng đã lấy đi rất nhiều nước mắt của những người tham gia khi họ tìm được sự đồng cảm sâu sắc trong câu chuyện mà nhóm mang lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nga Trần ([Tên nguồn])
Clip hot Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN