Xúc động cô giáo buôn đồng nát chữa ung thư cho chồng
Để có tiền chữa bệnh cho chồng đang bị ung thư giai đoạn cuối, ngoài giờ dạy trên lớp, chị Thùy không nề hà vất vả mà tranh thủ đi buôn đồng nát.
Chị là cô giáo Vương Thị Thùy (SN 1981, giáo viên trường tiểu học Viên Sơn, thị xã Sơn Tây, TP.Hà Nội). Cuộc sống dẫu có bộn bề khó khăn nhưng chị vẫn luôn tin rằng, đến một ngày sẽ chữa khỏi bệnh cho người chồng mà chị rất mực yêu thương.
Gánh đồng nát trên vai cô giáo tiểu học
Dù hẹn gặp trước nhưng chúng tôi vẫn phải chờ cô Vương Thị Thùy (SN 1981, giáo viên trường tiểu học Viên Sơn, thị xã Sơn Tây, TP.Hà Nội) bán nốt mẻ hàng cuối ngày. Chuyến hàng cuối ngày chị cũng kiếm được khoảng 50 ngàn đồng góp thêm tiền chữa bệnh cho chồng.
Chiều cuối năm, chị hồ hởi khoe, chồng mình là anh Phạm Văn Mạnh (SN 1980, giáo viên trường THCS Trung Hưng, thị xã Sơn Tây) đã có thể đi dạy được sau đợt xạ trị gần đây nhất. Có lẽ ấn tượng đầu tiên của những người từng một lần tiếp xúc với chị là sự mạnh mẽ, cởi mở, tự tin nhưng ẩn sau đó là nỗi đau số phận mà chị từng ngày đang phải cố gắng vượt qua.
Những tác phẩm của anh Phạm Văn Mạnh, niềm hy vọng mới của hai vợ chồng về một tương lai hạnh phúc.
Hai vợ chồng cùng là giáo viên, dẫu không dư dả gì nhưng với đồng lương ấy cũng đảm bảo cho anh chị một cuộc sống yên bình. Những tưởng điều bình dị đó sẽ đến với họ khi sau mọi cố gắng, anh chị cũng có một ngôi nhà nho nhỏ nằm ven đường Phù Sa (thị xã Sơn Tây).
Thế nhưng, cơn bạo bệnh đột ngột của anh Mạnh đã làm thay đổi tất cả. Anh bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối, ngày càng có chiều hướng nặng. Từ đây, cuộc sống của gia đình chị bước sang một giai đoạn khốc liệt, gian nan chiến đấu với bệnh tật của chồng... Sau khi bị trọng bệnh, anh Mạnh phải nghỉ dạy để điều trị.
Cuộc sống hàng ngày của anh gắn với những cơn xạ trị triền miên, tuy nhiên đồng lương khiêm tốn của giáo viên tiểu học không đủ một lần xạ trị cho anh. Của nả trong nhà cứ thế đội nón ra đi và cuối cùng, không còn cách nào khác, căn nhà, tổ ấm hạnh phúc của vợ chồng chị Thùy cũng phải rao bán vào một ngày cuối năm 2014. Khi tiền bán nhà cạn dần theo những đợt xạ trị, cuộc sống gia đình chị rơi vào bế tắc, áp lực giữ lại mạng sống cho chồng, cho cha của các con đè nặng lên đôi vai nhỏ bé của chị Thùy.
Chị Thùy tâm sự: “Lúc đầu, cầm kết quả bệnh của anh Mạnh từ viện K về bệnh viện Sơn Tây, bác sỹ hỏi tôi giai đoạn mấy rồi? Tôi tự tin trả lời, “hình như giai đoạn 2 ạ”. Nhưng khi bác sỹ đọc kết quả liền quay sang mắng: “Giai đoạn 4 rồi, 2 cái gì, giáo viên mà không biết đọc à?” Nghe đến đó, tai tôi như ù lại nhưng vẫn cố động viên chồng, “chắc họ nhầm anh ạ, nhiều người cũng bị nhầm mà. Anh cứ yên tâm trị bệnh, còn nước còn tát””.
Khi tiền bán căn nhà khánh kiệt, gia đình, bạn bè đồng nghiệp đã xúm vào giúp đỡ, song với người bệnh ung thư thì như “muối bỏ biển”. Số tiền phải lo cho anh Mạnh lên đến cả tỉ đồng, căn nhà nhỏ ở phường Viên Sơn bán đi cũng chỉ đủ trang trải vài phần. Nước đường cùng, chị Thùy nghĩ mình phải làm thêm gì đó để kiếm tiền chữa trị cho chồng và duy trì cuộc sống của các con.
“Ban đầu mọi người tư vấn cho tôi là tranh thủ sau giờ lên lớp ra chợ bán rau quả, nhưng sợ mình chẳng có năng khiếu buôn bán, nhỡ ế hàng thì lỗ vốn nên tôi đành thôi. Rồi tôi lại định chuyển sang trông trẻ hoặc giữ nhà nhưng cũng chẳng ai đồng ý. Sau bao đêm trằn trọc “nát óc”, không biết làm gì để có tiền nuôi con, chữa bệnh cho chồng, tôi chợt nghĩ sao mình không lên mạng tìm việc”, cô giáo Thùy kể.
Thế rồi, khi thấy người ta đăng tuyển tìm người giúp việc theo giờ, ngoài giờ lên lớp chị lặng lẽ đi từ Sơn Tây xuống Hà Nội làm việc. Bên cạnh đó, ngày mùa, chị cũng tranh thủ đi cấy hái, gặt thuê cho người ta.
Tuy nhiên, sau bao ngày xuống Hà Nội kiếm việc làm, chị nhận thấy nếu tiếp tục công việc này thì gia đình, con cái không ai chăm sóc, vì vậy chị quyết định hướng cho mình nghề buôn đồng nát. Dẫu có vất vả hơn nhưng số tiền ấy vẫn đủ cho chị và gia đình rau cháo qua ngày, còn tiền lương dành riêng để trị bệnh cho chồng.
Ước mơ về ngày hạnh phúc
Thấy vợ vất vả quá, nhiều lần anh Mạnh đòi về nhà nằm chờ chết, đằng nào cũng không cứu được. Thế nhưng, chị Thùy nói át đi: “Vợ trẻ, con ngoan thế này mà anh đòi đi đâu. Có người không ốm đau tự nhiên bị tai nạn lại “ra đi” nhưng cũng có người bệnh tật vẫn sống vài chục năm.
Anh mà “đi” có người lấy em đấy”. Mắng chồng xong, tim chị như bị ai bóp nghẹt, nước mắt ứa ra. Nghe vợ động viên, anh Mạnh như được tiếp thêm sức mạnh để chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo.
Cô giáo Vương Thị Thùy tâm sự về cuộc đời đầy thăng trầm và dự định của tương lai.
Ngày ngày, bên cạnh giờ dạy trên lớp, chị Thùy lại tất tả theo cái nghề tay trái mà chị gọi là “đi câu”: “Ngày nào tốt thì cũng kiếm được đôi trăm ngàn, còn không thì cũng dồn được dăm ba chục ngàn đồng đủ tiền rau cháo cho cả nhà”.
Ở bệnh viện chăm chồng, mỗi lần nghe tin có người bệnh “ra đi”, chị Thùy lại rùng mình sợ hãi. Chị tâm sự: “Có một dạo, cứ đi qua đường nhìn bất kỳ ngôi mộ nào tôi đều khóc không kìm được. Nghĩ một ngày phải xa anh ấy, mình lại không dám nhìn và cũng không dám nghĩ. Nhưng khi về đến nhà, tôi lại phải cố gắng tươi cười để động viên chồng”.
Nói về tương lai, chị khoe, sau đợt xạ trị vừa rồi, anh đã khỏe hơn và có thể đi dạy được. Trong những ngày phải nằm viện điều trị hóa chất, anh Mạnh đã cảm nhận được sâu sắc tình cảm của vợ đối với mình. Anh lặng lẽ ngồi phác họa một bức chân dung, gửi gắm tình cảm sâu nặng, tha thiết vào trong đó để tặng chị. Bức hình ấy chị Thùy vẫn luôn gìn giữ như một báu vật.
Từ bức tranh vẽ tặng vợ, anh Mạnh đã quyết định sẽ cầm lại cây cọ để vẽ tranh, anh bảo sẽ vẽ để tăng thêm niềm hy vọng vào tương lai. “Tôi cũng động viên chồng rằng, anh cứ vẽ đi, rồi đây mình sẽ có một phòng tranh. Tôi cũng hy vọng bằng thu nhập của phòng tranh ấy sẽ giữ được anh ấy lâu hơn với mẹ con mình”, cô giáo Thùy tự tin nói.
Nói về phòng tranh, chị nhanh tay gạt nước mắt, đưa cho chúng tôi xem những tác phẩm của anh vừa vẽ được chị chụp lại bằng chiếc điện thoại mua trả góp mất gần 1 năm. Những bức tranh với những gam màu tươi sáng cùng với đó là dự định về một phòng tranh tràn đầy hy vọng.
Bao giờ có Tết? Khi hỏi về Tết, chị lặng lẽ ứa nước mắt: “Thú thực là từ ngày chồng bị bệnh, nhà tôi không có Tết, biết lấy gì để có một cái Tết đủ đầy?”. Năm nào cũng vậy, đến Tết là nhà tôi phải đi “trốn” về nhà ngoại. Khi PV hỏi, chẳng nhẽ cứ trốn mãi vậy sao, chị bảo: “Sẽ có Tết nhưng phải chờ đến khi có phòng tranh và bệnh tình của anh ấy khá hơn đã”. |