Xúc động câu chuyện vợ chồng già ròng rã tìm con 20 năm

20 năm qua, ông bà Cầm đã bao lần ròng rã từ Bắc vào Nam với mong mỏi sẽ tìm được cậu con trai duy nhất.

Thời gian trôi qua với nhiều thay đổi và dịch chuyển, ông  bà Cầm vẫn nuôi niềm tin trên sự tuyệt vọng, ngóng đợi người con trai duy nhất trở về trong dịp Tết đoàn viên.

Bỏ nhà đi vì trượt cấp 3

Mấy ngày nay, dân mạng xôn xao trước bản tin tìm người thân của chị Nguyễn Thị Hương (Hà Nội) với lý do, anh trai chị bỏ nhà đi cách đây 20 năm chỉ vì thi trượt cấp 3. Nhiều ý kiến trái chiều đưa ra, đa phần đều cho rằng, gia đình đã có hành động xúc phạm đến danh dự của con trai khiến anh phải bỏ đi không một lần quay lại.

Liên hệ với chị Hương, chúng tôi đã có cơ hội gặp gỡ ông bà Cầm (bố mẹ chị Hương) hiện trú tại phường Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng - Hà Nội) và lắng nghe câu chuyện đầy nước mắt suốt 20 năm lặn lội tìm con của vợ chồng ông.

Xúc động câu chuyện vợ chồng già ròng rã tìm con 20 năm - 1

Chị Hương đăng tin mong muốn tìm được anh trai về đoàn tụ với gia đình

Hai vợ chồng ông đều là công nhân nhà nước nên trước đây, kinh tế được xét vào diện khấm khá trong vùng. Sinh được hai người con một trai, một gái, cuộc sống gia đình những tưởng viên mãn cho đến ngày anh con cả bỏ đi không lời nhắn nhủ.

Bàng hoàng trước tin dữ, vợ chồng ông đôn đáo khắp nơi tìm con suốt hai mươi năm qua. Khi đã già yếu, vợ chồng ông Cầm không thể đi lại được đành nhờ người đăng tải lên mạng xã hội với hy vọng được gặp lại con một lần.

Con trai ông là Nguyễn Quang Tuấn, sinh năm 1980, bỏ nhà đi khi 17 tuổi. Nhớ lại hình ảnh cậu con trai cách đây 20 năm, ông Cầm nghẹn ngào: “Con trai tôi bản lĩnh và có chí lắm. Làm sai là nhận sai, không bao giờ chối bỏ. Nhưng lòng tự trọng của nó rất cao nên con tôi đã bỏ đi khi trượt cấp 3. Lỗi phần nhiều ở tôi vì tôi quá nuông chiều con. Từ năm lớp, con tôi học hành chểnh mảng, tuy vẫn lên lớp với bằng khá nhưng chỉ nhờ bệ đỡ từ bố mẹ. Tôi chỉ có hai đứa con và đều yêu quý chúng nên sẵn sàng chi tiền để con có cuộc sống không thua kém ai. Tuy nhiên, đến kỳ thi chuyển cấp 3 thì con tôi thi trượt và bỏ nhà đi sau khi biết điểm".

Đã quen việc hết năm là lên lớp, "cậu ấm" họ Nguyễn không chấp nhận sự thật mình bị trượt cấp 3. Hụt hẫng và xấu hổ với bạn bè, ngày Tuấn đi xem điểm cũng là ngày ông bà Cầm xa con cho đến bây giờ.

Hai ông bà đã đôn đáo tìm con trai suốt 20 năm qua nhưng vẫn không có cơ hội gặp gỡ: “Tôi tin tưởng con trai mình khi nó ra ngoài xã hội vì lúc đó, Tuấn đã 17 tuổi và cũng đủ lớn để nhận thức rồi. Nhưng tính con tôi nông nổi và quen sống trong sự nuông chiều nên khi con bỏ đi, cả gia đình tôi đứng ngồi không yên. Suốt 20 năm qua, vợ chồng tôi vẫn không ngừng tìm kiếm con trai”.

Mong con trở về đoàn tụ

Sợ chạm đến lòng tự trọng của con, ông bà Cầm không dám đăng tin con mất tích lên các phương tiện truyền thông mà chỉ lặng lẽ cùng người nhà mò mẫm khắp nơi kiếm tìm, hy vọng khi con khôn lớn sẽ suy nghĩ lại để về bên gia đình. Nhưng nhiều năm trôi qua, anh Tuấn vẫn bặt vô âm tín.

Bất lực nhưng không chấp nhận thực tế, ông Cầm tìm đến các nhà ngoại cảm để hy vọng tìm  được con: “Tôi đã nhờ anh Niêm, một nhà ngoại cảm có tiếng trong việc tìm người. Anh giúp tôi biết được con trai vẫn khỏe mạnh và đang làm trong Sài Gòn. Nghe tin tôi mừng lắm, một mình vào trong đó tìm con. Nhưng khi đến được chỗ con làm thì nó lại tránh mặt. Tìm về nhà trọ thì con đã xếp đồ bỏ đi. Tôi hiểu tính con và biết nó không muốn bố phải nhìn thấy mình trong cảnh cùng cực, khó khăn. Tôi nghĩ con đang cố gắng thành đạt để trở về".

Thế những sau bao năm tháng, niềm hy vọng con trai về gặp lại bố mẹ cũng tiêu tan. Ở tuổi 60 hai ông bà vẫn không quản công vào nam ra bắc để tìm được con.

Một lần nghe hàng xóm cũ nói, họ từng gặp anh Tuấn ghé qua khu gần nhà gia đình ông ở trước đây. Nhưng căn nhà cũ ông cũng đã bán vì muốn con trai không phải đối mặt với những người quen cũ: “Tôi đã bán ngôi nhà cũ vì nghĩ con sợ về khu đó, sợ gặp lại những người quen ngày xưa. Đây là cách duy nhất tôi có thể làm để hy vọng gặp được con. Bán ngôi nhà đó đi, hai vợ chồng mua tạm căn chung cư bé này để có chỗ đi ra đi vào, còn bao nhiêu tiền giành dụm, tôi vẫn để đó cho con. Hi vọng con quay về có thể dùng nó trang trải phần nào cuộc sống. Chúng tôi đều già yếu hết rồi, tiền cũng chẳng tiêu đến, chỉ gom góp cả đời cho con. Con gái út đã đi lấy chồng và ổn định cuộc sống. Giờ tôi chỉ hi vọng tìm được con trai để bù đắp những tháng ngày qua".

Người con gái lấy chồng xa lại bận việc buôn bán nên cả năm chỉ tranh thủ ghé thăm bố mẹ vài lần. Hai vợ chồng lủi thủi sớm tối, ứa nước mắt khi nhìn cảnh hàng xóm con cháu sum vầy.

Chị Hương -  người con út của ông tâm sự: “Bố mẹ mình giờ ốm yếu lắm, bệnh tật cũng nhiều, một phần vì tuổi già, một phần vì thương anh Tuấn. Chỉ mong năm hết Tết đến, anh có thể về gặp mặt bố mẹ".

Chị Hương cho biết, ông bà Cầm sức khỏe ngày càng ốm yếu nhưng lúc nào cũng hy vọng một ngày anh Tuấn sẽ trở về bên gia đình. "Mình ở xa, công việc bận lắm nên thời gian dành cho bố mẹ không có. Thương bố mẹ cũng chẳng biết phải làm sao. Nghe nói anh Tuấn giờ cũng đã có vợ con, vậy là nhà mình thêm con thêm cháu. Chỉ hi vọng một ngày được đoàn tụ, sum vầy!" - chị vừa nói vừa giấu những giọt nước mắt hy vọng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN