Xu hướng game di động nở rộ trong giới văn phòng thời @

Thư giản một chút với game là lựa chọn hàng đầu của nhiều người trong giới văn phòng hiện nay, bên cạnh phim ảnh, shopping,…

Với 8 tiếng/ngày làm việc ở công ty, chưa kể thời gian nghỉ giữa trưa, thời gian tới sớm hay về muộn thì ngoài những thú vui giải trí thông thường (shopping online, xem phim,…), giới văn phòng đang dần tiếp cận với những tựa game di động để “xả stress”. Xu hướng này có thể thấy rõ trong hầu hết các công ty hiện nay, không phân biệt lĩnh vực, quy mô hay độ tuổi nhân viên.

Xu hướng game di động nở rộ trong giới văn phòng thời @ - 1

Những nữ game thủ đang cổ vũ cuồng nhiệt cho một giải đấu game tại TP.HCM.

Minh chứng là theo phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Newzoo, trong năm 2017, Việt Nam có khoảng 32,8 triệu người chơi game, chiếm hơn 1/3 dân số. Không chỉ nam giới, nữ giới cũng dần có tư tưởng tích cực hơn về game và chọn cách giải trí bằng game trên các thiết bị công nghệ.

Chẳng hạn là trường hợp của chị Huỳnh Anh (32 tuổi, nhân viên marketing đã có hơn 10 năm làm việc tại TP.HCM). Cũng như bao người trong công ty, tới văn phòng lúc 8h sáng và trở về nhà lúc 17h30 hằng ngày, chị phải tìm cho mình những thú vui để khuây khỏa giờ nghỉ trưa.

“Sau khi ăn trưa cùng mọi người, trở về văn phòng mình sẽ chợp mắt khoảng 20 - 30 phút. Để lấy lại tinh thần trước khi bắt đầu giờ làm vào buổi chiều, mình thường bật điện thoại lên chơi game" chị Huỳnh Anh cho hay.

Khác với chị Huỳnh Anh, nhiều đồng nghiệp của chị lại chọn cách đi shopping hoặc tìm đến các quán cà phê sân vườn trong giờ nghỉ trưa. Song khi được hỏi về việc có chơi game hay không thì tất cả đều trả lời là “Có”, thậm chí là họ bật game lên chơi ngay khi đang ngồi ăn trưa với nhau. Những tựa game quen thuộc mà các chị hay chơi là xếp hình, bói toán,...; trong khi với các anh lại là Liên Quân Mobile.

Xu hướng game di động nở rộ trong giới văn phòng thời @ - 2

Chỉ với một chiếc smartphone, dân văn phòng có thể giải trí bằng game mọi lúc mọi nơi.

Còn anh Hữu Nguyên (40 tuổi, làm việc trong bộ phận hành chính nhân sự của một công ty truyền thông) chia sẻ: “Tôi chơi game cùng lúc trên cả 4 thiết bị, gồm 2 chiếc điện thoại, iPad và cả máy tính để bàn. Chơi game như vậy không phải là nghiện, mà là để tay thao tác liên tục cho bớt nhàm chán. Với lại cùng nhiêu đó thời gian mà “nuôi” nhiều nhân vật thì mình sẽ sở hữu được nhiều tài khoản ở cấp độ cao để còn khoe với bạn bè”.

Chị Oanh, Giám đốc nhân sự của một công ty có hơn 200 nhân viên tại TP.HCM thì cho biết, công ty của chị không cấm nhân viên chơi game trong giờ nghỉ trưa nhưng có lưu ý là các nhân viên chỉ nên chơi game hay lướt Facebook có chừng mực, còn lại nên dành thời gian nghỉ ngơi.

“Giờ nghỉ trưa nào cũng cả chục người trong văn phòng cầm điện thoại trên tay lướt lướt, bấm bấm. Một chút thì không sao, chứ cứ như vậy suốt buổi trưa thì thời gian đâu cho đầu óc được nghỉ ngơi”, chị Oanh nói. Dù vậy, chị Oanh cho rằng: “Game đúng là một cách giải trí dễ dàng, gần gũi dành cho giới văn phòng nếu biết chơi một cách khoa học, thậm chí là liệu pháp giúp gắn kết các thành viên trong công ty”.

Xu hướng game di động nở rộ trong giới văn phòng thời @ - 3

Không chỉ trong văn phòng mà game ở ngoài đời thật đã tạo nên những cuộc thi tài cuồng nhiệt.

Thực tế thị trường game di động hiện nay còn đa dạng hơn rất nhiều với những tựa game mới xuất hiện mỗi ngày. Nếu như thế hệ 8X, 9X đời đầu từng “phát sốt” với máy chơi game trắng đen cầm tay, game dàn trận truyền thống trên máy tính; thì xu hướng chơi game chuyển dịch sang di động như các trường hợp trên là điều dễ hiểu khi mà smartphone, máy tính bảng và đặc biệt là internet không dây tốc độ cao đã phủ khắp vùng miền.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN