Xóm nghề lạ giữa lòng TPHCM, ai làm cũng dễ mang sẹo trên người

Sự kiện: Giới trẻ 2024
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Xóm nghề lạ nằm trong lòng TPHCM từng là sinh kế của hàng trăm hộ gia đình bất chấp việc ai theo nghề cũng dễ mang những vết sẹo trên người.

“Xóm thợ cắt”

Hai bên con hẻm rộng khoảng 3m trên đường Lạc Long Quân (quận 11, TPHCM) chất đầy những lốp xe ô tô cũ. Xen lẫn chúng là vô số miếng cao su nhiều kích thước được xếp thành từng chồng, dựng sát tường nhà dân.

Những chồng cao su này là sản phẩm thô của các “thợ cắt” đang làm việc trong xóm nghề tái chế lốp xe ô tô cũ. Người thợ tại đây cho biết, xóm nghề hình thành sau giải phóng và tồn tại đến ngày nay.

Những chồng lốp ô tô cũ trong một con hẻm trên đường Lạc Long Quân (quận 11, TPHCM). Ảnh: Hà Nguyễn

Những chồng lốp ô tô cũ trong một con hẻm trên đường Lạc Long Quân (quận 11, TPHCM). Ảnh: Hà Nguyễn

Trước đây, nghề này rất thịnh và là sinh kế của hầu hết người dân trong hẻm. Ông Trần Văn Tiến (62 tuổi, “thợ cắt” của xóm tái chế lốp ô tô cũ tại hẻm) cho biết: “Lúc mới giải phóng, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn.

Một người dân ở hẻm nghĩ ra cách thu mua lốp xe ô tô cũ về cắt, xẻ ra làm dép cao su đem bán. Sau này, dép cao su làm đen chân, mang nặng, không được ưa chuộng nữa, người làm nghề chuyển sang làm nhiều mặt hàng khác như: Máng heo, giỏ xách, miếng lót cho lốp ô tô khách, má phanh xe đạp…

Thấy có triển vọng, người dân trong hẻm học hỏi lẫn nhau rồi cùng làm nghề. Một thời, đây là nghề mưu sinh chính của hàng trăm người dân trong hẻm, giúp họ có việc làm ổn định, thu nhập khá. Thậm chí không ít người đã làm giàu nhờ nghề này”.

Sau khi được thợ cắt "xẻ thịt", lốp xe cũ trở thành những miếng cao su với nhiều kích thước khác nhau. Ảnh: Hà Nguyễn

Sau khi được thợ cắt "xẻ thịt", lốp xe cũ trở thành những miếng cao su với nhiều kích thước khác nhau. Ảnh: Hà Nguyễn

Cũng theo ông Tiến, vì nhà nhà, người người làm nghề tái chế lốp ô tô nên con hẻm nhỏ được gọi là xóm cắt lốp ô tô. Người dùng dao thép cắt, xẻ cao su từ lốp cũ được đặt biệt danh là “thợ cắt”.

Trước đây, công việc của thợ cắt khá nặng nhọc. Sau khi thu mua lốp ô tô cũ về, những người thợ sử dụng các loại dao sắc, nhọn để cắt, xẻ lốp thành những miếng nhiều kích thước.

Tùy theo mục đích sử dụng, người thợ sẽ xẻ lốp xe thành những miếng cao su dày, mỏng, rộng, hẹp… khác nhau. Sau đó, thợ dùng các loại máy tự chế để cắt, dập những miếng cao su vừa cắt từ lốp này thành sản phẩm theo yêu cầu.

Ông Tiến cho biết, nghề tái chế lốp ô tô cũ tại hẻm hình thành sau giải phóng và được duy trì đến ngày nay. Ảnh: Hà Nguyễn

Ông Tiến cho biết, nghề tái chế lốp ô tô cũ tại hẻm hình thành sau giải phóng và được duy trì đến ngày nay. Ảnh: Hà Nguyễn

Ông Tiến chia sẻ: “Công đoạn cắt, xẻ cao su từ lốp xe không hề đơn giản, dễ dàng. Khi cắt, thợ phải dùng sức lật, xoay những chiếc lốp xe nặng từ 40-100kg bằng tay.

Lốp xe cứng, dai, thợ phải mài dao thật sắc. Lúc cắt, người thợ phải dùng nhiều sức nên rất mệt. Thông thường, thợ mất nửa ngày mới xẻ xong một chiếc lốp xe kích thước lớn.

Ngoài mất nhiều sức lực, công việc này cũng khá nguy hiểm vì người thợ thường xuyên sử dụng các loại dao sắc, nhọn. Chỉ cần mất tập trung là gặp tai nạn nghề nghiệp. Dù cẩn thận, nhưng phần lớn người theo nghề này đều mang sẹo trên người”.

Ảnh: Hà Nguyễn

Ảnh: Hà Nguyễn

Dần mai một

Đa số thợ cắt tại hẻm tái chế lốp ô tô đều làm việc theo phương pháp thủ công do người đi trước truyền lại. Sau này, để giảm sức lao động, thợ cắt tự sáng chế một số loại máy móc phục vụ cho công việc.

Những năm trước, với các loại máy móc tự chế này, mỗi ngày thợ cắt có thể kiếm được từ 400.000 - 500.000 đồng từ công việc của mình. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nghề tái chế lốp ô tô tại hẻm bắt đầu giảm thu nhập.

Vì vậy, quy mô của xóm nghề cũng thu hẹp theo. Hiện nay, hẻm tái chế lốp ô tô cũ chỉ còn 5 - 6 hộ tiếp tục gắn bó với nghề đặc biệt này.

Người dân tại hẻm cho biết, nghề mai một vì nhiều lý do. Một trong số này là công việc cực nhọc nên kén người theo nghề.

Ngoài việc phải dùng sức lực để xoay, vần lốp xe trong lúc cắt, xẻ, các thợ cắt phải làm việc trong điều kiện lúc nào cơ thể cũng đen đúa vì dính bụi cao su. Nguy hiểm hơn, hít lâu loại bụi này thợ cắt dễ mắc các bệnh về đường hô hấp.

Phần cao su thừa sau quá trình tái chế sẽ được thợ cắt bán cho người thu mua để đốt lấy dầu. Ảnh: Hà Nguyễn

Phần cao su thừa sau quá trình tái chế sẽ được thợ cắt bán cho người thu mua để đốt lấy dầu. Ảnh: Hà Nguyễn

Ông Đoàn Văn Thanh (63 tuổi, thợ cắt tại hẻm tái chế lốp xe ô tô) cho biết: “Khi cắt, xẻ lốp ô tô cũ, người thợ phải dùng nhiều sức ở cả tay lẫn chân. Đến khâu dập ra sản phẩm, thợ phải ngồi một chỗ cả ngày. Do vậy khi về già, hầu như ai làm nghề này cũng mắc các bệnh về xương khớp”.

Cũng theo ông, hiện nay, hầu hết các cơ sở, hộ gia đình vẫn giữ nghề tái chế lốp ô tô chỉ còn sử dụng loại nguyên liệu này để làm mặt hàng cao su đùm (bộ phận làm giảm chấn nằm giữa cùi dĩa và bánh xe) cho các loại xe số.

Tuy nhiên hiện nay, loại mặt hàng này ngày càng ế ẩm. Làm nghề cực nhọc nhưng thu nhập giảm khiến nhiều thợ cắt bỏ nghề, chuyển sang làm công việc khác mưu sinh.

Ông Thanh cho biết, nghề tái chế lốp ô tô cũ tại xóm nghề đang ngày càng mai một và lụi tàn vì khó tìm được người kế thừa. Ảnh: Hà Nguyễn

Ông Thanh cho biết, nghề tái chế lốp ô tô cũ tại xóm nghề đang ngày càng mai một và lụi tàn vì khó tìm được người kế thừa. Ảnh: Hà Nguyễn

Ông Thanh tâm sự: “Nghề truyền thống của hẻm đang dần mai một, lụi tàn. Công việc nhiều cực nhọc nhưng thu nhập không cao khiến lớp trẻ không thiết tha, theo nghề.

Hiện nay, các cháu có kiến thức, được đào tạo ở nhiều lĩnh vực nên có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp tốt hơn. Bây giờ, hẻm chỉ còn những người có tuổi như tôi theo nghề. Đa số đều đã U60.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng chỉ làm cầm chừng, phần vì sức khỏe không còn tốt, phần vì mặt hàng do chúng tôi sản xuất gặp tình trạng ế ẩm.

Chỉ những xưởng có vốn lớn, được đầu tư nhiều loại máy móc để sản xuất ra các mặt hàng đáp ứng đa dạng thị trường mới có thể tồn tại. Hiện ở hẻm chỉ còn 1 - 2 cơ sở như thế”.

Nguồn: [Link nguồn]

Đây là một nghề rất ít người làm nhưng có nhiều cơ hội để kiếm tiền, biết nắm bắt thu nhập của bạn sẽ rất cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Nguyễn ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN