Xe ôm thời công nghệ: "Dễ" kiếm tiền, nhiều nguy hiểm
Thông tin nam sinh chạy Grab chở khách, bị sát hại ở bãi đất hoang thuộc quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đang khiến nhiều người hết sức bàng hoàng.
Chạy Grab đang là công việc làm thêm được nhiều bạn sinh viên lựa chọn.
Xe ôm công nghệ - nghề “dễ” kiếm tiền
Với các bạn sinh viên, đặc biệt là nam giới, chạy Gran đang được xem là công việc làm thêm "dễ" kiếm tiền, chủ động thời gian. Vì thế, ngày càng có nhiều bạn sinh viên đầu quân cho Công ty Grab.
Để đăng ký tham gia chạy GrabBike thì các bạn sinh viên đại học, cao đẳng… ngoài một chiếc xe máy thì cần có thẻ sinh viên, giấy CMND, bằng lái, đăng ký và bảo hiểm xe máy để nộp cho công ty. Tiếp đến các bạn phải trải qua bài kiểm tra trắc nghiệm và tham một buổi hướng dẫn về nội quy công ty, quy tắc ứng xử với khách hàng, khi tham gia giao thông... Sau khi hoàn thành xong những bước trên các em sẽ được cấp mã số đối tác và cài phần mềm Grab lên điện thoại để bắt đầu hành nghề.
Những người làm nghề Grab vẫn truyền tai nhau "truyền thuyết" về những cao thủ chạy “bạc áo” mỗi ngày có thể kiếm được tới 1 triệu đồng. Còn với các bạn sinh viên, tranh thủ thời gian rảnh chạy xe thì 1 tháng mỗi người cũng có thể bỏ túi được từ 3 – 4 triệu đồng, số tiền mà không phải bất cứ công việc làm thêm nào cũng kiếm được. Nếu khéo léo chi tiêu thì chừng đó cũng đủ để các bạn trang trải cuộc sống nơi đô thị đắt đỏ.
Nguy hiểm rình rập
Thu nhập cao là thế, nhưng việc chạy Grab cũng ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm mà nghe qua ai cũng phải "rùng mình".
Nguyễn Văn Lưu (20 tuổi, quê Nghệ An, sinh viên đại học Thủy Lợi) thường tranh thủ làm xe ôm công nghệ những lúc không phải lên giảng đường.
Tuy nhiên, vì không phải là dân bản địa nên Lưu không nắm rõ các cung đường ở Hà Nội, việc chạy xe vì thế cũng gặp không ít khó khăn. Có không ít lần chạy xe theo bản đồ trên app thì lại đi sai đường. Rút kinh nghiện từ những lần đó, Lưu đều chủ động hỏi khách có biết đường không thì chỉ giúp vì lái mới nên không thông thạo đường xá. Chưa kể nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông với nghề này cũng rất cao.
Bên cạnh đó, theo Lưu chia sẻ, nỗi khổ của tài xế công nghệ là muốn có thu nhập thì phải chạy thường xuyên, không được hủy chuyến. Vì thế nên nhiều khi vẫn phải cố. Ăn uống thì thất thường, tiện đâu ăn đó nên rất dễ bị đau dạ dày. Đặc biệt vào những hôm trời nắng to hoặc mưa ngập lụt thì vô cùng khốn khổ. Nhưng nếu không đi thì không được bởi sẽ ít "nổ" khách hơn, thu nhập vì thế cũng thấp đi rất nhiều.
“Công việc làm thêm này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro bởi đối tượng khách hàng khá đa dạng, nhiều cung đường khác nhau… Đơn cử như trường hợp của bạn Nguyễn Cao S. bị sát hại ở bãi đất hoang rúng động mấy ngày qua. Nhiều lúc em cũng sợ lắm. Nhưng sinh viên mà chị, chưa có bằng cấp, thời gian hạn hẹp thì đành phải chấp nhận thôi”, Lưu chia sẻ.
Thu nhập từ việc chạy xe ôm công nghệ cũng không hề nhỏ.
Bất chấp để mưu sinh
Dù khó khăn, nguy hiểm luôn rình rập nhưng Lưu và nhiều bạn trẻ khác vẫn phải tiếp tục làm tài xế xe ôm công nghệ để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt đắt đỏ nơi thành phố.
Tuấn (19 tuổi, sinh viên trường cao đẳng nghề trên địa bàn Hà Nội) cho biết: “Em đã chạy xe ôm công nghệ được 2 năm, cũng đã từng có lần gặp khách hàng là những đối tượng côn đồ. Thay vì đôi co với họ em đành ngậm ngùi đi về không xem như mình “làm từ thiện””.
Chưa kể có những khách vì có việc gấp yêu cầu mình phóng nhanh, đi đường tắt hết sức nguy hiểm. Đôi khi còn gặp khách quên không mang tiền…
Từ kinh nghiệm của bản thân, Tuấn khuyên các tài xế mới vào nghề cần hết sức cảnh giác khi chạy xe vào ban đêm. Đặc biệt, khi khách đề nghị chở đến những huyện ngoại thành hay cung đường vắng người qua lại thì cần chú ý an toàn.
Không thể phủ nhận Grab đang giúp cho nhiều người nghèo, đặc biệt là các bạn sinh viên có thêm một nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, dù mưu sinh bạn cũng cần phải biết đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình.
Lần đầu khởi nghiệp thất bại đau đớn, anh chàng chạy xe ôm để trả nợ và kiếm vốn làm lại cuộc đời.