Vui vẻ cho anh trai vợ vay tiền, lúc đòi lại thành kẻ mang tội

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Chính lòng tốt đã đẩy tôi vào hoàn cảnh trớ trêu bị cả gia đình vợ trách móc và xa lánh.

Vợ chồng đau đầu vì chuyện cho người thân vay nợ (ảnh minh hoạ)

Vợ chồng đau đầu vì chuyện cho người thân vay nợ (ảnh minh hoạ)

Tôi nhận được bài học xương máu khi cho anh trai vợ vay tiền, tiếc là, cái giá của bài học đó quá đắt.

Vợ chồng tôi cưới nhau 7 năm, hiện đã có hai đứa con 1 trai, 1 gái. Vợ tôi là người biết điều, giỏi nữ công gia chánh, biết đối nội, đối ngoại. Nhiều khi, tôi thầm cảm ơn bố mẹ vợ đã sinh thành và nuôi dạy cho tôi một người vợ giỏi giang thế này.

Tôi và cô ấy có thể nói là “môn đăng hộ đối”, gia đình hai bên cùng làm nghề nông, khó khăn, vất vả như nhau. Vợ tôi thuở con gái rất “đắt chồng”, tôi nghe mẹ vợ kể, cô ấy được nhiều người hỏi cưới, giáo viên, bác sĩ đủ cả. Bố mẹ vợ vốn mong con gái lấy chồng gần nên ngày có một thanh niên ở xa 200 cây số như tôi về ra mắt, ông bà ghét ra mặt.

Điều khiến tôi tự tin nhất khi ấy là đã mua được một căn chung cư nho nhỏ ở Hà Nội. Tôi nói với ông bà rằng: “Cưới con, Th. Chỉ phải ở trọ 1 năm thôi, 1 năm sau chúng con nhận nhà rồi. Hai quê tuy cách xa 200 cây số nhưng chúng con sống ở Hà Nội, so ra, Th. cũng không gọi là lấy chồng quá xa”. Mẹ vợ nghe vậy xuôi xuôi nhưng bố vợ tôi vẫn hoạnh hoẹ đủ kiểu. Ông bảo chung cư như cái tổ chim, đâu gọi là nhà và một chốn đôi quê thì kiểu gì cũng vất vả. Tuy vậy, vợ tôi cương quyết cưới thì ông bà cũng phải nghe theo.

Tôi luôn cố gắng kiếm tiền, cùng vợ vun đắp tổ ấm nhỏ thay cho lời cảm ơn năm xưa vợ yêu và cưới mình. Phần khác, tôi muốn chứng minh cho bố mẹ vợ thấy, ông bà không sai khi gả con gái cho tôi. Đối với nhà ngoại, tôi hết lòng săn sóc. Lễ Tết, tôi biếu ông bà nội bao nhiêu thì cũng biếu ông bà ngoại bấy nhiêu, đến cái máy giặt, điều hoà nhà vợ đang dùng cũng là vợ chồng tôi tặng. Vợ chồng tôi đưa con về quê ngoại còn nhiều hơn về quê nội bởi quê ngoại gần hơn. Sau vài năm, mối quan hệ giữa tôi và nhà vợ được vun đắp khá tốt đẹp.

Phát hiện ra sự việc, vợ tôi làm ầm lên với anh trai (ảnh minh hoạ)

Phát hiện ra sự việc, vợ tôi làm ầm lên với anh trai (ảnh minh hoạ)

Vợ tôi có một anh trai đã kết hôn. Vợ anh làm công nhân may mặc trong thành phố, còn anh thì làm đủ nghề, từ bốc vác thuê đến buôn hoa quả. Anh chăm chỉ làm việc bởi muốn phá căn nhà ọp ẹp này đi xây lại. Tôi ủng hộ hết mình, hứa khi nào anh xây nhà sẽ cho vay 100 triệu. Đó là năm 2015, cách đây 5 năm.

Mùng 3 Tết năm đó, vợ chồng con cái tôi vừa đặt chân về nhà ngoại, anh đã kéo tôi vào một góc vay tiền. Anh mắt đỏ hoe kể, vì nóng lòng có tiền xây nhà, anh đánh bạc suốt 2 đêm và thua 30 triệu. Tiền đó anh vay nặng lãi, nếu không trả ngay thì chỉ vài tháng nữa sẽ lên đến 50, thậm chí là 100 triệu. Tôi trách móc anh vài câu rồi cũng rút hết khoản tiền vốn để ra Tết đầu tư vào linh kiện điện tử cho anh vay trả nợ, đồng thời giấu cả nhà.

Nhưng vợ tôi rất tinh ý, chẳng có chuyện gì qua mắt được cô ấy. Phát hiện ra sự việc, vợ tôi làm ầm lên với anh trai. Phen đó, tôi bị bố mẹ vợ trách mắng thậm tệ, nói tôi “nối giáo cho giặc”, cấp tiền cho anh trai vợ đánh bạc nên mới ra nông nỗi này. Mà nào tôi có cấp tiền, là anh thua bạc rồi mới vay mượn tôi để khỏi phải gánh lãi. Nhờ có vợ ra sức nói đỡ, mọi chuyện với êm xuôi.

Nửa năm sau đó, trong bữa cơm gia đình, anh trai vợ nói với tôi: “Ngại quá, giờ vẫn chưa trả được chú dì 30 triệu”. Bố vợ gạt phắt: “Trả cái gì mà trả, năm sau làm nhà rồi, tiền đặt gạch, sắt còn chưa đủ kia kìa”. Tôi giữ lời hứa, bàn với vợ rút 120 triệu từ ngân hàng về cho anh mượn làm nhà.

Thật ra vợ chồng tôi khi ấy cũng chưa có nhiều vốn liếng, hai vợ chồng lại muốn mua ô tô để tiện về quê nội, quê ngoại. Nhưng nghĩ anh trai vợ cần tiền làm nhà hơn nên chẳng ngại ngần cho vay. Tôi còn bảo anh rằng: “Anh không cần gom đủ cả cục mới trả em mà có thể trả thành từng đợt, 20, 30 triệu một lần cũng được. Em cũng gọi là có tí vốn xoay vòng”. Anh vợ và bố mẹ vợ đều hết mực hài lòng về đề nghị này.

Nhưng đã hơn 4 năm trôi qua, tôi vẫn chưa nhận được một đồng nào từ anh. Chưa nói đến khoản 120 triệu vay làm nhà, hình như cái khoản 30 triệu vay để trả nợ cờ bạc anh cũng không nhớ nữa.

Mỗi lần vợ chồng tôi về quê, bố con, anh em vẫn tiệc rượu vui vẻ, nói đủ thứ chuyện trên đời, riêng chuyện nợ nần là không hề nhắc đến. Chỉ có vợ thi thoảng nói riêng với tôi: “Chắc anh chị độ này làm ăn khó khăn, vợ chồng mình thư thư ít bữa”. Tôi biết cô ấy rất ngại với tôi.

Một năm trở lại đây, vì dịch COVID-19 mà công việc làm ăn của tôi sa sút, có tháng còn nợ lương nhân viên. Tiền học của con, phí sinh hoạt gia đình đều dựa cả vào lương của vợ, tôi thì loay hoay gồng gánh công ty.

Bí quá, tôi bàn với vợ hỏi tiền anh trai. Vợ tôi cũng ủng hộ. Tôi không gọi điện và đưa vợ con về quê chơi, sau bữa cơm, chủ động nhắc đến chuyện nợ nần.

“Độ này công ty khó khăn, em nợ lương nhân viên gần 2 tháng nay rồi, không nợ thêm được nữa. Anh chị thu xếp cho em “mượn” lại số tiền lúc trước cho anh chị vay, rồi qua đợt khó khăn này, em lại đưa cho anh chị lấy vốn làm ăn”. Bố mẹ và anh trai vợ nhìn tôi với ánh mắt kinh ngạc rồi mặt sa sầm như thể tôi vừa nói điều gì ghê gớm lắm. Không khí trở nên căng thẳng, anh trai vợ nói với tôi: “Chú đòi gấp quá, anh chị chưa xoay được. Để từ từ anh tính”.

2, 3 tháng sau tôi vẫn không thấy anh nói gì đến chuyện trả nợ nên giấu vợ gọi điện đòi một lần nữa. Tôi vẫn nói nhẹ nhàng như đi xin tiền mà anh thì trả lời dửng dưng một câu: “Anh chưa có”.

Nhưng bố vợ tôi thì không hiền lành thế. Ông gọi cho vợ tôi mắng như tát nước vào mặt: “Anh mày phải nghỉ học sớm để bố mẹ dồn tiền nuôi mày ăn học. Nhà này ọp ẹp cũng bởi có bao tiền gửi hết cho mày học hành sung sướng trên đất Hà Nội. Giờ anh mày xây nhà, đã không cho được đồng nào thì thôi mà có vài đồng bạc cho vay cũng đòi lại. Nhà ở còn chưa kịp hết mùi sơn kia kìa, anh mày lấy đâu ra tiền trả chúng mày. Chúng mày nghĩ xem, ăn ở thế có cạn tàu ráo máng không?”.

Nghe vợ vừa khóc rung rức vừa kể lại, lòng tôi trống rỗng. Thì ra con người có thể vô lý đến thế. Đúng là vợ chồng tôi không cho anh tiền xây nhà thật nhưng ngày anh về nhà mới, chúng tôi bỏ phong bì 10 triệu kèm theo món quà là chiếc sập gỗ 28 triệu đồng. 150 triệu tôi cho anh vay hơn 4 năm chưa lấy một đồng lãi nào. Hình như, những việc tôi làm cho gia đình vợ, bố vợ tôi đều coi đó là trách nhiệm phải làm. Tôi cố gắng bao nhiêu cũng vẫn bị ông xem nhẹ.

Đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa đòi được nợ mà mối quan hệ với bên nhà vợ hoàn toàn rạn nứt. Mấy lần về quê ngoại gần đây, anh trai vợ luôn kiếm cớ bận việc, không ngồi ăn với tôi bữa cơm nào. Bố vợ thì luôn mặt nặng mày nhẹ. Tôi từ người trọng nghĩa cho người thân vay tiền trở thành kẻ mang trọng tội chỉ vì dám đòi nợ.

***

Bạn đã bao giờ rơi vào tình huống "dở khóc dở cười" khi cho người thân, bạn bè vay tiền? Hãy gửi những câu chuyện của bạn vào mail Bantrecuocsong@24h.com.vn để cùng chia sẻ cùng chúng tôi.

Nguồn: [Link nguồn]

Lý do chồng ”thân mật” cùng gái trẻ trong nhà nghỉ khiến vợ chết lặng

Tôi không ngờ tận mắt chứng kiến cảnh Danh hớn hở ôm eo một cô gái trẻ son phấn bự mặt, áo váy hững hờ khuất dạng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN