Vụ sinh viên ngoan giỏi đồng loạt mất tích: Lừa tiền gia đình vì muốn... giúp gia đình
Nhìn lại quá trình bị lừa bởi đa cấp "khoác áo" khởi nghiệp, nạn nhân V.C.M (sinh viên năm 3, trường Đại học Ngân hàng TP.HCM) tiếp túc chia sẻ về những "đặc quyền" được những kẻ lừa đảo đưa ra làm mồi câu khiến hàng loạt sinh viên ngoan giỏi mất tích sau khi lừa của gia đình hàng trăm triệu đồng, cũng như lý giải những hành động khó hiểu của các nạn nhân, gây ra hậu quả nghiêm trọng với các gia đình trong cuộc.
Vụ nhiều sinh viên ngoan giỏi đồng loạt mất tích: Phát hiện hình thức đa cấp lừa đảo mới
Cho đi nghỉ ở resort để "thả thính"
Để lôi kéo "con mồi" nộp tiền lên hạng doanh nhân (thành viên tổ chức phải nộp 100 - 360 triệu đồng), "thính" được những kẻ dẫn dắt "rải" theo một lộ trình bài bản kéo dài hơn 1 tháng thông qua các buổi giao lưu, vui chơi tập thể với "team kinh doanh".
Đầu tiên chúng vờ hỏi mình có muốn nhanh lên "Phó phòng Kinh doanh", có muốn được tặng nhẫn vàng như các anh chị không. Rồi các chương trình thưởng "nóng" hoặc tặng nhẫn chỉ dành cho "doanh nhân" liên tục được tung ra. "Con mồi" như mình sẽ bắt đầu tò mò. Sau đó, mình được tham gia các chương trình du lịch và nghỉ dưỡng tại khách sạn 5 sao (kinh phí từ số tiền đóng trước đó chứ đâu) dưới dạng "tập huấn", nghe bài diễn thuyết của các sếp được cho là thành công trong công ty.
Đến khi đủ chín muồi, khi mình đã loá mắt bởi những chân dung thành công, phong cách, lối sống sang chảnh của những kẻ diễn thuyết, chúng gợi chuyện, úp mở để mình tò mò mà tự tìm tới hỏi về cách thức nào để được thành công như vậy.
Làm giả hồ sơ du học và soạn sẵn kịch bản lừa gia đình
Sau khi đã "nhồi" căng tham vọng trong mình, chúng bắt đầu chỉ cách để mình xoay được số tiền hàng trăm triệu nộp cho công ty, chính là việc làm giả giấy tờ đi du học vì đó là cách hợp lý để moi đc số tiền lớn từ gia đình.
Chúng đưa cho mình những tài liệu về các chương trình học bổng du học để mình cung cấp cho gia đình. Lúc làm hồ sơ giả cho mình, chúng không quên "rào trước" rằng "đây là do e tự nguyện làm, chứ không ai bắt buộc làm" để trút bỏ trách nhiệm.
Sau đó, chúng hướng dẫn mình nói chuyện với gia đình sao cho "moi tiền" thành công với kịch bản du học được tài trợ 70% tiền học phí, chỉ đóng 30%. Ai "trót lọt", nộp đủ tiền cho công ty sẽ được "sếp" tặng thưởng danh hiệu "doanh nhân" trước toàn công ty với phần thưởng là chiếc nhẫn vàng trị giá vài triệu (sau khi lừa trót lọt hàng trăm triệu).
Đóng tiền xong là coi như cái gông "tròng" vào cổ! Lúc này, "doanh nhân" không còn cách nào khác sẽ phải làm mọi cách tuyển người để lên cấp hoặc mất trắng. Thời gian đầu, "doanh nhân" không bị hối thúc về doanh số vì số tiền "khủng" mới bỏ ra. Tuy nhiên, thời gian kế tiếp nếu không có đơn hàng sẽ không được yên. Với mỗi cặp đơn hàng bán ra (hơn 16 triệu), mình chỉ được lời 300 nghìn đồng.
Mua bài quảng cáo trên báo quảng bá công ty rồi dùng làm tư liệu để tạo niềm tin trong nhân viên mới
Hệ thống "bán người" thay vì bán hàng
Sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có thương hiệu, giá cả lại "chát". Người mới khi bỏ tiền ra không được gì mà còn vất vả đi mời gọi, đăng bài, dụ dỗ bạn bè (gọi là "khách nóng" còn khách vãng lai từ bên ngoài gọi là "khách lạnh") để người sau bỏ tiền thì người trước mới có tiền lời. Bản chất hệ thống kinh doanh không phải là bán hàng mà là bán người.
Công ty dùng đủ mọi chiêu trò để đánh vào tâm lí sinh viên, đa phần là gia đình khó khăn, thích kinh doanh và muốn có tiền để giúp đỡ gia đình... đồng thời hô hào các triết lí sống, triết lí kinh doanh nghe "choang choang". Nhiều người khi đã lún sâu vào tư tưởng của nó rồi thực sự khó thoát ra lắm. Ngày nào cũng hô hào, bắt tay, nghe "tư tưởng" của chúng mà bất chấp mọi thủ đoạn để dụ dỗ người khác.
Các hoạt động tập thể (team-building) thường xuyên được tổ chức để gắn kết giữa nhân viên và công ty. Những "ứng cử viên" cho hạng "doanh nhân" với mức đóng góp hàng trăm triệu được đi du lịch và nghĩ dưỡng tại khách sạn 5 sao cùng các "sếp".
Những góc khuất chỉ người trong cuộc mới biết: Mất tiền của, gánh nợ, bỏ học...
Trong thời điểm u mê đó, khi đã sẵn sàng mang bộ hồ sơ du học giả về lừa gia đình, mình may mắn có được một anh bạn kiên nhẫn lắng nghe, phân tích âm mưu lừa đảo đang chụp lên mình. Nói chuyện với anh, mình mới nhận ra mình đã lún quá sâu vào nơi này rồi và cần phải thức tỉnh trước khi mọi việc trở nên không thể cứu vãn.
Mình "tỉnh ngộ" và rời khỏi mô hình đa cấp "team khởi nghiệp 360" đó sau 3 tháng. Khi quay trở lại trường học, mình thực sự mất phương hướng cuộc đời vì thời gian "tẩy não" đáng rợn đó. Mình cảm thấy không còn mục tiêu sống cũng không còn những ước mơ hoài bão lớn cho tương lai. Mình mất khoảng thời gian khá dài để bình tâm lại và quay trở lại cuộc sống bình thường.
Nhưng rất nhiều người khác không được may mắn như mình. Mình chứng kiến không biết bao nhiêu hoàn cảnh, số phận, con người, già có, trẻ có, công nhân có bị cuốn vào vòng xoáy lừa đảo ấy. Họ đa phần thiếu kiến thức, chỉ mong muốn có việc làm, có lương hàng tháng để rồi phải mang tài sản tích luỹ đi cầm cố.
Nhiều bạn mất hàng trăm triệu để thăng hạng "doanh nhân" mới nhận ra những mặt trái của tổ chức này, khuynh gia bại sản, đường học đang xán lạn mà bỏ học ngang vì đa cấp. Những bạn sinh viên hạng "doanh nhân" rồi "banh xác" (từ "lóng" để chỉ những ai bỏ dở) không dám báo cho gia đình vì số tiền quá lớn mà trốn chui trốn lủi đi kiếm việc làm khác để trả nợ. Mình cũng chứng kiến rất nhiều bạn bị trắng tay sau khi bỏ trăm triệu.
Mong rằng, đây sẽ là bài học mà các bạn sinh viên năm nhất. "Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng", đừng vì những xa hoa trước mắt mà đánh đổi con đường tương lai rộng mở phía trước. Chỉ cần bạn cố gắng và làm việc bằng chính thực lực chứ không là những chiêu trò hay thủ đoạn, bạn đang từng bước vững chắc đi đến thành công.
Lý Đặc một chân đạp 5 thuyền, cùng lúc có quan hệ yêu đương với cả 5 cô gái và lừa tiền, lừa tình của cả 5.
Nguồn: [Link nguồn]