Vụ ly hôn của người phụ nữ ở Hoà Bình khiến nữ luật sư trăn trở suốt 4 năm

Nghe người phụ nữ bị bạo hành tâm sự về những áp lực phải chịu từ chồng, từ chính người thân nên không dám ly hôn, luật sư cảm thấy vô cùng xót xa.

LỜI TÒA SOẠN

Ly hôn là vấn đề nhức nhối luôn được dư luận quan tâm. Có người ly hôn vì bạn đời ngoại tình, không còn tình cảm, có người lại ly hôn vì mâu thuẫn về kinh tế... Chuyện lớn, chuyện nhỏ nếu vợ chồng không đồng quan điểm, không thể nói chuyện với nhau thì kết quả cuối cùng vẫn không thể chung nhà. 

VietNamNet giới thiệu tuyến bài Góc khuất ly hôn với những câu chuyện ly hôn đặc biệt.

Tranh giành con cái khi ly hôn

Trong nhiều năm làm nghề, luật sư Vũ Thùy Liên - Văn phòng luật sư Hạnh Phúc (Hà Nội) chứng kiến nhiều câu chuyện vợ chồng ly hôn, tranh giành quyền nuôi con đầy xót xa. Nhiều đứa trẻ có bố mẹ ly hôn bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Có những trường hợp khiến chị phải rơi nước mắt vì thương cảm.

Chị Nguyễn Hiền (Hải Dương) nhiều lần gọi điện khóc lóc với luật sư Liên, nói rằng mình không thể sống với người chồng bạo hành. Vết thương thể xác không quá lớn nhưng nỗi đau tinh thần chịu đựng suốt nhiều năm khiến chị Hiền vô cùng mệt mỏi. 

Ngày ngày chị phải nghe những lời chì chiết, mắng chửi và những cơn nóng giận vô duyên vô cớ từ chồng. 

Con cái chịu ảnh hưởng lớn khi cha mẹ ly hôn. Ảnh minh họa: FP

Con cái chịu ảnh hưởng lớn khi cha mẹ ly hôn. Ảnh minh họa: FP

Con gái lớn của chị Hiền học cấp 2, cậu con trai học cấp 1 và đều hiểu được chuyện bố mẹ ly hôn hệ lụy thế nào. Thương con nhưng không còn cách nào khác, chị Hiền quyết định nộp đơn lên tòa ly hôn. 

Sau phiên tòa sơ thẩm, 2 con ở với mẹ. Thi thoảng, chồng chị Hiền đến đón con, đưa con đi chơi. Nhưng lần nào thấy bố đến, cậu con trai cũng sợ hãi, không muốn đi cùng bố, gào thét, khóc lóc trước cửa nhà. Bởi trước đây, cậu đã nhiều lần chứng kiến cảnh bố mắng mẹ, dọa đánh hai chị em cậu. Nhìn con khóc lóc, chị Hiền xót xa. Chị muốn một mình nuôi cả hai con.

Nhưng khi tòa xử phúc thẩm, chồng chị Hiền được quyền nuôi con trai, con gái do chị nuôi. Bởi điều kiện kinh tế của chị chỉ đủ nuôi một bé. Chồng chị thu nhập ổn, công việc tốt hơn. Nhà chồng cũng kiên quyết đưa cháu đích tôn về nhà. 

Nỗi đau chia cắt con khiến chị Hiền gục ngã. Nhưng may mắn thay, anh chồng chỉ chăm sóc con một thời gian thì lại đưa con cho chị Hiền nuôi dưỡng vì anh có bạn gái mới. 

Được ở gần con tưởng sẽ là những ngày tháng vui vẻ của 3 mẹ con nhưng thi thoảng, chồng cũ lại đến quấy rối khiến cuộc sống của chị đảo lộn. Hễ anh ta uống rượu say hoặc có chuyện không vừa ý là lại đến nhà chị đòi đón con về. Mỗi lần thấy bố đến, đứa trẻ sợ hãi, co rúm người. 

Dù có bạn gái mới, nhưng chỉ cần thấy vợ cũ đăng ảnh đẹp, vui vẻ lên Facebook là anh ta lại đến gây sự bằng việc "bắt con về với bố". 

Là người làm mẹ, chị Hiền đau thắt ruột gan nhưng không làm gì được vì chồng cũ của chị được quyền đón con. 

Nỗi trăn trở của nữ luật sư

Câu chuyện của vợ chồng chị Hiền không ít lần khiến luật sư Liên cảm thấy trăn trở. Chị cũng nhiều lần khuyên nhủ người chồng không nên làm những việc tổn thương con cái, không nên vì khó chịu với vợ cũ mà mang con ra trút giận.

Việc làm đó sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý trẻ nhỏ hiện tại và về sau. Lớn lên, con sẽ vì chuyện của bố mẹ mà bị ám ảnh, ảnh hưởng tới chính cuộc đời của chúng. 

Luật sư nhiều lần rơi nước mắt khi nghe những câu chuyện đau lòng trong hôn nhân. Ảnh: Luật sư cung cấp

Luật sư nhiều lần rơi nước mắt khi nghe những câu chuyện đau lòng trong hôn nhân. Ảnh: Luật sư cung cấp

Cách đây 4 năm, chị Liên cũng từng tiếp nhận một vụ ly hôn mà đến tận bây giờ chị vẫn còn đau đáu. Người phụ nữ tên Mai Thị Nhàn (Hòa Bình) bị chồng bạo hành, từng quyết tâm ly hôn nhưng mỗi lần anh chồng nịnh nọt, ỉ ôi, người vợ lại mủi lòng quay về, còn nhận lỗi sai về mình. 

Nhưng lần nào cũng vậy, sau lời ngọt ngào, người chồng vẫn chứng nào tật ấy “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ. 

Tâm sự với người thân, mọi người đều khuyên chị vợ nên nhẫn nhịn vì các con. Thậm chí bố mẹ chị Nhàn còn cho rằng, đàn ông ai chẳng có máu cùn trong người. Ngay cả việc anh ta “léng phéng” bên ngoài, bố mẹ chị Nhàn cũng cho là bình thường. Suy nghĩ của người thân khiến chị Nhàn càng sợ hãi, không dám tự ra quyết định.

Cô ruột của chị khi biết tin đã gọi công an đến để giám định thương tật, kiện cháu rể ra tòa và kiên quyết khuyên cháu gái ly hôn. Nghe lời người thân và cảm thấy không thể tiếp tục sống cuộc đời như vậy, chị Nhàn quyết định ly hôn. Khi đó, luật sư Vũ Thùy Liên được người cô gọi nhờ tư vấn vụ việc.

Chứng kiến người phụ nữ bị bạo hành nhưng vẫn cam chịu, không dám làm chủ cuộc đời của mình, chị Liên có chút xót xa.

Luật sư cũng phân tích, đưa ra những câu hỏi và dành thời gian để chị Nhàn suy ngẫm thật kĩ trước khi đi đến quyết định. Luật sư Liên cho rằng, một người muốn sống hạnh phúc thì trước tiên phải sống an toàn. Người phụ nữ sống trong môi trường không an toàn sẽ không thể bảo vệ con cái và chính bản thân mình. 

Chị Liên cũng hiểu, chị Nhàn đã phải chịu quá nhiều áp lực, không chỉ là bạo lực từ chồng mà còn là áp lực tinh thần từ chính gia đình, người thân của chị. Tư tưởng “cũ” rằng đàn ông chơi bời, vũ phu một chút không sao đã khiến người phụ nữ như chị Nhàn bao năm mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân đau khổ. 

Chính chị Liên còn chịu điều tiếng từ những người thân xung quanh chị Nhàn. Họ cho rằng, không có luật sư thì chị Nhàn đã không ly hôn, không có luật sư thì gia đình chị Nhàn vẫn sống hạnh phúc. Quan điểm về “hạnh phúc” của họ chỉ là một nơi con cái có cả bố và mẹ. Nhưng họ không hiểu rằng, con cái lớn lên trong môi trường bạo hành sẽ có xu hướng bạo hành người khác.

Những lời nói ấy càng khiến chị Liên hiểu lý do vì sao nhiều phụ nữ không dám thoát ra, tìm một cuộc sống an toàn hơn cho mình. Bởi họ bị chính người thân của mình gây áp lực, kìm kẹp. 

Bản thân làm công việc hỗ trợ về mặt pháp lý cho các đôi vợ chồng ly hôn, chị Liên luôn đồng hành cùng họ. Việc tư vấn ly hôn chỉ chiếm 30%-40% công việc của chị. Theo chị, ly hôn hay không là lựa chọn của khách hàng và quan trọng lựa chọn đó phải khiến họ hạnh phúc. 

Ly hôn mà cả hai đều cảm thấy thoải mái, vui vẻ thì đó không phải là cái kết xấu. Vì vậy 60%-70% công việc của luật sư Liên chính là giúp các cặp đôi cảm thấy hạnh phúc sau quyết định của mình. 

Chị luôn khuyên những người đã ly hôn nên ứng xử văn minh, dành tình yêu thương cho con cái, hạn chế việc tranh giành để con cái luôn cảm nhận được tình yêu của cả bố và mẹ ngay cả khi họ không sống chung nhà. 

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi

Ở tuổi ngoài 60, con cháu đề huề nhưng ông Ngọ và bà Lan ở Hà Nội vẫn đưa đơn ra tòa xin ly hôn. Con cái khuyên nhủ thế nào bà Lan cũng không nghe, nhất nhất muốn bỏ chồng, chia đôi tài sản.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Linh ([Tên nguồn])
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN