Vợ Việt rủ chồng Mỹ bỏ phố về rừng, đào hồ trồng sen, cuốc đất làm vườn

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Yêu thích cuộc sống gần gũi thiên nhiên, chị Trần Uyên Như rủ chồng Mỹ bỏ phố về rừng. Cả hai cùng đào hồ, cuốc đất, trồng một khu vườn có sen, rau quả trên xứ sở cờ hoa.

Tìm nơi nắng ấm làm vườn

Hơn 5 năm trước, chị Trần Uyên Như (36 tuổi, quê Thừa Thiên Huế) rời quê sang Mỹ theo tiếng gọi của tình yêu. Trước đó, chị mở một homestay ở TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là nơi chị và bạn trai người Mỹ lần đầu gặp nhau. 

Cô gái Huế bên hồ sen trên nước Mỹ

Cô gái Huế bên hồ sen trên nước Mỹ

Bạn trai chọn lưu trú tại homestay của chị khi đến Việt Nam du lịch. Cả hai nhanh chóng cảm mến và yêu nhau. Sau thời gian yêu xa, hai người lên kế hoạch kết hôn. Tuy nhiên, chị Như không tổ chức cưới ở Việt Nam. 

Chị quyết định sang Mỹ với vài bộ quần áo và hành trang đúng nghĩa “tay trắng”. Chị dự tính ở đó khoảng 3 tháng rồi về. Bởi đây chỉ là dịp để chị gần gũi và hiểu thêm về bạn trai trước khi tiến xa hơn.

Lúc ở xứ người, chị được bạn trai chăm sóc và yêu thương chân thành. Tình cảm ấy biến dự định “dạo chơi” ban đầu của chị thành quyết định nghiêm túc hơn.

Năm 2019, chị đồng ý kết hôn với bạn trai và tổ chức lễ cưới ở Mỹ. Sau đó, hai người định cư tại bang Louisiana, rồi chuyển sang bang Oregon. Tuy nhiên, mùa đông ở 2 bang này rất lạnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của chị Như. Chị bị bệnh, sụt 15kg. 

“Lúc đó, tôi thấy mình giống bộ xương khô nhưng chồng luôn khen tôi xinh đẹp. Anh chăm sóc, yêu thương tôi trong suốt hành trình chữa bệnh. Tôi vốn thích cuộc sống hoang dã, không khói bụi, ồn ào. Khi đổ bệnh, tôi càng ước sở hữu một khu vườn đầy cây trái”, chị Như kể.

Căn nhà, khu vườn mới của chị Như ở bang Florida

Căn nhà, khu vườn mới của chị Như ở bang Florida

Từ sau dịch bệnh Covid-19, chị Như càng quyết tâm sống gần với thiên nhiên hơn. Vì ánh nắng và cây xanh có thể giúp người mắc Covid-19 phục hồi nhanh chóng.

Chị từ bỏ công việc kinh doanh, rủ chồng về rừng. Chồng chị không biết làm vườn nhưng chỉ cần vợ thích, anh không ngại thay đổi. Anh xin nghỉ việc, cùng vợ chuyển sang bang Florida vào năm 2022.

Khu đất của họ rộng gần 2ha, nằm ở ngoại thành vùng Naples. Khí hậu ở đây giống với Việt Nam, có 2 mùa mưa và nắng rõ rệt. Tuy nhiên, vùng này có độ ẩm thấp. Mùa đông mát mẻ, không có tuyết rơi nhưng đôi lúc nhiệt độ thấp khiến cây cối đóng băng.

Con đường dẫn vào vườn nhà chị Như còn khoảng 4km đường đất

Con đường dẫn vào vườn nhà chị Như còn khoảng 4km đường đất

Làng quê Việt trên đất Mỹ

Khu vực chị Như chuyển đến rất ít người sinh sống, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện. Quãng đường vào nhà chị còn khoảng 4km đường đất. Khu đất của gia đình tiếp giáp rừng rậm và đầm lầy. Chị thường bắt gặp cá sấu nước ngọt, rắn đuôi chuông,...

Lần đầu đến đây, chị Như thấy khu vườn bị cỏ dại bao phủ. Chủ trước có trồng một số cây xoài cổ thụ, chuối và ổi.

Vợ chồng chị Như tự đào hồ trồng sen

Vợ chồng chị Như tự đào hồ trồng sen

Vì giá thuê nhân công làm vườn ở Mỹ rất đắt nên vợ chồng chị Như tự phát quang, dọn cỏ. “Cỏ nhiều đến mức chúng tôi mặc kệ trong thời gian đầu. Sau đó, tôi mua 2 máy cắt cỏ loại nhỏ về sử dụng. Mới cắt quanh nhà mà 2 máy đều quá tải, hư hỏng.

Ở Mỹ, nhiều người giàu bỏ phố về rừng, làm bạn với vườn tược. Họ có tiền mua máy cắt cỏ loại lớn, máy đào đất,… nên công việc rất nhàn nhã. Chúng tôi không nhiều tiền nên đào đất bằng cuốc mua từ Việt Nam gửi sang”, chị Như cho biết.

Mỗi ngày, vợ chồng chị túc tắc đào đất làm hồ trồng sen. Sau khoảng 2 tuần, một hồ nhỏ dài hơn 10m, ngang 2m cũng thành hình. Chị đem sen giống lấy ở Việt Nam trồng xuống hồ. Sen vừa được cấy xuống thì mùa mưa đến, nước ngập hết lòng hồ. 

Chẳng mấy chốc, chị Như được hít hà mùi thơm, ngắm hoa sen quê nhà nở rộ trên nước Mỹ.

Chị Như thích thú khi thu hoạch hạt sen trong vườn nhà

Chị Như thích thú khi thu hoạch hạt sen trong vườn nhà

Ngoài hồ sen, chị Như cuốc đất xung quanh nhà, gieo hạt giống rau màu, trồng cây ăn trái. Sau 2 năm, khu vườn có đủ các loại cây ăn trái như: Xoài, ổi, bơ, sơ ri, mãng cầu, nhãn,… Khoai mì, khoai lang, rau muống, bầu bí, sả, lá lốt,… cũng chen chúc mọc lên xanh mơn mởn.

Thấy cây ra trái, chị Như càng thích thú, ở ngoài vườn từ sáng đến tối. Đi đâu, chị cũng mang thêm giống cây mới về trồng.

Khoai mì, rau muống, lá lốt,... mọc tươi tốt trong vườn nhà chị Như

Khoai mì, rau muống, lá lốt,... mọc tươi tốt trong vườn nhà chị Như

Dù không quen với việc làm vườn nhưng chồng chị không than thở, né tránh. Anh chủ động học và làm theo hướng dẫn của vợ. Chị hướng dẫn anh phân biệt các loại cây, cách trồng cây con bán cho người khác. Nhờ vậy, hai người có thêm thu nhập từ việc bán hạt giống và cây con.

Để có khu vườn sum sê, chị Như gặp không ít thử thách. Mùa hè, cây chết khô do nắng gắt, đất cát trắng không giữ nước. Qua mùa mưa, cây phát triển tốt hơn nhưng mưa bão xối xả lại gây ngập úng. Đặc biệt, ở đây vào mùa mưa có rất nhiều muỗi. 

Chị Như luôn sẵn lòng đón bạn bè, hàng xóm đến thăm vườn

Chị Như luôn sẵn lòng đón bạn bè, hàng xóm đến thăm vườn

Khó khăn là vậy nhưng chị Như chưa lúc nào ngừng yêu thích khu vườn. Bởi nó cho chị cảm giác cảnh vật quê hương đang hiện hữu, vây quanh. “Mỗi khi nhớ nhà, tôi hay ra đứng ngóng bụi tre, bụi chuối, hàng dừa và ao sen trong vườn. Mùi hoa sen và lá sen thơm dịu nhẹ dễ chịu vô cùng”, chị Như tâm sự. 

Nơi chị sống có cộng đồng người Việt thưa thớt. Chị gặp họ mỗi khi đi lễ ở nhà thờ. Mọi người rất dễ thương nên chị thường mang theo rau xanh, trái cây tặng họ.

Chị còn mời bạn bè, hàng xóm đến thăm vườn. Chị cùng mọi người ngồi với nhau dưới rặng tre xanh, ngắm hoa sen nở và nhắc nhớ kỷ niệm đẹp ở quê nhà.

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cuộc hôn nhân của cô gái Bến Tre và người đàn ông Nhật hơn 25 tuổi có nhiều điều ngọt ngào.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Lài ([Tên nguồn])
Phụ nữ và gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN