Vợ là lý do khiến chồng sợ về nhà mỗi ngày?
Vợ sẽ liên thanh cằn nhằn về việc để dép không đúng vị trí, việc vứt quần áo bừa bộn, xe máy chưa rửa….
Nhiều bà vợ thường than phiền về việc chồng không hay đi nhậu nhẹt, chè chén với bạn bè đến quên cả về nhà. Họ cho rằng đó là do sự vô tâm, thiếu trách nhiệm của chồng. Tuy nhiên, họ quên mất một điều rằng, chính những bà vợ mới là nguyên nhân khiến các ông chồng không muốn về nhà.
Các bà vợ nên biết về những điều kinh sợ của các “đức ông chồng” mỗi khi về nhà.
Nhiều ông chồng rất sợ khi phải về nhà vì những cằn nhằn, cau có của vợ (Ảnh minh họa)
Vợ là cái “máy nói” khiến chồng sợ hãi
Nhiều ông chồng rất sợ khi phải về nhà vì những cằn nhằn, cau có của vợ. Sau một ngày làm việc căng thẳng với vô vàn những áp lực, thậm chí ức chế, các ông chồng về nhà lại “được” nghe những lời chỉ trích, phàn nàn liên tục của bà vợ về chuyện để dép không đúng vị trí, việc vứt quần áo bừa bộn, về chiếc xe máy chưa rửa….
Nhiều bà vợ không khác gì một chiếc “đài phát thanh” với những “bài ca đi cùng năm tháng” về chuyện lặt vặt trong gia đình, những than phiền về sự không ngoan của con, cái nút chai quá chặt, căn bếp không gọn gàng…. Những than phiền ấy giống như một kiểu “khủng bố tinh thần” đối với những ông chồng.
Các bà vợ thường biện hộ rằng, cằn nhằn cũng là biểu hiện của yêu thương, sự quan tâm. Nhưng chẳng ai mong chờ được quan tâm bằng những lời cằn nhằn, trách móc cả.
Về nhà chồng thành kẻ sai vặt
Tư tưởng “bình đẳng” khiến các bà vợ tỏ ra vô cùng khó chịu khi phải làm việc nhà một mình. Đó là một quan điểm hoàn toàn đúng và tiến bộ. Tuy nhiên, phương pháp để đi đến sự công bằng của các bà vợ lại chưa thực sự hợp lý.
Thay vì lôi kéo các ông chồng vào việc nhà, các bà vợ lại “giao nhiệm vụ” và cho rằng đó là việc các ông chồng phải làm để thể hiện sự tôn trọng vợ. Làm việc cả ngày, bị sếp lớn, sếp bé sai bảo đủ thứ việc không tên, về đến nhà lại thành nhân viên nhà bếp để vợ sai khiến việc vặt là một cực hình. Vì vậy, thay vì về nhà, các ông chồng phải “trốn” vợ bằng những cuộc nhậu với bạn bè. Và khi về đến nhà, mọi việc đã ổn thỏa rồi.
Vì vậy, thay vì biến chồng thành nhân viên, hãy giúp họ thành một đầu bếp, thành chuyên gia làm việc nhà thứ thiệt. Những lời động viên, khen ngợi, khích lệ sẽ giúp cho các ông chồng cảm thấy phấn khích mỗi khi được làm việc cùng với bạn.
Vừa làm việc, cả hai cùng trò chuyện vui vẻ về những chuyện lặt vặt trong cuộc sống, về việc học tập của con,…như vậy, công việc sẽ được giải quyết nhanh chóng mà ông chồng không có cảm giác bị ép buộc.
Khen ngợi, khích lệ: thỏi nam châm kéo chồng về nhà
Bên trong vẻ mạnh mẽ, mỗi người đàn ông đều có phần mềm yếu trong con người mình. Họ không khác gì những “đứa trẻ to xác” cần được vỗ về, chăm sóc.
Việc các bà vợ cứ mặc định việc quan tâm, sự lãng mạn là “đặc ân” mà các đức ông chồng phải thực hiện là một sai lầm. Ngay cả những người đàn ông cứng rắn nhất cũng thích thú và cảm thấy hạnh phúc với những cử chỉ lãng mạn hoặc những lời nói yeeu thương của bạn đời.
Vì vậy, đừng bao giờ tiếc những lời yêu thương, những cử chỉ lãng mạn bất ngờ dành cho chồng. Đó lẽ là thỏi nam châm kéo các ông chồng về nhà ngay sau khi tan sở.
Bạn có những băn khoăn muốn chia sẻ, những tâm tư muốn được giãi bày, những khúc mắc muốn nhờ tư vấn? Hãy gửi ngay những tâm sự của bạn tới mail bantrecuocsong@24h.com.vn để các chuyên gia tâm lý, tình yêu gỡ rối giùm bạn |