Vợ kiếm nhiều tiền hơn chồng, gia đình có hạnh phúc?

Không ít người cho rằng, quan điểm đàn ông là trụ cột kinh tế trong gia đình đã quá lạc hậu.

Nhiều cô vợ hạnh phúc khi được làm trụ cột kinh tế trong gia đình (ảnh minh hoạ)

Nhiều cô vợ hạnh phúc khi được làm trụ cột kinh tế trong gia đình (ảnh minh hoạ)

Thời buổi hiện đại, xã hội phát triển giúp cho vai trò của người phụ nữ ngày càng được khẳng định. Không hiếm trường hợp trong cuộc sống, vợ giỏi giang, thăng tiến trong công việc, kiếm tiền nhiều hơn cả chồng.

Nhiều cô vợ cho rằng, việc trở thành trụ cột kinh tế trong gia đình khiến họ vô cùng mệt mỏi. Họ phải chật vật kiếm tiền, cáng đáng mọi khoản chi tiêu trong nhà, trong khi đó vốn được cho là việc của đàn ông.

Tuy nhiên, không ít người phụ nữ lại hạnh phúc khi có sự nghiệp riêng, sẵn sàng là trụ cột kinh tế của gia đình. Họ cho rằng, giữa hai vợ chồng ai có khả năng làm kinh tế tốt hơn thì tập trung vào việc đó, người còn lại sẽ lùi về sau quán xuyến gia đình, chăm sóc con cái…

Chị Nguyễn Thảo (Ba Đình, Hà Nội) là giám đốc kinh doanh của một công ty quảng cáo. Công việc của chị rất bận rộn, thường về nhà vào lúc 7, 8 giờ tối. Vào dịp cuối năm, có khi 9, 10 giờ đêm chị mới có mặt ở nhà, chưa kể, thi thoảng còn phải đi công tác dài ngày.

Với lịch trình công việc như vậy, chị không thể giống như các bà vợ khác, chu toàn việc nhà cửa, con cái. Đổi lại, thu nhập của chị cao gấp 5 lần chồng.

Từ khi có con, chồng chị đã phải giảm bớt công việc dể có thời gian lo cho con cái. Mỗi ngày đi làm về chị đều thấy nhà cửa sạch sẽ, con cái tươm tất, cơm canh nóng hổi chờ sẵn. Chị chỉ việc tắm rửa và chơi cùng con. Mọi áp lực trong công việc luôn được giải toả mỗi khi chị trở về với gia đình.

“Tôi rất biết ơn chồng khi anh tự nguyện lùi về sau, làm hậu phương cho tôi. Thú thật, tôi là người đàn bà ham mê sự nghiệp, cho đến khi lấy chồng, sinh con, tôi vẫn thổ lộ với chồng mong muốn đi học thêm và phấn đấu thăng chức… Có lẽ, do tôi may mắn cưới được người đàn ông yêu mình, hiểu mình nên mọi sự sắp xếp trong gia đình đều ổn thoả”, chị Thảo chia sẻ.

Làm việc trong ngân hàng, thu nhập của của chị Trần Đào (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng cao hơn chồng nhiều lần. Đổi lại, chị rất bận rộn, không có thời gian cho những công việc gia đình.

Việc kiếm nhiều tiền hơn chồng không ảnh hưởng đến cách các cô vợ cư xử trong hôn nhân (ảnh minh hoạ)

Việc kiếm nhiều tiền hơn chồng không ảnh hưởng đến cách các cô vợ cư xử trong hôn nhân (ảnh minh hoạ)

Từng có thời gian, vợ chồng chị đua nhau kiếm tiền, công việc thăng tiến, thu nhập ổn nhưng con cái do không được chăm sóc đầy đủ nên thường xuyên ốm đau. Vợ chồng chị nhiều lần cãi nhau vì những chuyện rất nhỏ như nhà cửa bừa bộn, bếp núc nguội lạnh, con cái cô đơn… Chị cũng nhận ra, chồng rất mệt mỏi khi cứ phải tranh chức, tranh quyền, chật vật tìm chỗ đứng trong công việc. Cuối cùng, chị đã có một cuộc nói chuyện thẳng thắn với chồng.

“Tôi nói với chồng rằng, công việc thuận lợi hay không, không chỉ dựa vào năng lực mà còn dựa vào may mắn của mỗi người. Hiện tại, công việc của tôi đang gặp thuận lợi nên cứ để tôi nắm bắt cơ hội này, còn anh ấy chịu khó làm hậu phương, chăm sóc con cái, nhà cửa để gia đình không bị xào xáo như thời gian vừa rồi. Anh ấy nấu ăn ngon, làm việc gì cũng rất gọn gàng, khéo léo, quá phù hợp để quán xuyến gia đình, trong khi tôi hậu đậu hơn.

Vấn đề giờ đây không còn là chuyện ai thu nhập cao hơn ai, ai là người quyết định việc lớn trong nhà mà là ai phù hợp với vai trò nào hơn. Chúng tôi thoả thuận rõ ràng và quả thực, mọi chuyện đâu vào đó”, chị Đào tâm sự.

Chị cũng đề nghị lập ra một tài khoản riêng, gọi là phí sinh hoạt gia đình. Mỗi tháng, cả hai đều chuyển vào đó một khoản để có trách nhiệm chung, tất nhiên, khoản chị chuyển vào sẽ nhiều hơn chồng bởi thu nhập của chị cao hơn. Nhưng nhờ có tài khoản chung này mà cả hai không hề có cảm giác bị phụ thuộc đối phương.

Cũng được xem là trụ cột kinh tế trong gia đình nhưng chị Hoài Phương (Hà Nội) rất hài lòng với vai trò này. Chị khẳng định: “Tôi là trụ cột kinh tế, còn chồng là trụ cột tinh thần. Việc tôi kiếm tiền nhiều hơn chồng không hề ảnh hưởng đến cách cư xử của tôi trong hôn nhân”.

Mọi quyết định lớn, nhỏ trong gia đình chị Phương đều có sự bàn bạc, thoả thuận từ hai vợ chồng, thậm chí, khi mua những món đồ có giá trị, chị đều để chồng quyết định. Chị chưa từng nghĩ, ai kiếm nhiều tiền hơn sẽ là chủ gia đình.

Dù công việc bận rộn, áp lực, chị vẫn không quên vai trò làm mẹ, làm vợ. Mỗi khi rảnh, chị vẫn cố gắng đưa đón con, cùng chồng vào bếp. Chuyện quà cáp cho hai bên nội ngoại, chị vẫn chu toàn, khi quá bận, chị thẳng thắn nhờ chồng chuẩn bị giúp.

Ở công ty chị làm sếp, được đánh giá là người quyết đoán, mạnh mẽ nhưng chị không hề thể hiện sự mạnh mẽ ấy trong gia đình. “Tôi vẫn luôn nói với chồng rằng, nhờ có anh ấy giúp đỡ, tôi mới thăng tiến được như vậy. Tôi có thể kiếm tiền giỏi hơn nhưng chồng cũng có rất nhiều ưu điểm mà tôi phải học tập. Thấu hiểu nhau, tôn trọng nhau chính là chìa khoá để hôn nhân êm đẹp chứ không phải việc ai là trụ cột kinh tế trong gia đình”, chị nói.

Phụ nữ làm trụ cột kinh tế gia đình.
Bạn nghĩ sao nếu phụ nữ làm trụ cột kinh tế gia đình?

Nguồn: [Link nguồn]

Yêu thầm chồng của bạn thân, tôi suýt chút nữa làm điều dại dột

Số lần đến nhà Tĩnh ngày càng tăng, tôi phát hiện ra, mình đã rung động trước chồng của bạn thân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN