Vợ chồng tái hiện đám cưới Nam Bộ xưa
Bến Tre - Cô dâu Ngọc Trang mặc áo dài đỏ, đầu đội nón quai cung, nắm tay chú rể trên đường về phủ thờ nhà chồng được phục dựng nguyên bản năm 1934.
Sáng 21/7, trong phòng khách của nhà trai ở huyện Mỏ Cày Nam được trang trí sắc kỷ, bình hoa cắm đuôi công và liễn chữ Nôm, chú rể Trần Hữu Phú rót rượu choàng tay vợ thực hiện nghi thức giao bôi.
Sau lời thưa chuyện của trưởng tộc, Trang cùng chồng cúi đầu vào nhau, giao bái để thỉnh cầu trời đất chứng giám cho hôn nhân như phong tục truyền thống của người Nam Bộ. Trong khi đó, quan viên hai họ mặc áo dài xưa, đầu đội mấn gửi lời chúc mừng.
"Tôi hạnh phúc khi hiện thực được đám cưới theo đúng phong tục truyền thống cha ông mà mình mơ ước", chàng trai 29 tuổi, nói.
Đám cưới của chú rể Hữu Phú và cô dâu Ngọc Trang ở Bến Tre, sáng 21/7. Video: Nhân vật cung cấp
Đầu 2023, Hữu Phú, một giáo viên mỹ thuật quyết định cầu hôn cô bạn gái Ngọc Trang, 22 tuổi. Tuy nhiên, họ mất hơn một năm để lên ý tưởng và sưu tầm các vật dụng trong đám cưới theo kiểu Nam Bộ xưa do được truyền cảm hứng bởi ông Trần Văn Sáu, ông nội Phú.
Ông sinh ra trong gia đình truyền thống Nho giáo. Phú sống cùng từ bé nên được ông truyền dạy lễ nghi Nam Bộ như viết liễn đối chữ Nôm, chưng bông, dựng nêu ngày Tết. Anh đặc biệt hứng thú khi ông kể về không khí và phong tục đám cưới thời xưa. "Tôi bắt đầu nghĩ rằng mình sẽ có một đám cưới như vậy trong thời hiện đại", Phú nói.
Đầu 2018, anh dành tiền tiết kiệm phục dựng lại phủ thờ ba gian, hai chái, đắp phù điêu của dòng họ trong khuôn viên 300 m2, để làm nơi tổ chức lễ cưới.
Đám cưới xưa có phong tục rước dâu tương tự nhưng khác ở trang phục và cách bày trí không gian. Phú mất hai tháng để thuyết phục một nhà sưu tầm ở TP HCM cho mượn nón quai cung tuổi đời hơn 100 năm.
"Nón mang đặc trưng của người Nam Bộ xưa nên không thể tìm ở bất kỳ cửa hàng nào", Phú nói. Sính lễ ngoài trầu cau, trái cây, bánh rượu, đôi đèn, anh phải chuẩn bị hai chiếc nón cho cô dâu và phù dâu.
Ngọc Trang cũng là người yêu thích văn hóa truyền thống. Cô ủng hộ chồng nhưng gặp khó khăn trong việc thuyết phục gia đình.
"Bố mẹ, họ hàng và trưởng tộc đều cảm thấy ngạc nhiên và không dễ chấp nhận với ý tưởng này", Trang nói. Vợ chồng cô phải liên tục bàn bạc, trình bày về ý nghĩa, nét đẹp văn hóa xưa trong ba tháng, mọi người mới gật đầu.
Cận ngày cưới, chú rể tự tay viết thiệp mời bằng bút lá. Để trang trí cổng chào, anh phác thảo nét bút liễn chữ Nôm trên giấy vải đỏ giống ông nội lúc sinh thời. Phú dùng mực tàu pha keo da trâu (loại keo sệt, bám tốt) để liễn treo lên không bị bạc màu. Cổng cưới được bạn bè làm giúp, thiết kế đơn giản, nguyên liệu từ đủng đỉnh (loại cây họ cau) và chuối.
Dù không yêu cầu, nhiều bạn bè của Phú và Trang chủ động mặc áo bà ba, áo dài để hợp với không khí của ngày cưới Nam Bộ xưa. Một số người đến sớm hơn thời gian nhập tiệc để chứng kiến lễ rước dâu.
Chiều 21/7, đoạn video đám cưới của Phú thu hút gần ba triệu lượt xem trên mạng xã hội. Đa số bày tỏ sự thích thú trước ý tưởng và sự tỉ mỉ của gia chủ.
"Sự thích thú của mọi người vượt ngoài sức mong đợi", Phú nói. "Chúng tôi đã có ngày trọn vẹn ý nghĩa".
Mâm lễ gia đình Hữu Phú chuẩn bị để mang sang hỏi vợ.
Phú tự viết liễn chuẩn bị cho hôn lễ.
Hữu Phú và mẹ chuẩn bị nón cụ quai cung cho cô dâu.
Phủ thờ họ Trần được trang trí bằng liễn đỏ, hoa tươi trong đám cưới.
Nhà trai chuẩn bị mâm lễ sang nhà cô dâu ở Bến Tre, sáng 21/7.
Mẹ chú rể chuẩn bị mâm lễ để sang nhà gái.
Thiệp được viết tay bằng bút lá tre của Hữu Phú.
Cô dâu Ngọc Trang và chú rể Hữu Phú trong đám cưới ở Bến Tre.
Vợ chồng Hữu Phú cùng nhóm bê tráp mặc áo dài phong cách Nam Bộ xưa.
Hữu Phú và Ngọc Trang trên đường đến phủ thờ họ Trần.
Hữu Phú nâng ly rượu thực hiện nghi thức giao bôi.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngoài lãnh đạo trung ương và địa phương, có hàng chục giám đốc doanh nghiệp đến tham dự lễ cưới tập thể của công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Bình Dương. Đám cưới của 10 đôi vợ chồng được đài thọ chi phí từ A-Z, kể cả xe hoa rước các cặp đôi đi quanh Bình Dương.