Việt kiều giật mình vì giá cả ở Việt Nam

Sự kiện: Giới trẻ 2025
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Phương Mai, 40 tuổi, hoảng hốt khi biết mình đã tiêu hơn 200 triệu đồng trong một tháng về Việt Nam thăm gia đình.

Trước khi về nước, người phụ nữ quê Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã lường trước vật giá sẽ tăng nhưng không nghĩ mọi thứ tốn kém đến mức "tiêu như mất trộm".

Năm 2018, chị Phương Mai kết hôn với người đàn ông Hàn Quốc và theo chồng về làm dâu ở TP Hwaseong. Cuối năm 2024 chị về nước lần đầu tiên nên có nhiều khoản phải chi như mời gia đình đi ăn, mua quà cho mẹ, con gái, vợ chồng em trai. Trung bình mỗi ngày chị chi từ một đến ba triệu đồng, ngày cao nhất là 10-18 triệu "để bù đắp khoảng thời gian xa nhà".

Đó là những món mua ở trung tâm thương mại. Mai nhớ ngày đầu về Việt Nam, chị sang tạp hóa cạnh nhà mua hộp sữa tươi giá 9.000 đồng. "Tôi giật mình bởi nhớ ngày xưa chỉ 5.000 đồng", chị nói. "Mọi thứ đã đắt đỏ hơn rất nhiều".

"Tôi tự cho mình thoải mái trong lần đầu về thăm nhà", Hiền nói. "Nhưng những lần sau phải tiết kiệm lại, nếu không lại rơi vào tình trạng kiếm củi ba năm đốt một giờ".

Chị Hồng Phước cùng các con trong chuyến du lịch ở Hà Nội, tháng 12/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Hồng Phước cùng các con trong chuyến du lịch ở Hà Nội, tháng 12/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

"Giá cả một số hàng hóa, dịch vụ ở Việt Nam giờ không khác Mỹ, thậm chí đắt hơn", Quang Vinh, 39 tuổi, CEO một công ty công nghệ ở California, Mỹ nói.

Trong lần về Việt Nam tháng 11/2024, Vinh nói "sốc" khi nhiều nhà hàng ở TP HCM có mức giá tương đương với những nơi đắt đỏ nhất ở San Francisco (Mỹ). Anh lấy ví dụ tô phở 50 USD ở Landmark, quận Bình Thạnh.

Hàng chục năm định cư ở nước ngoài, Quang Vinh đã về Việt Nam khoảng 20 lần, mỗi lần kéo dài từ hai đến bốn tuần. Anh dự trù chi phí khoảng 5.000 USD bao gồm tiền khách sạn, ăn uống và di chuyển, không mua sắm. Phần lớn chi tiêu dành cho ăn uống. Do phải tiếp khách, anh thường đến các quán cà phê, nhà hàng nơi giá cả không khác gì ở Mỹ như Runam, Starbucks.

"Mọi người nên từ bỏ suy nghĩ 'giá cả ở Việt Nam rẻ'. Sự chênh lệch giá giữa Việt Nam và Mỹ không lớn, nhất là hàng hóa, dịch vụ dành cho giới trung lưu và thượng lưu", Vinh nói.

Phương Mai và Quang Vinh nằm trong số khoảng hai triệu Việt kiều về thăm quê hàng năm, theo Tổng cục Thống kê. Trên các diễn đàn dành cho người Việt xa xứ, chủ đề "Việt Nam giờ đã đắt đỏ hơn" nhận nhiều ý kiến tán đồng.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tài chính Maybank Investment Bank, cho rằng chuyện Việt kiều "sốc" vì giá cả ở Việt Nam là điều dễ hiểu. Sự thay đổi rõ rệt của nền kinh tế Việt Nam trong 10 năm qua là một trong những nguyên nhân chính.

Chuyên gia dẫn chứng, tăng trưởng GDP của Việt Nam liên tục đạt 6-7% trong giai đoạn 2010-2023. Cùng với đó, mức thu nhập bình quân đầu người tăng hơn ba lần, từ 1.300 USD năm 2013 lên hơn 4.700 USD năm 2024. "Thu nhập tăng dẫn đến mức sống và giá trị hàng hóa cũng tăng cao, đặc biệt tại các thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội", ông Khánh nói. Ví dụ, theo số liệu của Tổng cục Thống kê đầu năm 2024, giá nhiều mặt hàng thiết yếu bao gồm lương thực, thực phẩm đều tăng cao so với các năm trước. Trong năm 2023 và quý I/2024, giá nhóm hàng ăn - dịch vụ ăn uống tăng khá mạnh, lần lượt là 3,44% và 3,53%.

Hiện tượng "sốc giá" xảy ra phổ biến đối với những người đã lâu không về nước, đặc biệt là khi họ thấy sự chênh lệch giá hàng hóa giữa trong nước và quốc tế. Họ thường bỏ quên khái niệm PPP (sức mua ngang giá) thường dùng trong kinh tế học để so sánh tương quan giá cả giữa các nền kinh tế.

"Vật giá và lạm phát có xu hướng tăng qua các năm, ở nước ngoài cũng như thế", ông Khánh nói. "Nhưng khi sống ở đâu quen đó, bạn sẽ bất ngờ khi đến nơi mới".

Tâm lý tiêu dùng "xả hơi" cũng là lý do khiến Việt kiều lạm chi khi về nước. Khi sống lâu dài ở nước ngoài, họ thường lập kế hoạch chi tiêu lâu dài và tiết kiệm. Tuy nhiên, khi về Việt Nam nhiều người có tâm lý "mấy khi mới về" và có xu hướng tiêu tiền thoải mái hơn.

Đồng thời, họ thường cũng tranh thủ sử dụng các dịch vụ y tế, làm đẹp khi về nước bởi giá còn thấp hơn khá nhiều các nước châu Âu, Mỹ, Canada. "Dù rẻ hơn nhưng những khoản này cũng tốn số tiền lớn", ông Khánh nói.

Lần đầu về Việt Nam sau 6 năm ở Canada, chị Hồng Phước, 46 tuổi, đổi tiền được 50 triệu đồng, nghĩ sẽ tiêu được cả tuần nhưng chỉ vài ngày đã hết sạch.

Phần lớn chi tiêu của chị là vào việc mua sắm do "thấy gì cũng thích và muốn mua". Đồng thời, mỗi chuyến về thăm quê, chị chi 100-200 triệu đồng cho dịch vụ làm đẹp.

Vài lần sau, Hồng Phước nhờ chị họ giữ tiền, khi ra ngoài mới lấy. "Tôi nhận ra 10 triệu thì không đủ, 5 triệu thấy thiếu và hai triệu thì càng có cảm giác chưa tiêu gì đã hết", chị nói. "Không biết mình xài thế nào mà nhanh đến vậy". Trong khi đó ở Canada, trung bình mỗi ngày gia đình chị chi khoảng 100 CAD (1,8 triệu đồng), thấp hơn đáng kể ở Việt Nam.

"Mỗi lần bốn mẹ con về nước, chi phí không dưới 20.000 CAD (350 triệu đồng) chưa bao gồm vé máy bay", Phúc kết luận.

Ông Khánh cho rằng để tránh bị "sốc giá", Việt kiều cần lập kế hoạch tài chính ngắn hạn. Ví dụ ngân sách cho đợt về nước này là bao nhiêu, quà cáp cho ai, chi tiêu gì, đi đâu chơi, khoản ăn uống là bao nhiêu để chọn lựa hàng quán cũng như các dịch vụ phù hợp. Kế hoạch này cần dư ra một phần dự phòng, không lo "cháy túi" dẫn đến tình huống sau một kỳ nghỉ lại gánh nợ hoặc vất vả kiếm tiền để cho năm sau.

Tết Nguyên đán 2025, chị Phước lại đưa các con về Việt Nam chơi, du lịch 19 ngày với chi phí 30.000 CAD (530 triệu đồng). Chị cho các con thưởng thức quán vỉa hè hoặc nhà hàng bình dân để chúng có nhiều trải nghiệm.

"Chủ yếu là rẻ và vui", chị nói. "Phần mua sắm cũng hạn chế nên xài tiền thoải mái hơn".

Trung Quốc - Suốt hai năm Tiểu Hà và bạn trai không chi quá 300 tệ (một triệu đồng) tiền ăn mỗi tháng với thức ăn chỉ là cơm rau, xúc xích, mỳ tôm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Ngân ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2025 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN