Vì sao “theo tình tình chạy, chạy tình tình theo”?
Trong cuộc sống, đôi khi tình yêu như trò chơi cút bắt “theo tình tình chạy, chạy tình tình theo” .
Có một thực tế khá oái oăm nhưng lại rất phổ biến trong tình yêu đó là hiện tượng khi được yêu thì cảm thấy bình thường, đến khi vuột mất mới nảy sinh lòng yêu. Vì thế trong cuộc sống, đôi khi tình yêu như trò chơi cút bắt “theo tình tình chạy, chạy tình tình theo” . Vì sao vậy, hãy nghe chuyên gia tâm lý phân tích và lý giải hiện tượng tâm lý này.
Con cá mất là con cá to
Theo ThS tâm lý Nguyễn Hồng Lê (Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và Kỹ năng cuộc sống), chuyện mình yêu một người mà người ta phụ, còn người yêu mình thì mình không thích là chuyện hết sức bình thường trong cuộc sống. Thế nhưng, trên thực tế trong tình yêu đôi khi vẫn xảy ra chuyện hết sức oái oăm, cùng là một đối tượng nhưng khi họ yêu mình thì mình không yêu, đến khi họ bỏ đi thì mình lại tiếc nuối, yêu mê đắm.
Tâm lý chung của con người thường không nhận ra những thứ quý giá mà mình đang có, hoặc ở bên cạnh mình. Cái gì không có được thì thường khao khát và đánh giá nó cao hơn giá trị thực, còn cái ở bên cạnh mình lại chẳng bao giờ biết quan tâm đúng mức. Khi có thì thấy bình thường, chỉ khi mất đi rồi mới thấy nó có giá trị. Điều này đặc biệt đúng trong tình yêu.
Trong tình yêu, khi được một người khác theo đuổi thì mình không thấy thích (Ảnh minh họa)
Tâm lý trong tình yêu cũng giống như tâm lý của một đứa trẻ ứng xử với đồ chơi của mình. Bình thường đứa trẻ đang không thiết tha gì với món đồ chơi nhưng khi một đứa trẻ khác cầm nó thì chúng sẽ chạy ra giành lấy để chơi.
Trong tình yêu, khi được một người khác theo đuổi thì mình không thấy thích. Nhưng khi người đó dừng lại, không theo đuổi nữa thì lại thấy hẫng hụt, tiếc nuối, thậm chí có trường hợp quay lại yêu đơn phương người mà trước đây đã từng yêu đơn phương mình.
Nguyễn Thế Nam (37 tuổi, ở Thạch Thất, Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Gia đình bố mẹ Nam khá giàu có. Bản thân Nam có nghề nghiệp và thu nhập tốt. Hình thức cũng khá điển trai. Nam đã từng trải qua nhiều mối tình nhưng đều không đi đến kết quả gì tốt đẹp.
Gần đây, một cô gái tên Hương trong huyện làm nghề kế toán yêu Nam tha thiết. Hương thường là người chủ động hẹn hò với Nam. Cô cũng đã đến nhà Nam chơi nhiều lần và được bố mẹ Nam quý mến. Thế nhưng Nam thì cứ dửng dưng với Hương.
Có đôi lần Hương đến nhà chơi, Nam còn mặc kệ cô ở đó, bỏ sang nhà hàng xóm chơi cờ. Biết tình cảm của Nam không dành cho mình, Hương đau khổ mất một thời gian. Cuối cùng cô cũng dần lãng quên được mối tình đơn phương đau khổ này.
Cũng từ đó Hương không gọi điện, nhắn tin, hẹn hò Nam nữa. Lúc này, người thường xuyên gọi điện lại là Nam. Nam không hiểu nổi vì sao tự dưng Hương lại trở nên xa lạ với anh như vậy. Nam đau khổ vì điều đó và nhận ra rằng, mình đã yêu Hương nhưng đã muộn.
Lê Hoàng Hoa (31 tuổi, là nhân viên ngân hàng ở Hoàng Mai, Hà Nội) cũng lận đận trong đường tình duyên vì lâm vào cảnh “theo tình tình chạy, chạy tình tình theo”. Hoa khá xinh đẹp, gia đình thuộc hàng gia giáo, nề nếp ở Hà Nội. Thế nhưng trong chuyện tình duyên, cô chỉ ao ước lấy được một người không cần địa vị, tiền bạc, tài giỏi.
Mong ước của Hoa là tìm được một người bạn trai đồng điệu về lối sống và hiểu biết. Nhưng đau khổ là người cô yêu thì họ đã có gia đình, còn người yêu cô thì cô không có mảy may một chút tình cảm gì với họ.
Sai lầm khi đặt ra chuẩn người yêu lý tưởng
Theo ThS tâm lý Nguyễn Hồng Lê, hai trường hợp trên là hai ví dụ điển hình cho tình trạng “theo tình tình chạy, chạy tình tình theo”. Trường hợp đầu tiên bị vướng kẹt vào tình trạng “theo tình tình chạy, chạy tình tình theo” là bởi tâm lý “chỉ thích thứ mình không có, thứ mình có lại xem thường”.
Trường hợp thứ hai là do đuổi theo một chuẩn người yêu lý tưởng nào đó. Chị em thường thích những người điển trai, nói dẻo, hài hước. Cũng có người thích đàn ông có tài, thành đạt hoặc giàu có… Người nam lại thích chọn vợ có nhan sắc, duyên dáng, dịu dàng hoặc thông minh cá tính… Trong khi con người là tổng thể của những cá tính.
Thường mỗi người tự đặt ra một cái chuẩn lý tưởng trong tiềm thức nên cứ mải đi tìm. Ví dụ, có người đi tìm một người đàn ông tốt bụng như “bố mình”, nên khi thấy một người có nét tính cách giống bố mình vì thế cứ theo đuổi.
Trong khi đó, người được cô yêu lại cũng đang đi tìm một người phụ nữ lý tưởng giống mẹ anh ta, mà cái chuẩn lý tưởng đó cô lại không có. Vì thế cả hai đều rơi vào tình trạng đau khổ vì yêu mà không được yêu. Thế nên nhân gian mới có câu “tình yêu cút bắt trò chơi” là vậy.
Quay trở lại những trường hợp trên, vì đang tìm một bạn tình đồng điệu về lối sống để tạo dựng hạnh phúc mà rơi vào hoàn cảnh bị phớt tình thì cũng đừng vì thế mà khổ đau. Chúng ta hãy nỗ lực hết mình. Nếu thực sự hai người không có duyên với nhau thì khổ đau làm gì cho mệt.
Cứ sống tốt, tiếp tục tìm hiểu, tiếp tục tạo điều kiện đi lại gặp gỡ…đến một lúc nào đó sẽ lại gặp được tình yêu. Trong tình yêu, thà chậm một chút còn hơn là sai lầm.
Cách để tránh không bị rơi vào tình thế “theo tình tình chạy, chạy tình tình theo”, các chuyên gia khuyên, các bạn trẻ cần phải nhận thức rõ về tính tương đối trong mọi việc, kể cả trong tình yêu và hôn nhân. Chấp nhận, hài lòng với nó thì cuộc sống của chúng ta không bị vướng kẹt vào tình trạng “theo tình tình chạy, chạy tình tình theo”.
Trong tình yêu, không nên quá cầu toàn. Con người chẳng có ai hoàn hảo nên phải biết hài lòng với người bạn tình hoặc người bạn đời mà mình đang gắn kết. Thay vì đặt ra một tiêu chí lý tưởng thì chỉ gặp người đó trong mơ. Sự tương đối này để hài lòng, xây dựng đời sống hôn nhân cao thượng, tình yêu cao thượng dẫn đến đời sống hôn nhân bền vững. |