Vì sao người trẻ hay đi chữa lành?
Chia tay người yêu, Ánh Ngọc lập tức xin nghỉ phép một tuần để đi du lịch nước ngoài hy vọng "chữa lành tâm hồn nhiều vết xước".
Cô gái 25 tuổi ở quận Hà Đông, Hà Nội nói phải rời thành phố để chóng quên tình cũ. Công việc còn tồn đọng nhiều nhưng Ngọc cũng mặc. "Sếp không cho nghỉ phép tôi sẵn sàng nghỉ việc", cô nói.
Mấy lần kết thúc những cuộc tình trước Ngọc cũng mất cả năm để cân bằng cuộc sống. Cứ hết giờ làm cô lại đi xem bói bài tarot xin lời khuyên. Tối lại triền miên nghe podcast chữa lành để dễ ngủ.
"Chỉ có cách này tôi mới thấy cuộc sống trở nên dễ thở hơn", Ngọc nói.
Ánh Ngọc trong một chuyến đi du lịch chữa lành trong nước đầu năm 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tuần một lần, Văn Lâm ở quận 2, TP HCM chi một triệu đồng cho lớp chữa lành bằng phương pháp trị liệu chuông xoay. Tại đây, chàng trai 26 tuổi được ngâm chân trong nước thảo mộc, ăn bánh ngọt, đọc sách trong lúc nghe âm thanh từ chuông để kích thích vị giác, thị giác giúp thư giãn và bớt suy nghĩ hơn.
Theo người hướng dẫn, tần số rung động của chuông sẽ khơi gợi tiềm thức, đả thông nguồn năng lượng đang tắc nghẽn trong cơ thể, đem lại sự bình yên trong tâm trí. Điều này phù hợp với một freelancer sáng tạo nội dung phải làm việc 10-14 tiếng mỗi ngày và liên tục tiếp xúc với bình luận tiêu cực như Lâm.
Chính vì thế dù bận việc anh vẫn tranh thủ tham gia các khóa chữa lành. Cuối tuần, Lâm cùng bạn bè đi dã ngoại, tạm ngắt kết nối với thế giới. Chi phí cho mỗi chuyến chữa lành dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Những hoạt động chữa lành (healing) ngày càng phổ biến, đặc biệt trong giới trẻ, phản ánh nhu cầu cần được xoa dịu về tâm lý, giảm bớt tổn thương và loại bỏ suy nghĩ tiêu cực, bất an. Liên Hợp Quốc đã gọi năm 2021 là "Năm chữa lành" (Year of Healing) sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid.
Chưa có thống kê về số người tham gia các dịch vụ chữa lành, nhưng trên mạng xã hội TikTok, hashtag "chualanh" và "healing" liên tục nằm trong top 100 từ khóa được tìm kiếm và sử dụng nhiều nhất. Ví dụ, hastag "chualanh" có hơn 240.000 bài viết với hơn 2 tỷ lượt xem, hashtag "healing" có 11 triệu bài viết với gần 60 tỷ lượt xem. Không ít trào lưu chữa lành như thiền định, du lịch trải nghiệm, bỏ phố về quê, tham gia thể thao, workshop, nghe podcast, âm nhạc, phim ảnh, đọc sách được nhiều người hưởng ứng.
Trên Facebook, hàng trăm hội nhóm về chữa lành được lập trong vài năm gần đây. Ngoài chia sẻ quan điểm sống, không ít tài khoản cũng giới thiệu các dịch vụ chữa lành với cam kết áp dụng phương pháp trị liệu uy tín, học phí dao động từ vài trăm nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng một khóa.
Lý giải nguyên nhân nhiều người trẻ thích chữa lành, chuyên gia Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng áp lực cuộc sống, công việc thường ngày khiến người trẻ mất cân bằng, rơi vào trạng thái trầm cảm, căng thẳng, mất phương hướng.
Các chuyên gia của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey (Mỹ) cho rằng các thế hệ trước thường cảm thấy khó hiểu với trào lưu chữa lành của Gen Z bởi không cảm nhận được giới trẻ đang sống trong một thế giới PAID. Trong đó, P (pressure) là áp lực, A (always on) kết nối 24/7, I (information overloaded) bội thực thông tin và D (distracted) phân tâm.
Dưới góc độ y khoa, tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc kiêm trưởng khoa lâm sàng Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), cho biết nhu cầu chữa lành của người trẻ đang phản ánh mức độ quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần ngày càng nâng cao. Thống kê tại Việt Nam cho thấy gần 15% dân số (khoảng 15 triệu người) đang mắc các rối loạn về tâm thần. Trong đó tỷ lệ trầm cảm, lo âu chiếm 5,4% dân số.
Tại bệnh viện của bà Thu nhận thấy số người trẻ đến khám do căng thẳng, mệt mỏi kéo dài, tăng 15-25% mỗi năm. Nhiều bệnh nhân trước khi đến gặp bác sĩ để tham vấn từng tìm đến các khóa chữa lành, nhưng không phải ai cũng đạt được kết quả như mong đợi.
"Họ (bệnh nhân) nói thấy thoải mái, dễ chịu khi tham gia các khóa chữa lành, nhưng chỉ cần quay trở lại thực tại lại mệt mỏi, bế tắc", bác sĩ Hồng Thu nói.
Bà cho rằng việc đổ xô tham gia các dịch vụ chữa lành có thể gây tốn tiền, mất thời gian, ảnh hưởng đến công việc, học tập và quan trọng nhất là không thể giải quyết gốc rễ của vấn đề.
Theo chuyên gia Vũ Thu Hương trào lưu chữa lành hiện nay phần nào phản ánh một số người trẻ có sức chịu đựng kém, dễ tổn thương, không chấp nhận khó khăn, nảy sinh tâm lý trốn tránh thực tại. Thêm vào đó, ảnh hưởng của mạng xã hội khiến một số người bắt chước, nghĩ bản thân có vấn đề về tâm lý nhưng thực chất không phải.
Phương Ly (23 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) chi 3 triệu đồng một tuần chơi golf để "chữa lành". Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ánh Ngọc thừa nhận mỗi tháng lĩnh 15 triệu tiền lương, không tốn tiền ăn ở do sống cùng bố mẹ nhưng luôn ngập trong cảnh nợ nần bởi các khoản vay đi chữa lành. Không ít lần cô bị cấp trên khiển trách bởi xao nhãng công việc. "Đâu ai có thể mạnh mẽ đi làm với tâm hồn đầy những vết xước. Tinh thần ổn định thì công việc mới dễ thăng tiến", Ngọc nói.
Không chịu được "sự tổn thương" vì bị trượt phỏng vấn dù tốt nghiệp bằng giỏi, Phương Ly, 22 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội tạm ngưng mọi dự định, dành thời gian đi xả stress.
Hơn ba tháng thử mọi cách chữa lành như thiền, yoga, tham gia các lớp tư vấn tâm lý trực tuyến, Ly vẫn chán nản. Cô dự định sẽ sang nước ngoài khi biết đến một số phương pháp chữa lành mới lạ, tác động mạnh hơn như lễ thanh lọc năng lượng, rửa tội, được thỏa sức khóc, hét to "để nhận những điều tốt lành".
Để tránh "tiền mất tật mang", bác sĩ Trần Thị Hồng Thu khuyên mỗi cá nhân, đặc biệt là người trẻ khi gặp vấn đề về tâm lý nên tìm đến các bác sĩ, chuyên gia có chuyên môn để tìm ra gốc rễ của vấn đề. Mỗi cá nhân cần lập kế hoạch làm việc, nghỉ ngơi và học cách đối phó với căng thẳng.
Chi hàng chục triệu đồng mỗi tháng để khiến bản thân thoải mái hơn sau khi chia tay người yêu và bị sa thải nhưng mỗi khi trở lại thực tại, Trúc Uyên, 27 tuổi nói nỗi đau cùng cảm giác thất bại vẫn y nguyên.
Trước đó cô gái quê Bắc Giang liên tục tham gia khóa thiền trên núi, đặt lịch trò chuyện với chuyên gia chữa lành nổi tiếng trên mạng xã hội và đi du lịch để cân bằng cảm xúc. Thậm chí hễ thấy có dịch vụ mới đều đăng ký tham gia, nhưng cô chỉ thấy bình yên khi tham gia trải nghiệm, còn khi kết thúc lại đâu vào đó.
"Nói là đi chữa lành nhưng thực chất là lành ít dữ nhiều, tiền mất tật vẫn y nguyên", Uyên nói.
So với các trào lưu khác, Flex thể hiện rõ sự hài hước của cộng đồng mạng.
Nguồn: [Link nguồn]