Vì sao Gen Z đi làm không cầm nổi lương về?
Chưa hết tháng đã hết tiền, cân bằng mức lương đi làm và các khoản chi tiêu là câu chuyện muôn thuở của các bạn trẻ khi bắt đầu bước vào cuộc sống tự lập.
Sinh ra và lớn lên trong thời đại công nghệ số, nhiều bạn trẻ muốn bước ra khỏi vùng an toàn để tự lập cuộc sống, khẳng định bản thân. Mong muốn đi làm và có thu nhập cao là điều mà thế hệ Gen Z hướng tới. Các bạn trẻ đa số đi làm từ rất sớm kiếm thêm thu nhập để phục vụ mục đích tiêu dùng của bản thân.
Nhưng vì nhiều lý do mà các bạn trẻ ngày nay dù đi làm rất chăm chỉ, làm full time cả tuần mà vẫn không tiết kiệm được tiền lương. Nhiều bạn gặp khó khăn trong quản lý tài chính cá nhân khiến “chưa hết tháng đã hết tiền” và bỏ quên những mục tiêu mà mình đề ra.
Kết quả khảo sát về tài chính của người trẻ tại 16 nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương do Master Card tổ chức cho thấy người trẻ Việt yếu nhất về kỹ năng quản lý chi tiêu cá nhân với số điểm là 52 điểm và kỹ năng đầu tư tài chính với số điểm 51 điểm, dù khả năng hoạch định tài chính khá tốt đạt 73 điểm. |
Những khoản “trên trời” đổ xuống
Hiểu Phương (21 tuổi) đi làm thêm từ năm nhất đại học và đã làm qua rất nhiều công việc. Hiện tại, cô gái trẻ đang làm việc cho một công ty về du lịch.
Phương cho biết mục đích đi làm vừa để có thêm kinh nghiệm, kỹ năng sống vừa để kiếm thêm thu nhập cho bản thân mà không cần phải xin tiền bố mẹ. Là một người chăm chỉ làm việc, nhưng có những tháng Phương chi tiêu vẫn vượt mức quy định, có những lúc đầu tháng vừa nhận lương mà giữa tháng đã hết.
Hiểu Phương (21 tuổi) bất lực khi không cầm nổi lương về...
“Đi học và đi làm có nhiều mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp là điều dễ thấy. Sau mỗi giờ làm hoặc cuối tuần, các anh chị đồng nghiệp trong công ty thường rủ mình đi ăn, đi cà phê. Nếu từ chối nhiều lần mình rất ngại nên cũng nhận lời đi cùng các anh chị. Rồi có những tháng bạn bè mời ăn sinh nhật, đám cưới... Nhiều khi tiền cứ chạy ra khỏi túi lúc nào không hay”, Phương tâm sự. Phương cũng thừa nhận rằng cô là một người yêu bản thân và thích trải nghiệm. Cô bạn chia sẻ: “Nhu cầu làm đẹp chắc chắn là cô gái nào cũng có, và mình cũng không ngoại lệ. Mình thường dành một khoản tiền nhỏ để mua mỹ phẩm, quần áo, giày dép... phục vụ nhu cầu của bản thân. Mình cũng thích đi du lịch, đi đây đi đó với bạn bè, người thân nên cứ rảnh có thời gian là mình sẽ đi. Nên nhiều khi có tháng đi làm mà không thấy lương đâu”. |
Quốc Việt (23 tuổi) chia sẻ: “Mình từ Bắc vào Nam để sinh sống và làm việc, trong này chi tiêu cũng khác ngoài đó. Ngoài Bắc ở nhà bố mẹ, ăn uống sinh hoạt chung với gia đình nên mình gần như tiết kiệm được một khoản. Nhưng từ khi vào đây, một mình đi làm chi trả cho cuộc sống từ ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt, nơi ở... Có những tháng vừa nhận lương chưa ấm tài khoản đã phải thanh toán cho nhiều khoản khác. Nhiều tháng rỗng túi là chuyện bình thường”.
Cũng như vậy, Hồng Vân (22 tuổi), cô gái hiện đang làm quản lý học viên tại một trung tâm tiếng Anh cho biết: “Ngày nay, xã hội phát triển mức sống và chi tiêu của con người cũng cao hơn. Việc các bạn trẻ đi làm không mang được lương về là điều dễ thấy. Mình cũng đã có những lúc chưa hết tháng đã hết tiền, đi làm chăm chỉ nhưng không cầm được lương về. Mỗi người sẽ có những mục đích và nhu cầu chi tiêu khác nhau. Từ quê lên Hà Nội đi làm, mình có rất nhiều thứ phải chi trả như: tiền phòng, tiền ăn uống, tiền điện nước, vui chơi giải trí...”
Theo Vân, một trong những nguyên nhân khiến bản thân nhiều tháng đi làm mà không cầm được lương về là do bản thân chưa biết cách quản lý chi tiêu hợp lý. Cô gái trẻ thừa nhận mình cũng có nhiều lúc tiêu xài hoang phí, không có kế hoạch rõ ràng. Vì vậy, sau nhiều lần “rỗng túi”, Vân đã làm chủ được tài chính và chi tiêu có kế hoạch hơn.
Hồng Vân (22 tuổi) đang làm quản lý học viên tại một trung tâm tiếng Anh.
Gạt bỏ những "nhu cầu thoáng qua"
Dưới góc nhìn là một chuyên gia văn hoá, xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội - Viện Xã hội học Việt Nam) nhận định, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc các bạn trẻ - những người mới lập nghiệp, thu nhập vốn ít ỏi đi làm không tiết kiệm nổi.
“Thực tế, rất nhiều bạn đi làm cả tháng không có tiền lương mang về vì có thể các bạn phải chi trả cho những chi tiêu xuất phát từ sớm, những chi tiêu không thực sự cần thiết: để bằng bạn bằng bè, để trang trải cuộc sống, thiếu tính kế hoạch...
Thậm chí, có nhiều trường hợp các bạn ứng tiền hoặc vay tiền bạn bè để ưu tiên cho những chi tiêu trước mắt, nhiều khoản chi tiêu phù phiếm, không thực tế, không tạo cơ sở nền móng cho sự phát triển của nghề nghiệp, sự phát triển của bản thân mà chỉ giải quyết nhu cầu có tính nhất thời”, PGS.TS Bình nói.
Ông cho biết, thiết lập kế hoạch và mục tiêu cho tương lai là cần thiết nhưng để thực hiện được những điều đó lại là cả một quá trình, đòi hỏi các bạn trẻ phải tự nhìn nhận lại cách quản lý tài chính của bản thân và tìm được cho mình con đường tiến tới mục tiêu một cách rõ ràng, thực tế và hiệu quả.
“Mỗi bạn trẻ cần nhìn vào những nhu cầu có tính chất căn bản, tối thiểu của đời sống hàng ngày để ấn định mức chi tiêu cho hợp lý; cần xây dựng kế hoạch chi tiêu và kiên trì theo kế hoạch đó; biết đo lường tổng thể nguồn thu nhập của mình; không tiêu xài hoang phí; những khoản chi tiêu lớn cần có tính toán không để bị động; phải có sự “hy sinh” với những nhu cầu thoáng qua; để tiền trong tài khoản đối với những khoản không tiêu”, chuyên gia chia sẻ thêm.
Các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên đã và đang tìm kiếm việc làm thêm trong mùa hè. Dù thời gian ngắn ngủi nhưng một phần nào giúp họ trau dồi kiến thức, kỹ năng mềm và...
Nguồn: [Link nguồn]