Vì sao cấm sinh viên mặc quần jeans?
Sáng 6/10, ghi nhận tại Trường ĐH Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long), hơn 80% sinh viên của trường vẫn mặc quần jeans đến giảng đường.
Trước đó, ngày 4/10, Phó hiệu trưởng của Trường ĐH Cửu Long - ông Nguyễn Cao Đạt - đã ký quyết định ban hành văn bản Quy định về thực hiện văn hoá công sở và trang phục đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên (CB-GV-NV-SV). Văn bản này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Những ngày qua, sinh viên Trường ĐH Cửu Long vẫn tiếp tục mặc quần jeans đến trường
Nội dung văn bản có điều 4, chương I quy định việc mặc quần jeans, áo thun và đi dép lê là bị cấm đối với toàn thể CB-GV-NV-SV của nhà trường. Ngoài ra, văn bản hướng dẫn vào thứ 2 và thứ 6 hàng tuần, CB-GV-SV trường mặc áo dài truyền thống đối với nữ và quần tây hoặc quần kaki, áo sơ mi trắng đối với nam. Các ngày còn lại, CB-GV-SV mặc trang phục tự chọn cách lịch sự, trang nhã; đi giày hoặc dép có quai hậu, đảm bảo gọn gàng, kín đáo và không để lộ nội y gây phản cảm, mất mỹ quan; nếu sử dụng áo thun phải có cổ, tay áo lịch sự…
Theo “lời giải thích” trong văn bản, quy định như thế là phù hợp với truyền thống, bản sắc văn hoá các dân tộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long và điều kiện thực tế của trường. Tuy nhiên, kể từ ngày có hiệu lực là ngày ký, quy định dường như bị “mất hiệu lực”.
Văn bản có điều quy định cấm cán bộ, giảng viên, nhân viên, sinh viên mặc quần jeans do Trường ĐH Cửu Long ban hành
Nguyên nhân, theo trao đổi với Báo Người Lao Động, nhiều giảng viên, sinh viên nhận định việc cấm mặc quần jeans là rất phi lý, khó thực hiện. “Cấm mang dép lê còn có thể, chứ cấm mặc quần jean thì áp đặt quá! Nói cấm là phù hợp truyền thống, bản sắc văn hoá nhưng rõ ràng truyền thống của trường là hơn 80% GV-SV thích mặc quần jeans”- một giảng viên phân tích. Mặt khác, theo nhiều SV của trường, quy định này cứ như “trên trời” rơi xuống, không dựa trên việc lấy ý kiến của tập thể. “Tôi đã biết có quy định này nhưng những ngày qua vẫn cứ mặc quần jeans. Không thể muốn đổi toàn bộ quần jeans đã mua sang quần vải là có đủ tiền đổi được”- SV N.M.T, hiện học ngành du lịch của trường, bức xúc. Cũng theo SV T., trong các ngày qua, không thấy nhà trường xử phạt hay nhắc nhở gì các CB-GV-NV-SV vi phạm quy định.
Sáng 6/10, Phóng viên Báo Người Lao Động liên hệ gặp ban giám hiệu trường nhưng được từ chối gặp với lý do “ban giám hiệu đi vắng cả tuần”.