Vết trượt dài của con gái phó giám đốc

Sự kiện: Tình yêu nữ giới

Dù mẹ là ai, có thế nào đi chăng nữa thì đối với con, mẹ vẫn là người mẹ duy nhất

Bị kết án 16 năm tù, với một cô gái có cuộc đời êm ấm như Lan Anh, đó gần như là bản án của địa ngục. Nhưng người phụ nữ đó đã biết đứng dậy đúng lúc, đã biết sống xứng đáng hơn với tình cảm mà mình nhận được từ những người thân.

Những ngày mới bị bắt, tôi gục ngã thực sự, đất dưới chân tôi như bị lún xuống, trống trải… Nếu như không có những người bạn, người chị ở trong trại giam động viên, có lẽ tôi đã không thể sống nổi. Tôi rất sợ những đêm đông gió rét trong trại giam. Những đêm như thế, tôi thấy nơi đây thật lạnh lẽo. Tôi thường nghe vọng ở đâu đó có tiếng con trai tôi thảm thiết gọi: “Mẹ ơi”. Khi đó, lòng tôi xót xa như chìm trong bể muối.

Tôi đã gào khóc rất nhiều, những tiếng khóc xé tan màn đêm. Tôi nhớ thương con không người che chở, vắng hình bóng cha, xa tình thương mẹ. Những lúc như thế, trái tim tôi như nghẹt thở. Tôi ước mình sẽ biến thành con chim nhỏ bay qua ô cửa sổ để về bên con, vỗ về ầu ơi như ngày con còn bé nhỏ.

Có cán bộ trực gác đêm thấy tôi như thế đã đến bên cửa sổ động viên, an ủi tôi: “Thương con thì hãy nghĩ cho con. Nó đã thua thiệt nhiều, chắc nó rất cần mẹ”. Tôi thường ôm những lá thư của con tôi trong mỗi giấc ngủ. Những lá thư con viết: “Con nhớ hơi ấm của mẹ, con thèm vòng tay âu yếm của ba, nhiều đêm con phải cắn chặt môi ngăn tiếng nấc… nhưng mẹ hãy yên tâm cải tạo, con hứa sẽ là đứa con ngoan. Dù mẹ là ai, có thế nào đi chăng nữa thì đối với con, mẹ vẫn là người mẹ duy nhất, yêu thương nhất trên đời của con. Mẹ cứ coi như khó khăn trước mắt chỉ là một phần trải nghiệm của cuộc sống, mưa thôi rơi sẽ đem về hạt nắng”. Tôi đã khóc vì không thể ngờ rằng đứa con bé nhỏ của mình có thể viết ra những dòng chữ từng trải và hiểu biết đến thế.

Sau khi tôi bị bắt, mẹ tôi giận tôi vô cùng. Mẹ không thể tin tôi đã giấu kín việc tày trời của mình, không cho mẹ biết đến tận phút cuối cùng. Bởi trong mắt mẹ, tôi luôn là một đứa con gái chịu thương, chịu khó, ngoan hiền, biết suy nghĩ. Nhưng mẹ đã tha thứ cho tôi tất cả. Bất cứ người mẹ nào dường như cũng vị tha như thế. Tôi xa mẹ đã hơn 10 mùa trăng. Mẹ vẫn luôn bền bỉ bên tôi. Không lần nào gặp gia đình mà tôi không thấy mẹ. Lúc thì mẹ luộc cho tôi nồi sắn, lúc thì trảy cho tôi trái mít đầu mùa bảo là quà quê mang vào chia cho các bạn cùng phòng.

Từ quán nước ven đường, mẹ chắt chiu vì con, vì cháu. Mẹ có thể thiếu, có thể đói, nhưng mẹ không thể để con gái mẹ, không để cháu mẹ bị thiếu đói bao giờ. Mái tóc mẹ giờ mỗi lần gặp, tôi lại thấy bạc thêm. Những sợi tóc bạc đó, có nhiều lắm những sợi bạc vì tôi. Tôi nhớ năm hết Tết đến, mẹ lo tôi chưa về được. Mặc cho thiên hạ đua nhau sắm Tết, mặc cho đào nở, mặc cho nhà hàng xóm lên câu đối, mẹ vẫn cố đan cho xong chiếc áo mùa đông. Sáng mùng 3 Tết, mẹ một mình đạp xe vượt mấy chục cây số lên thăm tôi. Tôi bảo mẹ: “Sao mẹ cực vậy?”. Mẹ lại cười hiền: “Mẹ buồn vì nhớ con. Ước gì con được về sớm”.

Vết trượt dài của con gái phó giám đốc - 1

Tôi sẽ cố gắng nắm lấy cơ hội đó vào một ngày không xa... (Ảnh minh họa)

16 năm tù, đó là hình phạt lớn nhất cho những sai lầm của tôi. Tôi không đổ lỗi cho ai mà chỉ tự trách mình. Chỉ vì những đồng tiền bất chính mà tôi phải trả giá, suốt đời mang kiếp sống long đong, đâu thấy giàu sang đến lượt. Tôi học văn không giỏi, tôi không biết làm thơ, câu chuyện của tôi không cường điệu, không thêu dệt. Thường thì người ta đậy lại những cái xấu xa của đời mình nhưng qua bài viết này, tôi muốn cố gắng đối mặt với nó, dù tôi biết mỗi lần như thế, nỗi đau lại trở lại trong lòng tôi và những người thân của tôi. Tôi sẽ phải viết bài này, và có thể ai đó sẽ dành cho nó một cái tên gọi: "Vết trượt của con gái ông phó giám đốc bệnh viện" hay "tự sự của người đàn bà bất hạnh" hay "Sự hối hận và niềm tin hướng thiện"? Nếu được lựa chọn, tôi xin lựa chọn cả ba.

Những người bạn thuở học trò đến thăm tôi ở trại giam, bỏ qua khoảng cách, bỏ qua những lỗi lầm của tôi, bỏ qua mặc cảm về việc tôi là một kẻ tù tội, mặc áo sọc, ăn cơm tù, đã khiến lòng tôi trào lên nỗi xúc động. Niềm vui của tôi sẽ thật trọn vẹn nếu cuộc gặp mặt này có thêm người bạn thân của tôi mà tôi đang mong ngóng, chờ đợi suốt 10 mùa heo may. Chúng tôi đã cùng nhau học cấp I, cấp II, cùng nhau theo nghề kế toán, công tác cùng nhau tại bệnh viện. Có thể bạn đã quên tên tôi. Cũng có thể tôi đã chết trong lòng bạn. Vì những gì tôi đã làm khiến bạn đã không thể tha thứ cho tôi? Bạn đừng nhầm là tôi đang trách bạn. Là tôi đang tự trách chính tôi đấy thôi. Vì tôi trót lầm đường lạc lối nên mới ra nông nỗi này.

Mảnh đất trại giam đã cảm hóa những con người như chúng tôi. Những cán bộ trại giam đã kiên trì giáo dục, cảm hóa chúng tôi. Giờ đây tôi trở thành một người yêu lao động. Tôi tìm niềm vui trong công việc lao động hàng ngày. Thấy cây lúa trổ bông, mầm khoai tự mình rẽ đất nhú dậy, tôi lại thấy hạnh phúc và yêu thêm cuộc đời này. Tôi ước gì giá như ngày đó tôi có cái Tâm sáng, tố chất con người tôi không vẩn đục, bàn tay tôi không nhúng chàm đen… Giá như tôi không ham hố giàu sang trên đồng tiền của người khác, không vấp ngã trong nghề nghiệp, thì chắc tôi cũng như các bạn bè tôi, đã có gia đình cơ bản, sự nghiệp vững chắc. Nhưng cuộc đời chẳng cho người ta cơ hội để “giá như”.

Ở trong trại giam, dù mất đi quyền công dân, tôi vẫn có cảm giác mình có quyền làm một con người, là nhờ tình yêu thương và sự tâm lý của các cán bộ trại giam. Ngày quốc tế phụ nữ, Ban giám thị tổ chức mít tinh tạo điều kiện cho các chị em phạm nhân được gặp gỡ, được nói đến những câu chuyện về phụ nữ và cảm thấy mình được tôn vinh. Những ngày như thế này, chúng tôi cảm thấy tự hào vì dù chúng tôi là ai đi nữa, chúng tôi cũng vẫn là một người phụ nữ, một người chị, một người mẹ, với vẻ đẹp có từ muôn thuở.

Tôi nhớ những đêm thi Tiếng hát tình đời, những đêm thơ nhạc của phạm nhân, những đêm thi nét đẹp Phú Sơn do Ban Giám thị trại tổ chức. Nhờ những buổi gặp gỡ, giao lưu đó, chúng tôi đã học cách phấn đấu, rèn luyện mình trong chính môi trường trại giam. Ở đây chúng tôi được học về chính trị, học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, học giáo dục công dân và học nghề. Những ai không biết chữ, sẽ được học lớp xóa mù chữ. Chúng tôi đã dần xóa đi những mặc cảm của chính mình và tin tưởng vào ngày mai từ mảnh đất Phú Sơn này.

Đây là lần đầu tiên và cũng sẽ là lần duy nhất tôi chia sẻ về quá khứ của mình. Sau này, tôi ao ước sẽ mãi mãi chôn chặt nó. Vẫn biết tôi chỉ là một trong vô số khối những mảnh đời khác. Nhưng những người như tôi thực sự cần được chia sẻ với cộng đồng, cần được yêu thương, được cảm thông và quan tâm, giúp đỡ…

Qua bài viết này, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến Ban giám thị, cảm ơn mảnh đất Phú Sơn – cái nôi hướng thiện đã sinh ra tôi lần thứ hai, đã giáo dục tôi, đưa tôi về con đường chính nghĩa; cảm ơn những cán bộ đã đem lòng bao dung, tạo cho tôi điểm tựa, lắng nghe những tâm sự của tôi; cảm ơn mẹ của tôi, những người thân trong gia đình, bạn bè đã rộng lòng tha thứ cho tôi, động viên khích lệ tôi tiếp tục sống.

Tôi có niềm tin và hy vọng vào ngày trở về. Vì tôi biết mấy năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng vòng tay đỡ đầu, tạo công ăn việc làm cho những phạm nhân có một thời lầm lỗi đang hoàn lương trở về. Tôi sẽ cố gắng nắm lấy cơ hội đó vào một ngày không xa.

Hà Thị Lan Anh (phạm nhân Trại giam Phú Sơn 4)

Kỳ 1: Ước mơ lầm lạc của tiểu thư khuê các

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn])
Tình yêu nữ giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN