Vén màn bí mật thế giới đồng tính nữ

Tại bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến thực trạng… lesbian (les - đồng tính nữ) tại việt Nam, để mở ra cho bạn đọc một cái nhìn mới, thông cảm và chia sẻ hơn…

Nhận diện les Việt

Nhiều người đồng tính nam thường rất hay tâm sự với nhau về tình trạng “nửa váy, nửa quần” của mình. Nếu như gay “bấn loạn” một thì đồng tính nữ còn khổ sở hơn gấp nhiều lần. H.K (30 tuổi) là một chuyên viên trang điểm nổi tiếng, người đồng tính nam đi đầu trong việc công khai giới tính của mình ở TP.HCM bày tỏ: “Nếu như gần đây, xã hội và bản thân người đồng tính nam như chúng tôi khá cởi mở, bằng chứng là những diễn đàn trên mạng, các nhóm đồng đẳng, những cuốn tự truyện… nói về gay khá nở rộ thì suy nghĩ về người đồng tính nữ chưa có tiến triển bao nhiêu.

Hầu hết đồng tính nữ vẫn sống trong lặng lẽ, hiếm có les nào dám xuất hiện công khai, vì định kiến của xã hội vẫn còn nặng nề quá…”. Còn cậu “tèo” (ám chỉ đồng tính nữ) Hoài Thu (27 tuổi, Q.3) cũng đồng tình với ý kiến trên, “bởi dù sao đi chăng nữa thì chúng tôi vẫn mang thân phận đàn bà. Mà như đã luật bất thành văn từ xưa đến nay thì đàn bà là phải… cam chịu và nhiều trách nhiệm, bổn phận, đúng không?”. Có lẽ với lối suy nghĩ cam chịu và ý thức về thân phận này là lý do chính yếu khiến những người đồng tính nữ không dám hoặc chưa dám bộc lộ bản thân.

Trên thực tế les vẫn có cộng đồng của mình, có những nơi để trút bầu tâm sự với nhau nhưng họ luôn hoạt động “trong vòng bí mật” để tránh sự nghi kỵ. Một số diễn đàn trên mạng, một số bar hát với nhau, đặc biệt là những… quán nhậu là nơi dễ nhận diện les nhất. Dĩ nhiên, cũng như gay, les cũng có “kín”, có “lộ”. Một số người nhìn yểu điệu thục nữ nhưng cũng có cô nàng “tom boy” trông thấy rõ.

Tuy nhiên, xét về mặt thói quen nhìn của người Việt Nam, những người này thường được xem là người cá tính, có “gu” ăn mặc mạnh mẽ, khác người, chứ ít ai nghĩ rằng họ là ô-môi chính hiệu. Một số người trong số họ vẫn có thể làm vợ, làm mẹ như thường, nhưng về bản năng sống, họ không muốn thực hiện thiên chức này. Không phải họ đi ngược lẽ tự nhiên, ngược thuần phong mỹ tục mà đơn giản họ là… les.

Theo một thống kê xã hội học, người đồng tính chiếm từ 3 đến 7 phần trăm dân số toàn thế giới. Riêng ở Việt Nam, giới đồng tính nữ vẫn chưa có con số thống kê chính xác. Tuy nhiên, những số phận, những con người chúng tôi đã gặp gỡ thì rất nhiều. Người đồng tính nữ đầu tiên chúng tôi gặp là T.Thảo. Thảo vừa bước qua tuổi 20, có thể nói đây là lứa tuổi rực rỡ nhất của người phụ nữ. Nhưng với khát vọng trở thành một người đàn ông đúng nghĩa thì son phấn, những bộ váy đẹp đối với Thảo chẳng có ý nghĩa gì.

Thảo luôn cố gắng biến vẻ ngoài của mình thật thô cứng và bộc tuệch như một thằng con trai. Với vòng một mơn mởn căng tròn nhựa sống của một thiếu nữ, Thảo chưa bao giờ lấy đó làm điều hãnh diện. Ngược lại, cô luôn “kìm hãm” nó bằng cách mặc áo thun thật chặt, ép ngực, khom vai và mặc áo rộng thùng thình. Thậm chí, đến mỗi “chu kỳ” cô còn cảm thấy rất bực bội và “ghê tởm” chính mình. Thảo chỉ thật sự thoải mái khi được mặc trên người bộ đồ lót của đàn ông và có “chiến hữu” uống rượu cùng mỗi khi thấy buồn là mãn nguyện. Thảo cho biết, cô chấp nhận cách sống này.

Đó là cách chứng tỏ bản thân. Nếu được “hành hạ” bản thân mình để sao cho thật giống đàn ông thì cô cũng không nề hà điều gì. Đá bóng, đua xe, nhậu nhẹt, tỏ tình với… bạn gái, những gì đàn ông làm được thì cô đều… có thể. Hiện tại, Thảo đang mưu sinh bằng nghề vệ sĩ cho một công ty bảo vệ và đang kiếm tìm cho mình một “cô bạn gái thích hợp”.

Trong quán nhậu N.H trên đường Phan Đình Phùng, Q. Phú Nhuận, nơi nổi tiếng tập trung nhiều dân đồng tính nữ của Sài Gòn, chúng tôi nhìn những cô gái ngồi bàn bên cạnh nhả khói, rít thuốc liên tục, thỉnh thoảng cụng ly côm cốp với những câu chuyện hết sức… đàn ông khiến chúng tôi không thể nghĩ họ là phái nữ. Chúng tôi bắt chuyện với Bình Minh (tên thật là Kim Thư), cô gái có vẻ ngoài rất nữ tính và duyên dáng.

Sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Long và mới 24 tuổi nhưng trông cô khá từng trải. Sớm bước vào cuộc sống tự lập, 20 tuổi Thư đã phải tự kiếm sống bằng nhiều nghề, trong đó có cả nghề “bán hoa”. Tâm sự của Thư làm chúng tôi “tròn xoe” mắt, bởi ngay từ đầu Thư đã thú nhận mình là les thế nhưng lại làm nghề “bán hoa” thì khá lạ lẫm. Như đoán được thắc mắc của chúng tôi, Thư tâm sự, cô phải đi vào con đường đó chỉ vì muốn lo cho gia đình ở quê nhà thoát khỏi cảnh nghèo khổ. Và thật ra, vẫn còn một lý do khác, xuất phát từ tình yêu đầu đời của mình, đó là mối tình với người cùng giới.

Ngày ấy, Thư cảm thấy rất khó hiểu về sự rung động bất thường của mình với cô bạn cùng lớp. Nhưng ở dưới quê, cô nữ sinh nào dám bày tỏ tình cảm đặc biệt này với người bạn gái của mình. Rồi cô bạn phát hiện, tình bạn cũng tan vỡ… Thư hụt hẫng rồi dấn thân vào nghề bán thân vì đã chính thức nhận ra một sự thật, cô không phải là phụ nữ đích thực. Nhiều lúc Thư tự hứa sẽ thay đổi cảm xúc của bản thân cho thật bình thường, cố thể hiện mình là người rất nữ tính, thích đàn ông nhưng tất cả đều… không thể.

Vén màn bí mật thế giới đồng tính nữ - 1

Một số người nhìn yểu điệu thục nữ nhưng cũng có cô nàng “tom boy” trông thấy rõ (Ảnh minh họa)

Gia đình không thừa nhận, xã hội quay lưng...

Ra đường rất khó nhận ra đâu là một đồng tính nữ. Người ta có thể đoán trúng phóc hai chàng trai khoác vai nhau đi trên phố là đồng tính nhưng việc hai cô gái thân mật với nhau ở chốn công cộng là điều bình thường, ít ai để ý. Thế nhưng, việc lộ diện với gia đình hay xã hội lại là điều nan giải. “Lấy một người đàn ông rồi giả vờ đóng vai một người vợ, người mẹ. Cuộc sống như thế liệu có còn ý nghĩa gì nữa, có khác nào là sự giam cầm “tâm hồn” mình đâu?” – Thư tâm sự trong khóe mắt rưng rưng. Gia đình - đó là nỗi khổ tâm lớn nhất của tất cả các đồng tính nữ.

Những mối tình của les không trọn vẹn, tan vỡ nhiều khi không phải do những người trong cuộc mà chính vì gia đình của mình. Có người bị gia đình cấm đoán, có người chia tay vì phải giữ cho người mình yêu, hoặc vì sợ gia đình biết... Cũng rất dễ hiểu, bởi vì tình yêu thương và trách nhiệm, nên các gia đình thường ngăn cấm con cái mình có quan hệ đồng tính bằng nhiều biện pháp, từ ngọt ngào, tình cảm đến mạnh mẽ, vũ lực. Thậm chí, có gia đình còn “gài” con gái mình cho bạn trai ngủ chung để đẩy con vào tình cảnh “gạo nấu thành cơm”, có muốn cũng không thay đổi được.

Những biện pháp này từ phía gia đình khiến các cô phải khuất phục, từ bỏ tình cảm cá nhân nhưng cũng có cô quá sốc và trở nên điên loạn về mặt tinh thần. Trên thực tế, ngoài gia đình, xã hội, thì sự kỳ thị những người đồng tính nữ còn có thể đến từ những người bạn thân. Điều này đôi khi đẩy những người đồng tính nữ rơi vào trường hợp vô cùng nguy hiểm. Nhiều người khi phát hiện xu hướng tính dục đồng giới của bạn mình là loan báo ngay tới bố mẹ, thầy cô, cơ quan hay nhiều người khác, mà không tìm hiểu hỏi han hoặc xin ý kiến của người trong cuộc.

Chính vì thế đã gây nên hậu quả nghiêm trọng đến tinh thần, công việc và những mối quan hệ xung quanh của họ. Từ lối hành động này cho thấy, khi xã hội vẫn chưa chính thức thừa nhận thì những người trong cộng đồng đồng tính nói chung và đồng tính nữ nói riêng vẫn tiếp tục phải chịu áp lực từ rất nhiều phía khiến cuộc sống của họ ngày càng nặng nề.

Có rất nhiều kiểu thiếu trách nhiệm với danh dự của người khác, trong trường hợp tự đánh giá về con người hay tiết lộ bí mật của người khác, nơi một số người. Đây là một thái độ không thiện chí, không đáng được đồng cảm. Bởi đâu phải ai cũng dám sống với xu hướng tình dục của chính mình. Vì vẫn còn đó những người đồng tính nữ đang sống cam chịu, thu mình trong bóng tối và thỏa hiệp với sự giả dối của tâm hồn…

Les - được, mất những gì?

Thu Thủy (23 tuổi – Nhân viên văn phòng): “Tôi cũng đau khổ cùng cực và không muốn tin vào sự thật này... Nếu một ngày nào đó gia đình biết tôi là les thì họ sẽ nghĩ gì? Chắc chắn họ sẽ buồn hơn gấp trăm nghìn lần những gì tôi đã phải chịu đựng. Lúc này tôi cần lắm gia đình mở lòng, là điểm tựa để tôi được quay về, được ngả vai, gối lòng lúc tôi chông chênh vô hướng. Nhưng tôi vẫn chưa dám…”

Thái Hà (27 tuổi – Nha sĩ): “Đôi khi tôi muốn tặc lưỡi lấy chồng cho xong nhưng bố tôi bảo bố không muốn con lấy một người mà con không yêu thương, rồi con không được hạnh phúc”. Khi tôi nói với mẹ sự thật, mẹ cho rằng tôi đang lầm tưởng, ngộ nhận và mọi chuyện đều có thể thay đổi. Dù tôi không hợp với mẹ, không nói chuyện và chia sẻ được nhưng tôi vẫn không muốn mẹ buồn lòng. Hay tôi sẽ lấy một “gay” (đồng tính nam) để che mắt thiên hạ, để mỗi người được sống thật với tình yêu của mình. Đó có phải là giải pháp hoàn hảo không?”

Giáng Ngọc (19 tuổi – Sinh viên): “Giới tính với tôi không quan trọng. Tôi là con trai hay là con gái hay là gì đi nữa, có xu hướng tình dục với khác giới hay cùng giới không quan trọng. Nhưng có một điều chắc chắn rằng khi tôi công khai giới tính của mình với mọi người thì tôi sẽ phải nhận một đống phiền hà vào người. Đó là điều khiến chúng tôi “đóng” lại chứ không phải do mặc cảm. Không biết sau này thế nào nhưng giờ tôi sống rất tự do, thoải mái với chính mình”.

Dương Nhã (22 tuổi – Thư ký): “Chủ đề đồng tính nữ hiện rất ít được đề cập đến và gần đây, cũng có nhắc tới trong Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, nhưng vẫn còn là định kiến. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng người Việt Nam mình không cực đoan. Thực tế là nhiều người đã nhìn nhận mọi chuyện một cách khoan dung và tương đối cởi mở…”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Song Nam (Vnmedia)
Les và những bí mật thầm kín Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN