Ước nguyện của người vợ là được hiến mắt cho chồng
Chiến tranh đã vĩnh viễn cướp đi đôi mắt của người chồng. Từ ngày chung chăn chung gối, bà ấp ủ hiến một mắt cho ông để có cơ hội cùng ngắm những đứa con, cùng thong dong đi dạo phố mà chưa thành hiện thực.
Vợ kiêm tài xế
Tình cờ, bà Song đọc được những dòng nhật ký người yêu viết: “Mình đã mất đi đôi mắt, đến với mình cô ấy sẽ khổ. Lý trí mình khuyên cô ấy rời, còn con tim thì bảo không”. Bà hiểu sự mâu thuẫn trong con người ông, không đắn đo suy nghĩ, bà nguyện gắn bó với người đàn ông mù đến hết đời.
Nhìn lại quãng thời gian 40 năm gian khó có nhau họ mỉm cười mãn nguyện. Ảnh: Ngọc Thi
Ngày cả hai về thưa chuyện với bố mẹ hai bên, gia đình nhà gái thương cảm với chàng trai bất hạnh nhưng họ không tin tưởng để gửi gắm cô con gái bé bỏng. Hơn nữa, con gái của họ là một kỹ sư mới ra trường, nhan sắc xuân ngời, hoàn toàn có cơ hội để gắn bó với những người có điều kiện hơn.
Ngăn cản như vậy, biết cô con gái một khi đã quyết thì khó thay đổi, hai nhà làm mấy mâm cỗ nhỏ tuyên bố chính thức đôi bạn trẻ nên nghĩa vợ chồng. Cả hai dọn về sống tại quê nhà Thanh Hóa. Ngày đăng ký kết hôn cả hai mới biết họ cùng sinh 2/2/1951.
Để có tiền trang trải cuộc sống, ngày đi làm nhà máy, tối đến nhận lạc về bóc kiếm thêm đồng nào hay đồng đó, bà Song còn nuôi lợn, trồng rau cải thiện kinh tế. Thiếu thốn đủ bề, bà Song một mình cáng đáng. Bán con lợn thứ nhất bà mua cái bàn, bán con thứ hai bà mua xe đạp… Khổ cực vậy nhưng họ vẫn vui vẻ, hạnh phúc.
Nỗi khổ do gánh nặng kinh tế mang lại có lớn đến mấy bà cũng không một lời ca thán. Một lần nữa ông trời thử thách vợ chồng trẻ, đứa con gái đầu lòng ảnh hưởng chất độc màu da cam từ người chồng, sinh ra câm điếc bẩm sinh, nằm oặt một chỗ.
Chồng không nhìn thấy, con gái không nói được, người phụ nữ đó thèm lắm một tiếng gọi mẹ. Ước muốn làm mẹ của những đứa trẻ lành lặn dường như đóng sập. Khiếm khuyết của cô con gái đầu lòng khiến bà sợ hãi để sinh đứa bé tiếp theo.
Phải mất một thời gian dài ổn định tinh thần, ông bà mới quyết định sinh con tiếp. Khó diễn tả bằng lời, chỉ biết rằng ngày đón cậu con trai thứ hai lành lặn, khỏe mạnh, hạnh phúc của họ hòa lẫn tiếng cười, nước mắt.
Mất mấy năm ổn định sức khỏe, ông Thành bắt đầu theo lớp học chữ nổi tại địa phương. Đem ý định lập hội người mù ấp ủ bao ngày nói với người vợ, bà vui mừng ủng hộ. Không ai hết, chính bà là người đèo chồng trên chiếc xe đạp cũ đến các sở, ban, ngành, nhà cán bộ cốt cán trong tỉnh xin ý kiến chỉ đạo.
Với những cố gắng của cả hai vợ chồng ông bà, Hội người mù thị xã Thanh Hóa ra đời với 20 thành viên rồi sau này phát triển trở thành Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa. Ông trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội người mù Thanh Hóa. Rồi được tín nhiệm bầu vào giữ vị chí Phó Chủ tịch Trung ương Hội người mù Việt Nam suốt 14 năm. Nay, ông lên chức Chủ tịch.
Ước nguyện lớn nhất của bà Song là chia sẻ một bên mắt cho người chồng của mình để cùng ngắm con cháu, ngắm chúng lớn lên, trưởng thành, dựng vợ gả chồng… “Tôi ước được hiến mắt cho chồng nhưng đến bệnh viện họ đều từ chối vì khả năng thành công thấp”, bà cho biết.
Người phụ nữ nào cũng mong muốn có một người chồng để che chở. Con bà, từ ngày lấy chồng xác định mình là trụ cột gia đình, một tay chăm chồng, nuôi con khôn lớn. Vậy mà , người phụ nữ đó chưa bao giờ ân hận về quyết định của mình.