Tỷ phú từ bỏ tài sản theo đuổi người phụ nữ quê mùa

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Trung Quốc - Trong một lần về nước, doanh nhân gốc Hoa Diêu Nam Sơn phải lòng người phụ nữ nông thôn Lưu Lệ Quyên khi được bà mời bát mỳ giản dị.

Mùa hè 2013, ông Diêu Nam Sơn cùng đoàn của mình đến thăm khu du lịch ruộng bậc thang Vân Hòa, tỉnh Chiết Giang. Ông bị trễ xe, đành nghỉ lại một nhà hàng nhỏ trên núi. Chủ quán, bà Lưu Lệ Quyên thấy khách đói, xuống bếp nấu bát mì nóng hổi.

Ông Diêu là chủ một chuỗi nhà hàng 30 năm ở Tây Ban Nha nhưng bát mì giản dị trong ngày mưa lạnh khiến ông xúc động.

Ông Diêu và bà Lý tại làng Vân Hòa, tỉnh Chiết Giang. Ảnh: QQ

Ông Diêu và bà Lý tại làng Vân Hòa, tỉnh Chiết Giang. Ảnh: QQ

Qua trò chuyện, doanh nhân này biết bà Lý sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó. Năm 19 tuổi, bà lấy chồng nhưng không có con nên nhận nuôi một đứa trẻ mồ côi. Cô bé mắc chứng chèn ép dây thần kinh chân, tốn 100.000 tệ phẫu thuật. Năm 2010 khi chạy chữa cho con xong, chồng bà phát hiện mắc ung thư dạ dày giai đoạn cuối, một thời gian sau qua đời. Bà Lý từ đó một mình nuôi con và trả khoản nợ lên tới 200.000 tệ.

"Kể về những khó khăn đã qua, bà ấy vẫn bình thản như thể sóng gió cuộc đời chưa từng ảnh hưởng, khiến tôi rất ấn tượng", ông Diêu chia sẻ.

Ông Diêu rời quê hương sang Tây Ban Nha lập nghiệp từ năm 38 tuổi. Sau một năm, ông mở được nhà hàng tại đây. Khi cuộc sống ổn định, ông đón vợ con, người thân sang đoàn tụ, sự nghiệp ngày càng phát triển. Song đúng lúc ông định nghỉ ngơi thì người vợ qua đời, đầu năm 2002.

Kể từ đó ông Diêu lao vào công việc để quên đi nỗi cô đơn. Vào thời điểm gặp bà Lý, ông đang trong chuyến công tác về quê khảo sát địa điểm cùng bạn xây nhà máy.

Sau lần gặp mặt tình cờ, ông Diêu xin số liên lạc của bà. Một tuần sau ông quay trở lại gặp, bày tỏ mong muốn được gắn bó trong những năm tháng cuối đời và trả nợ giúp. Nhưng bà Lý từ chối. "Đây là những khoản nợ tôi phải tự trả, đời tôi không hết thì con gái trả tiếp. Chỉ khi trả hết nợ, chúng tôi mới có thể ngẩng cao đầu", bà nói.

Nhìn người phụ nữ mạnh mẽ và lạc quan, ông Diêu cảm thấy nể phục và quyết định sẽ từ bỏ tất cả, về nước sống cùng bà. Ông nói có việc cần giải quyết nên sẽ không thể đến thăm trong một thời gian dài. Thực chất, ông trở lại Tây Ban Nha thông báo cho gia đình và giao lại toàn bộ gia sản cho ba người con quản lý.

Các con ông mong muốn cha có người phụ nữ bầu bạn tuổi già, nhưng biết "ý trung nhân" của ông là một phụ nữ ngũ tuần, quê mùa, họ có chút lo lắng. Con cái ông cũng không nỡ để cha tuổi già không thể ở bên phụng dưỡng. Nhưng ông Diêu vẫn kiên quyết bày tỏ mong muốn được sống với bà Lý trên mảnh đất quê hương.

Xong xuôi công việc, ông vội vã trở về. Lần này, trước tấm lòng của người đàn ông theo đuổi mình bấy lâu, bà Lý đồng ý. Vì bà không muốn rời làng ở trên núi, trong khi nhà máy vẫn còn nhiều việc, nên ông Diêu phải kết hợp đi về. Bất cứ khi nào ổn thỏa công việc, ông lại lên núi chăm sóc và san sẻ công việc cửa hàng với bà.

Cuộc sống của họ cứ thế trôi qua cho đến ngày báo chí tìm ra thân thế của ông Diêu và câu chuyện "tỷ phú yêu phụ nữ nông thôn" lan truyền khắp các trang mạng.

"Lâu nay tôi chỉ biết ông ấy làm ăn ở nước ngoài đã lâu nhưng không ngờ là tỷ phú", bà nói. Bà Lý không hiểu tại sao người đàn ông giàu có như vậy lại yêu mình. Qua điện thoại, ông Diêu nói: "Anh có vài nhà hàng ở Tây Ban Nha và một số bất động sản trong và ngoài nước không rõ giá trị bao nhiêu. Anh đã giao lại mọi việc kinh doanh cho các con, giờ chỉ muốn được sống hạnh phúc bên em".

Mất nhiều thời gian suy nghĩ, cuối cùng bà đồng ý tiếp tục mối quan hệ với điều kiện không đăng ký kết hôn. "Tôi sợ ảnh hưởng đến mối quan hệ cha con ông ấy trong việc thừa kế tài sản, cũng không muốn bị phụ thuộc", bà chia sẻ.

Từ lâu, bà đã mơ ước mở một nhà nghỉ nhưng chưa tìm được địa điểm phù hợp. Với con mắt của một doanh nhân, ông Diêu nhìn ra không nơi nào đẹp hơn ngôi nhà cũ bên ruộng bậc thang của bà. "Nếu cải tạo, ngôi nhà cũ chắc chắn sẽ thu hút khách", ông nói. "Vì em cứ cự tuyệt giúp đỡ, nên lần này hãy để anh được giúp em thiết kế".

Ruộng bậc thang Vân Hòa đã có lịch sử 1.000 năm, với tầm nhìn tuyệt vời, đặc biệt trong những ngày mưa. Lúc này hơi nước từ sông suối bốc lên qua các thửa ruộng bậc thang, tạo nên một khung cảnh mộng mơ, như lạc vào xứ sở thần tiên.

Ông Diêu đã cải tạo ngôi nhà cũ và đặt tên là "Trạm dừng chân ruộng bậc thang". Trong thời gian xây dựng, bà Lý vừa lo cơm nước cho thợ vừa quản lý cửa hàng, sụt cả chục kg. Ông Diêu xót xa, nhưng bà nói: "Em đã rất biết ơn rồi. Kiếp này có anh bên cạnh, em mãn nguyện".

Ông Diêu và bà Lý tại ngôi làng Vân Hòa, huyện Vân Hòa, tỉnh Chiết Giang. Ảnh: QQ

Ông Diêu và bà Lý tại ngôi làng Vân Hòa, huyện Vân Hòa, tỉnh Chiết Giang. Ảnh: QQ

Đầu tháng 10/2015, "Trạm dừng chân ruộng bậc thang" khai trương. Ông và bà tất bật nấu nướng, đón khách. Cuối năm đó, họ làm vài món ăn, mời vài người thân đến chứng kiến, coi như đã làm đám cưới.

Đến nay đã hơn 10 năm bên nhau, bà Lý chăm chỉ kinh doanh nhà nghỉ, trả hết nợ. Còn ông Diêu dốc lòng cho sự phát triển của nhà máy và giúp đỡ bà con xóm giềng. Khi gánh nặng trút bớt, cặp vợ chồng lục tuần dành nhiều thời gian hơn đi ngắm phong cảnh đất nước.

Nguồn: [Link nguồn]

Yên Bái - Góa chồng 17 năm chị Xuân đã từ bỏ ý định đi bước nữa cho đến ngày người đàn ông Pháp xuất hiện, mang tình yêu và cuộc sống mới cho mẹ con chị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Nhiên (Theo QQ) ([Tên nguồn])
“Cặp đôi đũa lệch” giờ ra sao? Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN