Tỷ phú trẻ làm giàu từ than củi trấu
Từ 2 bàn tay trắng, giờ đây anh Dũng đã thu lãi được 3 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 16 nhân công lao động.
Từng tốt nghiệp khoa Quản Trị kinh doanh tổng hợp của trường Đại học Kinh tế Quốc Dân, có công việc ổn định, thu nhập với mức khá song anh Nguyễn Hữu Dũng ( Bắc Ninh) lại từ bỏ tất cả để quay về quê để lập nghiệp với hai bàn tay trắng.
Anh Dũng đang cầm một sản phẩm than củi trấu hoàn chỉnh
Những quyết định táo bạo
Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Nguyễn Hữu Dũng (làng Mỹ Xuyên - xã Mỹ Hương - Lương Tài - Bắc Ninh) đã có quyết định táo bạo khi rời khỏi sự bao bọc của gia đình để vào Sài Gòn lập nghiệp.
Môi trường làm việc mới, sự cần cù và phấn đấu không ngừng đã cho anh những cơ hội thăng tiến trên con đường sự nghiệp mới.
Làm việc được hơn một tháng tại Sài Gòn, anh Dũng được chuyển ra trụ sở chính của công ty tại Đà Nẵng, gắn bó được một năm anh lại trở về Hà Nội xin làm việc tại một công ty xây dựng.
Tưởng chừng như sự nghiệp của anh Dũng được đặt nền tảng ở đây thì quyết định lần thứ hai của anh khiến cho không chỉ gia đình, người quen mà cả bạn bè đều thấy bất ngờ, đó là khi anh bỏ công việc tốt tại Thủ đô để trở về quê làm giàu với hai bàn tay trắng.
Anh Dũng chia sẻ:” Mình muốn về quê chỉ đơn giản với mục đích làm được điều gì đó cho quê hương và phát triển quê hương mình, để những người nông dân họ bớt khổ hơn” .
Quang cảnh cơ sở sản xuất than củi trấu của a Dũng
Chia sẻ với chúng tôi, bố anh Dũng - ông Nguyễn Hữu Dụ cho biết: "Bố mẹ muốn con được vào một đơn vị công tác nào ổn định nhưng Dũng chỉ muốn về quê, làm giàu bằng sức của mình".
Những lời bàn tán quanh quyết định về quê làm giàu của anh Dũng không ngừng xôn xao, họ băn khoăn không biết anh Dũng bắt đầu từ đâu và bắt đầu bằng việc gì để có thể làm giàu trên vùng quê nghèo chỉ quanh năm gắn bó với cây tỏi.
Tin tưởng vào con đường mình đã chọn
Sau khi tốt nghiệp được hai năm, anh Dũng không tích lũy được gì, quay trở về quê với hai bàn tay trắng, sự quyết định táo bạo đầu tư máy ép trấu thành củi khiến nhiều người nghi ngờ về tính khả thi.
Đầu tư số vốn ít ỏi bằng cách kêu gọi, vay mượn bạn bè, người thân. Ngay khi gom được số tiền kha khá, anh Dũng đã quyết định vào Huế để mua chiếc máy ép trấu trị giá gần 70 triệu đồng.
Hào hứng với công việc mới đầy thử thách, anh Dũng bắt tay vào quy trình sản xuất trấu ép thành than củi. Nhưng công việc không được suôn sẻ như mong đợi, 50% số sản phẩm trấu ép thành củi đều bị hỏng. Mặc dù đối mặt với khó khăn, thất bại nhưng anh Dũng vẫn quyết tâm đi theo con đường mình đã chọn.
Công việc mới ban đầu chưa quen khiến anh Dũng gặp không ít khó khăn. Có những lần máy hỏng, anh phải thức thâu đêm sửa máy để kịp cho công nhân làm vào buổi sáng hôm sau hay có những khi tay chân lấm lem dầu mỡ, quên ăn quên ngủ vì công việc khá bộn bề, bận rộn.
Anh Dũng cho biết, có buổi máy hỏng phải tháo vòng bi ra sửa hết nửa ngày và những cuộc điện thoại tư vấn xa từ Huế cũng không thể nào giải quyết được sự cố máy móc vấp phải.
Anh Dũng đã mất công lặn lội đến những cơ sở có mô hình máy ép trấu ngoài Bắc để học hỏi và nhờ tư vấn nhưng mỗi người làm một kiểu khác nhau nên anh cũng không tìm được câu trả lời cho mình. Và cuối cùng anh cũng tự mày mò và khắc phục được máy, cải tạo máy cho phù hợp với nguyên liệu cũng như cơ chế vận hành đạt hiệu quả tối ưu nhất.
Người dân phấn khởi vì có thể kiếm tiền từ việc bán vỏ trấu cho anh Dũng
Chính những khó khăn liên tiếp về máy móc đã tạo động lực cho anh Dũng cải tiến máy ép củi trấu nhưng khi đã nắm bắt được công nghệ, anh lại phải đối mặt với một khó khăn nữa...
Trong vòng 3 tháng tồn kho khoảng 300 tấn củi trấu, tương đương với số tiền là 450 - 500 triệu đồng, anh lại phải đối mặt với bài toán về môi trường tiêu thụ.
Mọi khó khăn đều có thể vượt qua và thử thách cuối cùng để dần tiến tới đích thành công không khiến anh nản lòng. Mỗi ngày anh Dũng đều vượt hàng trăm cây số để đi tới những khu công nghiệp tại những tỉnh lân cận như Nam Định, Hà Nam, Thái Bình,… thuyết phục họ dùng thử nghiệm nguyên liệu mới này.
Để có được sự thử nghiệm dùng nhiên liệu mới than củi trấu này, anh Dũng bắt buộc phải mạo hiểm thêm lần nữa khi cam kết chịu mọi tổn phí cho lần thử nghiệm này.
Và kết quả đã thành công đạt ngoài sự mong đợi. Ông chủ của một cơ sở công nghiệp đã nói với anh Dũng: "Mỗi năm chú sử dụng chất đốt than củi trấu này có thể tiết kiệm đến 2 tỷ tiền nhiên liệu so với sử dụng than đá”.
Tỷ phú trẻ kiếm tiền từ trấu
Chọn cho mình con đường lập nghiệp riêng, ở độ tuổi của anh Dũng có lẽ ít người đạt được sự thành công và vững chãi trong sự nghiệp của mình. Từ một loại phế phẩm từ ngành nông nghiệp mà ta bắt gặp ở mỗi làng quê Việt Nam là trấu, anh Dũng đã biến nhũng thứ bé nhỏ tưởng trừng vô nghĩa trở nên có giá trị kinh tế cao.
Với diện tích 700m2 cùng một chiếc máy ép trấu và sản suất khoảng 200 tấn củi trấu mỗi năm, anh Dũng thu lãi được 3 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động chính và 6 lao động thời vụ với mức lương khoảng 3,5 triệu đồng/ tháng.
Hiện tại cơ sở sản xuất của anh Dũng thu mua với giá 500 - 600 đồng/1kg trấu và bán ra thị trường 1.800 đồng/ kg than củi trấu. Việc thu mua trấu này không những giúp bà con có thêm một khoản thu nhỏ mà còn giảm tải ô nhiễm môi trường bởi khói bụi đốt từ trấu.
Cô Hàn Thị Vẻ - người dân Mỹ Xuyên (Mỹ Hương - Lương Tài - Bắc Ninh) cho biết: "Trấu trước kia cũng bị bỏ phí, còn mong người ta lấy cho, có khi toàn cho không. Từ ngày có cơ sở sản xuất của Dũng, thì trấu được thu mua với giá ổn định, bà con không vứt xuống kênh mương hay đốt như trước nữa”
Tháng 9 vừa qua, anh Nguyễn Hữu Dũng vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của lần thứ 9 và tham gia Đại hội doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh lần thứ 3. Dự định trong tương lai, anh Dũng có thể mở rộng cơ sở sản xuất và mô hình sản xuất cà rốt, một phần giải quyết đầu ra cho bà con trồng loại cây này trên chính mảnh đất quê hương.