Tưởng vớ bẫm khi đánh bại cả chục ứng viên, đi làm mới ngã ngửa vì đời không như mơ
Hụt hẫng hay thậm chí thấy mình như "bị lừa" là cảm giác của nhiều người khi đi làm thì phát hiện công việc thật phải làm không hề như phần mô tả. Bạn có thể phải đảm nhiệm thêm nhiều công việc khác, áp lực và nặng nhọc hơn hay đơn giản là nhiều công việc lặt vặt ngoài tưởng tượng.
Quyết định dừng lại cũng là tự mở ra cho mình một cơ hội mới có được công việc phù hợp hơn. (Ảnh minh hoạ)
Có được một công việc phù hợp với năng lực, thu nhập xứng đáng và có môi trường phát huy chính là điều mà ai cũng mong muốn. Chật vật với hành trình tìm kiếm công việc sau một khoảng thời gian nghỉ vì lý do gia đình, cô nàng có tên T.P.L. (24 tuổi, Bắc Giang) những tưởng đã tìm được nơi gắn bó lâu dài, nào ngờ khi đi làm mới biết chuyện không như những gì cô tưởng.
"Ở đây có ai mới đi làm mà cảm thấy như "bị lừa" giống em không ạ?
Em đi làm được hơn 1 năm thì phải nghỉ vì gia đình có chút chuyện. Sau một thời gian sắp xếp thì em quyết định đi làm lại vì nhiều lý do. Dính đúng đợt ảnh hưởng COVID-19 nên hành trình tìm việc của em khá khó khăn. Em "rải" hồ sơ khá nhiều, đi phỏng vấn không ít và rồi "chốt" ở công ty này. Để có ngày mặc đồng phục đi làm ở đây, em đã phải trải qua 3 vòng phỏng vấn, vượt qua cả chục ứng viên, những tưởng đã tìm được "bến đậu".
Ai ngờ vừa ở buổi đầu tiên đi làm, em đã choáng vì công việc thực sự mình phải làm không hề giống những gì mô tả trong phần đăng tuyển. Gần như em phải kiêm 2 vị trí, công việc thì nhiều mà lại có 1 vị trí không phải chuyên ngành của em. Khoan nói đến chuyện lương vì thu nhập không tồi, so với đảm nhiệm 2 việc thì là thấp nhưng quan trọng là mình như bị lừa ấy.
Em đi làm đến giờ là được 2 tháng rồi. Hôm vừa rồi bộ phận nhân sự báo em sang tuần ký hợp đồng chính thức mà em băn khoăn quá. Không biết mình nên tìm công việc khác hay cứ cố chịu một thời gian sẽ có điều chuyển, thay đổi gì khôn. Mọi người cho em lời khuyên với".
Tâm sự của cô nàng đi làm mới biết công việc không như mô tả của nhà tuyển dụng đã thu hút được khá nhiều sự quan tâm. Qua các bình luận, tình trạng này diễn ra khá phổ biến khi nhiều nhà tuyển dụng đăng một đằng nhưng sự thật lại một nẻo.
"Chuyện bình thường thôi mà em ơi. Các công ty toàn đăng yêu cầu thì cao vống lên, công việc phải làm thì giảm bớt đi. Quan trọng em cần xem liệu em có phù hợp với môi trường đó không. Đó có phải là một sự thử thách bản thân không, em có học được những điều bổ ích ở công việc đó không".
"Biết đâu thông qua việc này mà bạn tìm được công việc phù hợp với mình thì sao. Trước đây do tình cờ mình làm một công việc trái ngành học. Ban đầu cũng nhiều khó khăn nên nản lắm nhưng giờ càng làm lại càng thấy cuốn hơn".
"Giai đoạn này kiếm việc không phải dễ, em cứ tìm hiểu thêm xem thế nào. Nếu không muốn làm ở vị trí đó, em có thể ngắm đến những vị trí khác ở cùng công ty đó luôn. Chúc em sớm có được công việc phù hợp".
Hụt hẫng hay thậm chí thấy mình như "bị lừa" là cảm giác của nhiều người khi đi làm thì phát hiện công việc thật phải làm không hề như phần mô tả. Bạn có thể phải đảm nhiệm thêm nhiều công việc khác, áp lực và nặng nhọc hơn hay đơn giản là nhiều công việc lặt vặt ngoài tưởng tượng. Điều bạn nên làm trong tình huống này là gì?
Gặp gỡ bộ phận nhân sự hoặc cấp trên
Vì công việc thực tế không như phần mô tả khi tuyển dụng nên bạn hoàn toàn có thể đề nghị bộ phận nhân sự hoặc cấp trên sắp xếp một buổi nói chuyện. Nếu bạn cứ âm thầm chấp nhận việc phải làm những việc không đúng với mô tả công việc cùng với sự ấm ức, hiệu quả công việc rất khó đảm bảo. Bên cạnh đó, bạn sẽ khó có thể đạt được KPI cuối năm nếu có những đầu việc không nằm trong khả năng của mình. Cấp trên vì thế sẽ khó có thể đánh giá đúng năng lực của bạn.
Hãy trao đổi với bộ phận nhân sự hoặc cấp trên và đưa ra một thoả thuận thống nhất và chính thức về chức danh cùng công việc bạn phải đảm nhận thực tế.
Cho bản thân một cơ hội
Việc công ty đăng tuyển một đằng, làm việc một nẻo khiến bạn không mấy thoải mái nhưng nếu xét ở một khía cạnh khác, không phải là bạn đang có cơ hội học hỏi thêm nhiều điều sao.
Hãy dẹp những bực dọc sang một bên và bình tĩnh suy xét thật kỹ về công việc hiện tại. Hãy xem những trách nhiệm phát sinh có quá khác biệt với mô tả công việc không? Liệu bạn có thể linh hoạt đáp ứng theo nhu cầu của công ty không? Mức lương đó liệu có xứng đáng không và bạn học được những gì từ công việc đảm nhiệm thêm đó.
Cuộc sống là không ngừng học hỏi và hoàn thiện bản thân. Biết đâu đây chính là cơ hội để bạn khám phá mình, học hỏi những điều mới thì sao.
"Ngó" những vị trí khác ở cùng công ty
Nếu bạn khá thích môi trường ở công ty đó, chỉ là cảm giác không thoải mái khi bản tuyển dụng không như thực tế, hãy xem xét tới những vị trí khác còn trống trong công ty. Liệu có phòng ban nào khác phù hợp với bạn hơn không. Nếu có, đừng ngần ngại một lời đề nghị với cấp trên hay bộ phận nhân sự. Hãy nhớ rằng cấp trên luôn đánh giá cao những người biết chủ động, tự tin trong công việc.
Chuẩn bị phương án dự phòng
Bạn cần làm gì khi cảm thấy công việc không hề phù hợp, quá mệt mỏi mà thu nhập lại không tương xứng? Hãy chuẩn bị cho mình một phương án dự phòng. Sự thật là khi tâm trạng không thoải mái, bạn sẽ rất khó để tập trung cho công việc, khó mà đạt được hiệu quả cao. Quyết định dừng lại cũng là tự mở ra cho mình một cơ hội mới có được công việc phù hợp hơn.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhiều năm trước, tôi không hiểu sao các thầy giáo nam cứ gọi tôi là “cô giáo Thảo“.