Tuổi trẻ cháy hết mình cho những đam mê

Sự kiện: Những tâm sự hay

Bạn nhé hãy cháy hết mình cho đam mê vì chỉ cần có thế thì không gì là không thể.

20 tuổi, tôi đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời thấy đoạn đường phía trước trước còn lắm gian nan khó nhọc. Bao chuyện phải lo bao mục đích vẫn chưa đạt được khiến tôi mang nhiều áp lực và mệt mỏi. Dẫu thế nhưng với những khó khăn vất vả đã qua và ý chí niềm đam mê hiện tại tôi tin không gì là không thể.

Tuổi trẻ cháy hết mình cho những đam mê - 1

Tôi vẫn tự tin ngẩng cao đầu giữ vững niềm tin nhìn về phía trước (Ảnh minh họa)

Tôi vốn sinh ra ở miền quê nghèo đầy nắng và cát, nơi tuổi thơ ru ngủ bởi tiếng sóng rì rầm và dư vị mặn đậm đà mà ai đi xa cũng không thôi nhớ... Miền quê ấy với con người chân chất, thật thà sớm hôm làm lụng vất vả, tất bật bên ghe thuyền thế nhưng cuộc sống vẫn khó khăn, nghèo vẫn mãi nghèo. Gia đình tôi cũng thuộc vào diện đó, nên ngay từ khi bước sang cái tuổi 9-10 tôi đã lon ton theo má đi biển làm cá thuê cho người ta để kiếm tiền. Dưới cái nắng cháy da bỏng thịt hình ảnh cô bé thân hình gầy gầy, đội chiếc nón tời đã lốm đốm chấm đen, bê từng vỉ cá ra phơi khiến tôi không bao giờ quên được. Cái tên Nhỏ hẳn cũng từ đó mà ra, phải chăng khó khăn vất vả quá nên tôi không lớn nổi?

Ngày qua ngày, mùa chuyển tiếp mùa tôi vẫn bận rộn với công việc như một cỗ máy, một buổi đến trường một buổi phụ má làm thêm để kiếm tiền trang trải chi phí nhỏ trong gia đình. Những ngày biển động không đi làm cá tôi ở nhà nhận cá cơm khô về bỏ đầu. Một thùng hai mươi mấy kí chỉ nhận được khoảng 30 nghìn vậy mà với tôi số tiền ấy lớn biết nhường nào. Cầm đồng tiền vất vả tự tay làm nên tôi mừng hết biết dẫu để có được nó tôi phải ngồi cả buổi chiều cặm cụi mờ mắt mỏi rã chân tay.

Cuộc sống nghèo đói cái ăn luôn là nỗi lo lớn. Ngày mùa đông khốn khó, túng thiếu vì không đi đánh bắt hải sản được nên bữa cơm gia đình khá đạm bạc, quanh đi quẩn lại cũng vài đọn rau khoai hay ngọn bí luộc với ít cá cơm rang. Sinh ra đã bị cái nghèo đeo bám nên tôi sớm ý thức được nỗi vất vả của ba mẹ vẫn luôn tự nhắc nhở mình không đua đòi phải cố gắng học mong một ngày nào đó làm ra thật nhiều tiền để xóa cảnh nghèo đem lại cuộc sống sung túc cho gia đình. Nhiều lần nhìn cái Hiền, cái Thảo bận quần áo mới có cặp sách đẹp tôi tủi thân để những giọt nước mắt trong suốt đỏng đảnh cứ được dịp lăn dài trên bờ má. Nhưng càng buồn trước cảnh nhà bao nhiêu càng thôi thúc tôi cố gắng nhiều bấy nhiêu. Kết quả sau những nỗ lực là luôn đạt được danh hiệu học sinh khá giỏi suốt 12 năm và thời tiểu học còn tham gia và giành giải văn cấp tỉnh. Tôi còn nhớ bài viết tả về đôi dép có đoạn "dép đứt, nhà nghèo tôi không dám vòi vĩnh tiền má để mua đôi mới chỉ lẳng lặng giấu mang kim chỉ ra sau nhà vá lại đi đỡ cho hết năm. Chính đôi dép với đường chỉ cong vẹo tạo bởi đôi tay non yếu đã giúp tôi qua chuỗi ngày mưa nắng đến trường". Cái nghèo phải chăng đã nhuộm cả tâm hồn trong veo của đứa trẻ?

Niềm vui của một thời trẻ trâu lên ba lên bảy là được ai đó thưởng cho cái kẹo, que kem hay vài đồng tiền lẻ mua ít quà ăn vặt thế là đủ hạnh phúc mà nhảy cẫng lên reo vui thích thú. Ấy vậy mà đứa trẻ như tôi phải gọi là "kiết" khi luôn tích góp từng đồng nuôi heo đất chỉ với mong ước nho nhỏ là đến ngày khai trường tôi có chút đỉnh tiền mà mua vài đồ dùng lặt vặt. Mong ước ngây thơ đó đã theo tôi mãi đến lớn. Thế nhưng tiền dành dụm biết bao nhiêu cho đủ khi ngưỡng cửa đại học quá rộng lớn mà nhà tôi thì lại quá nghèo. Ngày đó, má đã phải thắt lưng bó bụng bán đi bầy heo vẫn còn ngậm sữa và vài con gà choi choi má từng kêu là để dành đám giỗ ông, mà lấy tiền đóng học phí cho tôi. Nhìn cảnh má tất bật lo chuyện tiền nong mà nước mắt tôi lưng tròng.

Trước lúc ra thành phố má nắm tay tôi căn dặn đủ điều: "Ra đó gắng mà học, ăn uống đầy đủ vô, khi nào hết tiền gọi về má gửi ra, đừng có nghĩ là không có tiền mà không dám ăn rồi ốm yếu học không được nghe không". Nắm bàn tay chai sạn vì năm tháng bon chen giữa đời nuôi tôi ăn học tôi thấy thương má nhiều, tôi tự nhủ nhất định phải học thật tốt.

Tạm biệt má, tạm biệt quê hương vẫn còn đó những con người trên đôi mắt sâu thẳm, đăm chiêu vẫn hằn lên nỗi lo cơm áo, tôi ra đi mang theo bao ước mơ hoài bão và cả hi vọng của ba má. So với bạn bè cùng lứa ở quê chọn cách học cao đẳng hay trung cấp mầm non, tiểu học vừa nhanh ra trường vừa dễ có việc ở miền núi lại ít tốn kém chi phí thì tôi lại chọn cho mình con đường đại học. Ngưỡng cửa đại học từ lâu vốn là niềm khao khát thường trực trong tôi và nghề báo là ước mơ tôi khao khát chạm đến. Lâu đài mơ ước đã được xây khá bền bỉ trong trái tim tôi chỉ vì câu chuyện tình cờ vô tình lướt qua cuộc đời. Một cậu bé mắc chứng bệnh hiểm nghèo nhờ bài báo đăng của cô giáo trẻ đã đưa cậu trở lại với cuộc đời khi bước chân sắp chạm bờ vực thẳm. "Kì diệu đến vậy sao?" - tôi tự hỏi mình khi lần đầu tiên thấy trong đời thực vẫn có phép màu như trong câu chuyện cổ tích xa xưa của bà hay kể. Tôi đã yêu cái nghề cao cả đó và trong tôi vẫn nuôi hi vọng một ngày nào đó dưới ngòi bút nặng nghĩa tình tôi sẽ đem lại hạnh phúc cho con người, người bất hạnh và nghèo khổ. Mọi người vẫn hỏi "thi rồi có đậu không?  Ra trường rồi biết ai xin cho mà làm? Vả lại học cả 4 năm trời tiền đâu ba má bây lo cho nổi". Ấy thế nhưng tôi vẫn kiên quyết với ý nghĩ táo bạo rằng tôi sẽ đậu, sẽ vừa học vừa làm, tự lo mà không để ba má phải bận lòng thêm.

Thế đấy cái nghị lực sắc bén ấy cuối cùng cũng được đáp trả. Tôi đã chọn, cũng đã đậu và cũng bận rộn tối ngày với việc làm thêm theo lời "thề ước". Thế nhưng mọi thứ đâu đơn giản vậy. Niềm vui đậu đại học vừa chớm nở, công việc làm thêm vừa mới khởi đầu thì tin ba bị đau cột sống phải đi mổ như tiếng sấm nổ lớn bên tai. "Má à con có thể đôi lần nhịn ăn mà đổi lại mua sách để học đôi lần không ngại mưa ngại gió đạp xe đến chỗ làm thêm cách nơi con hơn 3 cây số để kiếm tiền và con có thể ngậm ngùi chịu lời chê bai của bạn bè khi mặt đồ cũ, rách... nhưng con không thể để hai đứa em con cũng rơi vào hoàn cảnh ấy". Những lần nghĩ là những lần tôi chỉ biết ngước mặt lên trời để nuốt vào trong những giọt cay giọt đắng vị đời (lần đầu tiên ném vị nước mắt và thấy mặn đến thế). Biết phải làm sao khi cơ thể ba không đủ mạnh mẽ như thuở nào để vượt sóng kéo từng mẻ lưới cá nuôi lớn ước mơ tụi con thơ, khi đôi vai má giờ ngày một yếu đi đâu thể gánh nổi trọng trách gia đình trong khi đứa con cả này vẫn chưa làm được gì. Má vẫn động viên đấy, thầy cô bạn bè cũng khuyên nhủ đấy nhưng tôi không thể nào làm khác được.

Tạm gác ước mơ, gác niềm đam mê và hi vọng trong nỗi đau khôn tả tôi lăn xả vào công việc làm thêm. Từ ôsin đến làm tạp vụ nhà hàng.. tôi bận rộn với công việc không khi nào nghỉ tay. Một năm sau, khi bệnh của ba đã đỡ, quán mì của má cũng buôn bán được thuận lợi và em tôi vẫn được theo học nhờ số tiền hằng tháng tôi gửi về, tôi cảm thấy nhẹ nhàng phần nào. "Sẽ theo học và tiếp tục theo đuổi ước mơ chứ Hiền?"- câu hỏi vu vơ của đứa bạn như xoáy sâu vào trái tim tôi. Hòn than bấy lâu bị vùi trong đống tro không ngờ vẫn còn âm ỉ cháy để rồi giờ đây nó đốt cả vùng trời. Ừ, tôi sẽ bước tiếp con đường đã chọn, dù so với mọi người tôi đã đi chệch một vòng khá xa và lớn. Ôn thi, tiếp đó là thi và tiếp theo nữa là dấn thân vào làm báo - điều ước cuối cùng là đem lại hạnh phúc cho mọi người đặc biệt là gia đình tôi. Sau bao thăng trầm và biến cố chợt nhận ra cố gắng thôi là chưa đủ phải gọi là quyết tâm mới có thể đi đến tận cùng.

Giờ đây tôi đã là sinh viên năm hai của trường đại học mà bao người mơ ước, tôi vẫn tự tin ngẩng cao đầu giữ vững niềm tin nhìn về phía trước.

"Niềm tin chiến thắng sẽ đưa ta đến bến bờ vui"... Câu hát ấy vẫn thầm khẽ cất cao trong trái tim tôi những lúc yếu lòng. Bạn nhé hãy cháy hết mình cho đam mê vì chỉ cần có thế thì không gì là không thể.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hiền Thu ([Tên nguồn])
Những tâm sự hay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN