Tuổi thơ bên hàng cau trước nhà
Mỗi khi xa quê, tôi lại nhớ hàng cau phủ rợp màu xanh ở lối đi trước nhà.
Quê hương tôi có mái nhà tranh đơn sơ nằm lọt thỏm trong cánh đồng lúa bát ngát, nơi có những bờ kênh gập ghềnh vẫn còn in hằn những vết chân chim tôi đi qua, là xứ sở của những cây cầu tre lắc lẻo đi vào câu ca điệu hò ngân nga…và không biết tự bao giờ, từ khi sinh ra và lớn lên tôi đã thấy hàng cau tồn tại ở đó như sự biến thiên của tạo hóa đã sinh ra chúng.
Hàng cau vẫn đứng hiên ngang vun vút như che chở, như bảo bọc cho túp liều tranh đơn sơ. Tất cả những hình ảnh đó như tạo thành bức họa đồng quê tuyệt đẹp. Nơi ấy đã gắn bó với tôi cả một thời thơ ấu ngây thơ vụng dại.
Trầu cau là thứ sính lễ không thể thiếu trong các lễ cưới của người Việt (Ảnh minh họa)
Mỗi khi xa quê, tôi lại nhớ hàng cau phủ rợp màu xanh lối vào vẫn âm thầm lặng lẽ dang những “cánh tay” như đón chào những vệt nắng sớm bình minh len lỏi qua từng kẽ lá chiếu xuyên qua tán cây bên cạnh, lá cau xòe ra tựa như lông chim đang khiêu vũ hòa cùng tiếng hót của những chú chim non…những mảng rễ cứng cáp của hàng cau như nếp gân của những thanh niên rắn rỏi, lực lưỡng ngày đêm vẫn bám thật chặt với đất để có thể trụ vững và phát triển.
Trong cái nắng mùa thu le lói, hoa cau tỏa ra một mùi hương dìu dịu, màu hoa cau trắng tinh khôi bám trên những sớ cây dài để rồi một thời gian sau, hoa sẽ rụng xuống và kết thành trái. Đến khi trái to tròn đầy thịt bằng quả trứng cút, mẹ tôi thường sai tôi leo lên cây hái xuống để biếu cho những cụ già trong làng.
Thấy hàng cau tạo vẻ mỹ quan cho ngôi nhà, mẹ tôi đã mua vài dây trầu bà về trồng. Độ hai tháng, lá trầu bà leo bám lên những thân cau nhìn rất bắt mắt. Nhìn chúng, tôi liên tưởng đến hình ảnh trầu cau và tản đá đã đi vào thơ ca, truyện cổ tích Việt Nam. Lá trầu quấn quanh thân cau bên tản đá để minh chứng cho tình nghĩa anh em thắm thiết, vợ chồng son sắt.
Cây cau gắn với tôi cả một thời thơ ấu hồn nhiên với hình ảnh người bà tóc đã bạc phơ ngồi hí hoáy bên chiếc cối giã trầu. Bà nâng niu chiếc cối đến mức lúc nào cũng mang theo bên mình và giữ cho chiếc cối luôn sáng loáng như một kỉ vật quý giá của đời mình. Và tôi không thể nào quên được hình ảnh người bà ngồi nhai trầu có chiếc môi đỏ thắm như con gái tuổi đôi mươi. Những hình ảnh đó như in sâu trong tâm thức tôi mà mỗi lần nhìn lên cây cau, bóng dáng bà lại hiện lên trong mắt tôi.
Trầu cau là thứ sính lễ không thể thiếu trong các lễ cưới của người Việt. Chính vì thế vào mỗi dịp cưới hỏi ở làng, người ta thường lui tới nhà tôi để mua những buồng cau làm sính lể đem về nhà dâu. Buồng cau được đặt trên mâm cỗ trịnh trọng được dán tem có chữ song hỷ với ý nguyện đôi trẻ sẽ sống với nhau đến răng long đầu bạc. Nhìn buồng cau nhà tôi được làm món sính lễ cho lễ hỏi càng làm cho tôi thêm phấn khởi và thích thú. Tôi còn nhớ mỗi độ đi rước dâu, đám cưới nào cũng không thiếu vắng sự hiện diện của tôi.
Cây cau gắn với tôi là cả một kỉ niệm đẹp về thời thơ ấu. Đối với tôi, nó như người bạn thân, là một thành viên của gia đình. Nó rợp bóng mát trước hiên nhà cho những ngày oi bức, khó chịu; nó mang lại nguồn thu nhập khi có mỗi dịp cưới hỏi; nó mang lại vẻ đẹp cho ngôi nhà tôi... Chính vì vậy, hàng cau sẽ luôn luôn là người bạn đồng hành cùng gia đình tôi và sẽ trường tồn theo từng năm tháng…