Từ trường làng đến nhà khoa học Việt hàng đầu nước Úc: "Cần cù bù thông minh"
TS Nguyễn Trọng Hiếu là một ứng viên sáng giá cho Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2021 trong lĩnh vực Nghiên cứu khoa học. Anh đã chia sẻ về quá trình du học và lập nghiệp ở nước ngoài.
Sau nhiều nỗ lực ở ĐH Bách khoa TP.HCM, Hiếu giành học bổng đi Mỹ vào năm thứ 4 đại học.
TS Nguyễn Trọng Hiếu hiện là nghiên cứu viên, giảng viên cao cấp ngành Năng lượng điện Mặt trời tại ĐH Quốc gia Australia. TS. Nguyễn Trọng Hiếu đã có 72 công bố trên tập san quốc tế, sáng lập và quản lý 2 phòng thí nghiệm quang học tại ĐH Quốc gia Australia.
Đầu năm 2021, nhóm nghiên cứu của anh được Cơ quan Năng lượng Tái tạo Australia cấp tài trợ 1 triệu AUD (hơn 17 tỷ đồng) cho dự án phát triển pin Mặt trời thế hệ mới.
Trong khi đa số các nghiên cứu tập trung vào việc cải thiện chất lượng của phần lõi bên trong pin Mặt trời, anh Hiếu lại trăn trở về việc cải tiến lớp màng mỏng bên trên của pin để tăng hiệu suất. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu của anh còn tập trung vào các phương pháp đo đạc ngay từ những khâu đầu tiên để phát hiện ra các lỗi trong pin.
Phương pháp đo đạc này được rất nhiều trường đại học và viện nghiên cứu trên thế giới sử dụng như Đại học New South Wales, Đại học Sydney, Phòng thí nghiệm Năng lượng tái tạo quốc gia Hoa Kỳ,…
Từ trường làng đến nhà khoa học Việt hàng đầu nước Úc
Xuất phát từ gia đình không mấy khá giả và học ở một ngôi trường nhỏ của tỉnh An Giang nhưng Hiếu luôn ấp ủ được bước chân vào một ngôi trường danh tiếng thế giới.
Ngay từ năm nhất đại học anh đã có ý định tìm học bổng du học, để bước vào cánh cửa 1 trường đaị học danh tiếng trên thế giới. Khó khăn lớn nhất là ngoại ngữ vì Hiếu từ trường huyện nên tiếng Anh chưa ổn. Vì thế, Hiếu đã bỏ ra khoảng 1 năm để luyện chứng chỉ B anh văn ở trường đại học vì học phí rất rẻ. Sau đó, luyện thi TOEFL. Còn về phương diện học tập trên giảng đường, Hiếu không lo lắng lắm vì có thể tự học được. "Nếu không được học bổng đi Úc, chắc mình sẽ tiếp tục nộp cho các trường ở các nước khác như Mỹ, Anh, Canada,... chứ không từ bỏ ước mơ du học."
Nhắn gửi đôi lời đến những bạn trẻ vẫn đang khó khăn trong việc xác định và định hướng lĩnh vực mình theo đuổi, Hiếu khẳng định “Cần cù bù thông minh”. Phải luôn cố gắng học hỏi, tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm của người đi trước. Khi đã lựa chọn thì quyết tâm đi theo con đường mình mong muốn theo đuổi. Có một mục tiêu trước, sau đó đi từng bước một để chinh phục. Nếu thành công chưa đến ngay cũng không nản chí, không bỏ cuộc.
Chia sẻ về lý do chọn nghiên cứu lĩnh vực năng lượng mặt trời, Hiếu cho biết thành phần chính của pin mặt trời chính là vật liệu bán dẫn, mà nền tảng kiến thức của anh cũng là về vật liệu bán dẫn, nên anh quyết định đi theo hướng nghiên cứu vật liệu bán dẫn cho pin mặt trời. Nếu lựa chọn lại, chắc anh cũng đi theo hướng pin mặt trời do tầm quan trọng và độ hot của lĩnh vực này.
Hành trang mang theo là tính tự lập và lòng quyết tâm
Quá trình Hiếu lập nghiệp ở nước ngoài cũng có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Khi ra nước ngoài, nhất là các nước tiên tiến, mình sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với các máy móc công nghệ cao, gặp những người đầu ngành trong lĩnh vực của mình, môi trường làm việc tốt, v.v. từ đó có thể học hỏi nhiều và nhanh hơn. Về mặt khó khăn cũng rất nhiều: văn hóa, ngôn ngữ, khí hậu (nhiều nơi cực kỳ lạnh),... Quan trọng là biết mình muốn gì và có chấp nhận đánh đổi một vài thứ nào đó cho những thứ khác quan trọng hơn hay không.
Với các bạn trẻ muốn ra nước ngoài học tập và sinh sống, theo Hiếu hành trang đầu tiên khi ra nước ngoài là tính tự lập và quyết tâm.
Chia sẻ về quãng thời gian khó khăn lúc mới du học, Hiếu cho biết, khả năng tiếng Anh của bản thân chưa tốt vào thời điểm đó, ý kiến của Hiếu thường không được đánh giá cao trong các buổi thảo luận nhóm với sinh viên bản xứ. Nói gì họ cũng cứ bác bỏ, làm Hiếu rất quê và ấm ức mặc dù Hiếu biết kiến thức của mình cũng không thua gì họ. Chuyện đó làm cho Hiếu quyết tâm phải cải thiện vốn tiếng Anh bằng mọi cách, làm việc thật siêng năng quyết không để thua các bạn sinh viên quốc tế trong nhóm.
Hiếu cảm thấy rất may mắn khi làm trong một nhóm lớn với các nhà khoa học khác. Khi gặp bế tắc, Hiếu thường hay trình bày vấn đề của mình trước nhóm để họ có thể cho lời khuyên và kinh nghiệm, chứ hiếm khi giữ ý tưởng cho riêng mình. Nếu mà trong nhóm không biết cách giải quyết thì mình tiếp tục tham khảo ý kiến của các đồng nghiệp từ các nơi khác. Khi thẳng thắn nêu ra các vấn đề của mình, rất nhiều trường hợp đồng nghiệp sẽ có hướng giải quyết cho mình. Chưa bao giờ mình hoàn thành 1 công trình nào mà không có sự giúp đỡ của đồng nghiệp.
Đại dịch COVID-19 xảy ra trên toàn cầu đã làm đảo lộn nhiều thứ, công tác nghiên cứu của Hiếu cũng bị ảnh hưởng không ít. Trong lúc dịch bệnh, Hiếu không thể gửi các sinh viên của mình đến các viện nghiên cứu đối tác để trao đổi và nghiên cứu. Các phòng thí nghiệm của Hiếu cũng bị giới hạn thời gian làm việc và số lượng người, làm chậm tiến độ các dự án đáng kể. Để thích ứng, nhóm của Hiếu phải sắp xếp thời gian biểu rất chặt chẽ để tận dụng thời gian vào phòng lab cho phù hợp và an toàn nhất. Hơn nữa, phương pháp họp trực tuyến cũng được tận dụng triệt để. Tất nhiên, cho dù làm cách nào đi nữa, cũng chỉ giảm tác động của dịch bệnh thôi, chứ không thể bằng lúc bình thường được.
Trách nhiệm của các nhà khoa học trẻ với đất nước
Nghĩ về trách nhiệm của các nhà khoa học trẻ với đất nước trong bối cảnh hiện nay, Hiếu khẳng định nước nào cũng cần có sự đóng góp của các nhà khoa học và đội ngũ trí thức trẻ. Xã hội càng phát triển thì cơ hội càng nhiều cho các nhà khoa học trẻ bởi vì việc tìm tòi, học tập kiến thức mới dễ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, trách nhiệm đóng góp cho đất nước càng lớn khi cơ hội càng nhiều. Nếu không, đất nước mình sẽ khó bắt kịp được với thế giới vì họ không dừng lại mà chờ mình. Rất khó để chia sẻ kinh nghiệm đầy đủ vì nó là cả 1 quá trình. Nhưng nói gọn lại là mình phải tạo dựng uy tín và vị trí vững vàng trước, sau đó mới có đủ sức đứng ra tập hợp và hướng dẫn các nhà khoa học khác được.
Các bạn trẻ nếu muốn tham gia vào nhóm nghiên cứu của Hiếu có thể nộp hồ sơ và thành viên nhóm mình sẽ xem xét, so sánh hồ sơ đó với các bạn ứng viên khác. Để tuyển vị trí nghiên cứu sinh tiến sĩ, Hiếu tập trung vào: điểm trung bình tích lũy, ranking của trường ứng viên đang theo học hoặc tốt nghiệp, kinh nghiệm nghiên cứu và các thành tích đặc biệt. Do có rất rất nhiều hồ sơ khắp nơi trên thế giới gửi về, nên đòi hỏi cho các tiêu chí trên cũng khá cao. Theo Hiếu, anh không tập trung vào điểm TOEFL and IELTS lắm, chỉ cần đạt so với quy định của bậc học là được. Do đó, 9.0 IELTS hay 6.5 IELTS đối với mình là như nhau vì cả 2 đều thỏa mãn Anh văn đầu vào của ANU.
Theo Hiếu nhận thấy, sinh viên Việt Nam có rất nhiều thế mạnh như: Siêng năng, lễ phép, dễ thích nghi,... Vì chưa có cơ hội làm việc với các nhà nghiên cứu trẻ trong nước nên chưa dám đưa ra nhận định chung. Tuy nhiên, anh đã hướng dẫn và làm việc với nhiều sinh viên Việt Nam đi qua học tập và nghiên cứu ở ANU. Các bạn này có kiến thức đại cương cực kỳ tốt, không hề thua kém các sinh viên của các trường đại học hàng đầu thế giới. Đặc biệt là các môn khoa học tự nhiên, kỹ năng tính toán và tư duy logic. Mình thua họ về mặt thực hành là do mình không có điều kiện tiếp xúc với những thứ xịn xò, đắt tiền. Do đó, nếu siêng năng, chăm chỉ, đủ quyết tâm thì mình cũng không kém cạnh sinh viên nước nào đâu nhé!
Nguồn: [Link nguồn]
Lê Thanh Xuân, sinh năm 1999, là sinh viên vừa tốt nghiệp thủ khoa chương trình cử nhân kinh doanh liên kết đào tạo giữa trường Đại học Ngoại Thương và trường Đại học Bedfordshire...