Từ rẫy cà phê tới giáo sư bậc cao nhất tại Mỹ
Từng định bỏ học đi làm khi giá cà phê tăng cao, anh Toán dừng lại vì lời khuyên của bố mẹ, trở thành giáo sư ở Mỹ sau 12 năm học tập ở trong và ngoài nước.
Anh Nguyễn Trọng Toán, 43 tuổi, hiện là giáo sư Đại học bang Pennsylvania - trường top 17 trên bảng xếp hạng đại học công lập nước Mỹ, theo US News & World Report. Ngoài giảng dạy, công việc chính của anh là nghiên cứu Vật lý - Toán, từ toán cơ chất lỏng, khí động lực học, cơ lượng tử tới lý thuyết tương đối.
Giáo sư người Việt từng nhận nhiều giải thưởng về Toán học, danh giá nhất là Học bổng Centennial của Hội Toán học Mỹ (2018) và Giải thưởng T. Brooke Benjamin của Hiệp hội toán học Công nghiệp và Ứng dụng quốc tế (2022).
"Dù xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, tôi hy vọng mình có thể cho mọi người thấy con người sinh ra là để thành công", anh Toán nói.
GS Nguyễn Trọng Toán giảng bài ở Đại học bang Pennsylvania, hồi tháng 1. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Anh Nguyễn Trọng Toán sinh ra trong một gia đình gốc Nghệ An, chuyển vào Đắk Lắk năm 1979 theo phong trào xây dựng kinh tế mới. Mẹ anh được phân công làm giáo viên tiểu học tại ngôi trường duy nhất trong làng, bố được giao một phần đất để trồng cà phê.
Giữa những năm 1990, cà phê lên giá mạnh. Trong làng, nhiều người xây nhà lầu, mua xe máy. Anh Toán thấy nhiều bạn bè nghỉ học để trồng cà phê nên cũng định làm theo.
"Nhưng bố mẹ tôi tin rằng học vấn mới là con đường đúng đắn để thay đổi vận mệnh. Họ nói tôi phải học tiếp", anh Toán nhớ lại. Được gia đình khuyến khích, năm 1998, anh đỗ lớp cử nhân tài năng khóa đầu tiên của khoa Toán, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM.
Anh Toán cho rằng mình có nhiều may mắn khi học đại học. Lớp cử nhân tài năng được thầy cô tận tình hướng dẫn, cả về học tập và nghiên cứu. Môi trường có nhiều bạn học xuất sắc cũng tạo động lực để anh không ngừng trau dồi và tiến bộ.
"Khi ở trong một tập thể xuất sắc, không ai chịu được sự tầm thường. Bên cạnh những người giỏi, ta tự phải tốt lên", anh Toán nói.
Tốt nghiệp năm 2002, anh vào làm ở một công ty tin học với lương 4,5 triệu đồng mỗi tháng. Tuy vậy, công ty không cho anh mang sách Toán theo để học. Nghĩ "đã học Toán thì phải làm Toán", sau vài tháng, anh bỏ việc để trở lại trường làm trợ giảng, với mức lương chỉ bằng 1/10.
Vì thế, gia đình vẫn phải gửi tiền vào TP HCM chu cấp cho anh Toán, ngoài nuôi hai người em của anh theo học tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên. GS Đặng Đức Trọng thương cậu học trò từ quê lên, nên cho anh Toán và một số sinh viên khác về ở nhà mình.
Cũng thời gian này, anh Toán gặp GS Lê Dũng khi ông về thăm trường Đại học Quốc gia TP HCM. Anh xin một số bài báo của thầy về đọc và thành công mở rộng được một kết quả nghiên cứu. GS Dũng sau đó thuyết phục anh Toán theo chương trình thạc sĩ, dưới sự hướng dẫn của ông tại Đại học Texas, San Antonio - UTSA (Mỹ).
Theo anh Toán, UTSA có quy mô nhỏ, ít người làm nghiên cứu. Tuy nhiên, anh cho rằng đây sẽ là cơ hội của mình.
"Đến những nơi chưa từng đến, học những thứ chưa từng học và làm những việc chưa từng làm đều là điều đúng đắn", anh nhận định.
Năm 2004, anh Toán đặt chân đến Mỹ. Giống như bao du học sinh khác, anh gặp khó khăn về ngôn ngữ. Anh vừa học, vừa xin trợ giảng cho thầy. Vào những ngày rảnh, anh đi ăn cùng các bạn trong khoa, cuối tuần qua nhà thầy Lê Dũng cùng làm vườn, làm Toán. Dần dần, anh giao tiếp trôi chảy, cũng quen với môi trường sống và phương pháp nghiên cứu. Năm 2006, anh lấy bằng thạc sĩ với 6 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế.
Tiếp tục làm tiến sĩ, anh có hai lựa chọn - một là Đại học New York, thứ hạng cao ở Mỹ nhưng phải trả học phí hai năm đầu, hai là Đại học Indiana với học bổng toàn phần cho 5 năm. Vì vẫn còn một khoản nợ khi đi học, cùng niềm tin rằng sự tiến bộ nằm ở thái độ của bản thân, anh Toán chọn Đại học Indiana.
Vào học, anh nhanh chóng ấn tượng với phong cách dạy của GS Kevin Zumbrun (sau này là trưởng khoa Toán) và xin ông hướng dẫn. Tuy nhiên, thầy từ chối vì cho rằng còn quá sớm. Anh vẫn không ngại giải các bài toán nhỏ, duy trì liên lạc với thầy. Năm 2008, anh thành công khi giải được hai bài toán của ông về lý thuyết ổn định.
Thời gian đầu, thầy gợi ý anh nghiên cứu theo hướng toán chạy máy và giải tích số, vốn đang thịnh hành. Nhưng anh Toán nghĩ khác.
"Chạy theo xu hướng thì sẽ không bao giờ theo kịp", anh Toán chia sẻ. Anh tin rằng dùng những ngôn ngữ toán để hiểu vật lý và các hiện tượng tự nhiên mới là con đường của tương lai.
Năm sau, một nghiên cứu độc lập của anh được đăng trên Tạp chí Toán học hàng đầu Duke. Cùng nhiều công bố khác với thầy, năm 2009, anh Toán lấy bằng tiến sĩ, "chớp nhoáng" sau ba năm học.
Muốn thử sức, anh đi Pháp làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ một năm, trước khi về Mỹ làm việc tại Đại học Brown, một trong 8 trường Ivy League, với vị trí Assistant Professor (bậc đầu tiên trong ba bậc giáo sư ở Mỹ).
Năm 2013, anh Toán tới Đại học bang Pennsylvania, trở thành Associate Professor (bậc 2) sau 5 năm làm việc ở đây. Năm 2022, trường bổ nhiệm anh làm giáo sư bậc cao nhất (Full Professor). Ngoài ra, anh được mời thỉnh giảng ở Đại học Princeton, MIT, Berkeley, Stanford, và nhiều trường danh tiếng khác ở Mỹ và châu Âu.
Giáo sư Sergiu Klainerman, đồng nghiệp của anh Toán tại Đại học Princeton, nhận xét: "Toán là một nhà khoa học xuất sắc, tràn đầy năng lượng và ý tưởng, cùng gu toán học tuyệt vời".
"Ngoài nghiên cứu các bài toán sâu và khó liên quan đến các hiện tượng vật lý quan trọng, anh ấy cũng có phạm vi quan tâm khoa học rộng lớn một cách đáng kinh ngạc", ông nói thêm.
GS Toán chụp cùng GS Frederic Rousset (Trưởng khoa Toán, Đại học Paris Orsay) khi đến làm việc ở Đại học Paris Orsay, Pháp, hồi tháng 7. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trong hành trình nghiên cứu, GS Toán cho rằng bí quyết là luôn tự đối thoại với bản thân. Nếu gặp khó khăn không giải quyết được, lý do là kiến thức chưa đủ hoặc tư duy đang đi theo lối mòn.
Khi gặp bế tắc ở một bài toán, anh thường nghi ngờ các nguyên lý cơ bản, phủ định các điều kiện đi kèm, dùng cách phá vỡ quy tắc, loại bỏ điều kiện để đưa bài toán về dạng cơ bản nhất có thể. Những thứ chưa thể giải quyết, anh cho phép chúng trở thành sự hiểu biết mới của mình, biến thành một phần của kết quả. Dù phải thay đổi hướng nghiên cứu nhiều lần, GS Toán nói chưa từng có suy nghĩ từ bỏ công việc đang làm.
Để bổ sung kiến thức, anh không chỉ đọc sách đơn thuần. Anh bắt mình phải dạy học để nắm kỹ vấn đề. Từ thời làm tiến sĩ đến nay, anh liên tục mở lớp nghiên cứu chuyên ngành cho sinh viên, đồng nghiệp và cho bản thân.
Đây cũng là cách để GS Toán thực hiện mong muốn giúp đỡ sinh viên trong nước kết nối với chuyên gia và cơ hội du học. Năm 2008, anh về Việt Nam, cùng một số người bạn khởi xướng chương trình "Gặp gỡ mùa hè" tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM. Năm 2014, trường hè đầu tiên về phương trình đạo hàm riêng và toán ứng dụng được anh và đồng nghiệp tổ chức ở Hà Nội, thu hút gần 100 sinh viên và nhiều giáo sư nước ngoài.
GS Toán còn cùng Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán tổ chức trường hè Vật lý - Toán, ở Hà Nội (2022), Quy Nhơn (2023), Huế (2024). Trường hè có sự tham gia của hơn 30 giáo sư từ 15 quốc gia, khoảng 100 sinh viên trong và ngoài nước. Mục tiêu anh hướng tới là phát triển Vật lý - Toán ở Việt Nam và các nước lân cận, thông qua tạo động lực và phổ cập nghiên cứu.
Chia sẻ với sinh viên, anh cho rằng điều quan trọng nhất mà mỗi người cần có là nỗ lực, bởi "nỗ lực tạo cơ hội".
"Hãy cố gắng làm tốt hơn nữa những việc mình đang làm tốt. Ngoài ra, những thứ chưa từng làm đều đáng thử. Không nên ổn định quá sớm", GS Toán nói.
TRUNG QUỐC - Tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2024, thầy giáo Lý Long (35 tuổi) đặt ra mục tiêu đỗ vào ngành Y của Đại học Thanh Hoa và Đại học Trung Y Bắc Kinh (Trung Quốc).
Nguồn: [Link nguồn]