Từ dạ dày đến trái tim
Cuộc gặp của tôi đáng lẽ chỉ dừng lại ở 30 phút thì lại kéo dài gần 3 tiếng.
Ba mươi tuổi, phải chịu nhục mà thừa nhận rằng kinh nghiệm tình yêu của tôi chủ yếu gom góp qua mấy cuốn tiểu thuyết ngôn tình của Trung Quốc và phim truyền hình Hàn Quốc.
Trải nghiệm cá nhân không có gì đáng kể. Nếu so với những kịch bản thê lương mùi mẫn của thiên hạ thì vài nỗi nhớ công thức, dăm ba nụ hôn chụt choẹt từ vài mối tình nhàn nhạt của tôi vốn chẳng đáng để đem kể.
Thế nên tôi vẫn độc thân. Thế nên, tôi thành bom trong nhà. Nói trong họ có khi đúng hơn!
Mà thiên hạ hay lắm nhé, người quen, người lạ gặp tôi ở đâu, nghe bảo tôi chưa chồng, mà đã đầu ba rồi đấy, thế là rối rút làm mối. Cứ như thể, không có sự sắp xếp của họ thì đời tôi còn chưa đủ nát.
Ban đầu, tôi có ý chống cự vì bản thân vốn ác cảm với chuyện mối mai. Sau khi nghe mẹ đay nghiến mãi đành bấm bụng đi gặp mặt.
Mười mối có đến chín là dở hơi. Mẹ nghe tôi nhận xét đối tác dở hơi đến lần thứ ba thì gầm lên: “Mày mới là người dở hơi ấy!”. Từ đó, tôi im bặt.
Nghe hiến kế của đám bạn (đều đã chồng con đề huề), tôi duy trì những lần gặp mặt với mỗi đối tác đến lần thứ hai, thứ ba nhưng tìm mọi cách để đối phương nói lời “tạm dừng” trước. Thế là khỏi mất lòng ai.
Đám nào dai quá, khi nghe điện thoại tôi chỉ cần bắt đầu bằng câu “Anh à!” ngọt lịm, rồi thỏ thẻ: “Anh xuống sân bay chưa, mấy giờ thì về đến đây, có cần em chờ đi ăn không?”. Khi đối phương ớ ra bảo: “Anh là X, Y, Z” thì vội vàng xin lỗi: “Em nhầm, em đang đợi điện thoại của bạn”. Vậy là họ tự ý rút lui trong êm thấm.
Đến năm ba mốt tuổi tôi có tám cuộc xem mặt. Nhưng đến năm ba hai tuổi, tôi không còn thói quen nhớ tên những người đã được giới thiệu nữa.
Cái định kiến to đùng chưa khi nào xẹp đi mỗi lần tôi xúng xính váy áo đến một quán cà phê bất kỳ: Đàn ông đường được đâu cần phải nhờ đến mối mai mới kiếm được bạn gái! Tôi, ngoài khả năng nấu nướng hạn chế ra, đích thị là “đàn bà đường được”.
Tôi tự cho mình cái quyền chờ đợi, dù, ờ, tôi ngoài ba mươi thì đã sao?
Gần đây, tôi có đọc một tiểu thuyết Mỹ. Nhân vật chính là một cô nhà văn chuyên viết truyện trinh thám. Cô ta rất tích cực hẹn hò qua mạng, để tìm hình mẫu đàn ông sẽ là nạn nhân trong những tiểu thuyết mới của mình. Hoàn toàn vì công việc, và chỉ có đôi ba người hay ho được lưu lại đặc điểm trong cuốn sổ tay của cô.
Tôi không phải nhà văn, nghĩ nát óc không ra cách nào để tiêu khiển với những cuộc hẹn hò bất đắc dĩ kia. Luôn luôn có một công thức tẻ ngắt: Giới thiệu tên tuổi, nghề nghiệp, sở trường, sở đoản (thường là những thứ các ông bà mối đã nói bã bọt mép ra rồi). Cứ tình hình này kéo dài, tôi không dám đảm bảo là tôi có ngáp không trong những lần xem mặt kế tiếp.
Vậy là tôi mail cho quân sư (bạn tôi đang học ở Bỉ) hỏi: Có đề tài nào giúp ích thực sự được cho cuộc sống của mình, mà ai cũng có thể nói được không? Nó mail: Xét theo tình hình cụ thể của mày thì bệnh tật và nấu nướng là hai chuyện được đấy! Tôi ngẫm nghĩ thấy nó có lý.
Từ đó, gặp anh nào mặt mũi nhẹ nhõm tôi nói chuyện nấu nướng, ăn uống, anh nào khó ưa tôi nói chuyện thuốc. Nói chung, kết quả thu được cũng lõm bõm tầm phào hệt như những mối quan hệ của tôi vậy. Nó khiến tôi tuyệt vọng đến mức muốn học cách viết truyện trinh thám để giết dần đám đàn ông khiến tôi phải hao mòn cảm xúc, mặc dù họ chẳng liên quan gì đến đời tôi cả.
Bẵng đi đến khi tôi ba mươi hai tuổi năm tháng, mới gặp được một chuyên gia.
Nhân vật này không có vẻ ngoài sáng sủa, chỉ được cái cao, do bạn thân của mẹ tôi dắt mối. Trong đầu tôi đã soạn sẵn câu chuyện về bệnh dị ứng phấn hoa nhưng loanh quanh thế nào chàng lại mời mọc: “Em ăn thử bánh tiramisu ở đây đi, được lắm!”.
Chàng chuộc lỗi bằng cách rất chăm search mạng để tìm những cách nấu nướng ngon, bổ, dễ cho tôi (Ảnh minh họa)
Đầu tôi gần như ngẩng phắt lên khỏi thực đơn. Món bánh tủ của tôi, sao chàng lại biết được nhỉ, hay chỉ tiện mồm mời mọc thôi? Dù vì lý do gì thì cũng xứng đáng được cộng điểm.
Tôi nhấm nháp bánh tiramisu với nước ổi ép và bắt đầu cân nhắc: Đen, cao, nhìn kỹ cũng không đến nỗi nào. Chủ đề nói chuyện quay phắt sang ăn uống gần như lập tức.
Chàng có một kho kinh nghiệm về những món đơn giản mà ngon. Cuộc gặp theo dự định của tôi đáng lẽ chỉ dừng lại ở 30 phút thì lại kéo lê thê ra gần 3 tiếng.
Tái ngộ lần thứ nhất: Chàng dạy tôi muối cà, muối sung, muối dưa, muối hành siêu tốc. Bí quyết nằm gọn ở phích nước sôi. Hòa nước ấy với muối, đường, tí ti giấm trắng rồi giội thẳng vào dưa. Một đến hai ngày sau là có thành phẩm ngon tuyệt!
Tái ngộ lần thứ hai: Tôi báo cáo đã muối cà và cải củ thành công. Chàng tiếp tục dạy cách làm bánh chess cake mà không thèm nướng. Kinh nghiệm này bạn nào muốn biết thì gõ nguyên cụm từ, google một phát ra ngay. Là sau tôi mới biết chàng copy của một blogger nổi tiếng, chứ lúc ấy mắt nhắm mắt mở vì ngưỡng mộ, nghĩ gì đâu!
Tái ngộ lần thứ ba: Tôi học được cách pha pina colada không cồn.
Lần thứ tư: Sổ tay của tôi đầy nhóc hàng loạt địa chỉ cung cấp thực phẩm ngon, bổ, rẻ.
Lần thứ năm: Tôi quyết định ra đầu bài. Mẹ tôi vừa giúp đứa cháu xa ở ngoại thành bằng cách mua hết một trăm hai mươi quả trứng gà của nó với giá siêu thị. Đem đi phân phát hết năm mươi quả, trong tủ lạnh nhà tôi hiện vẫn còn bảy mươi quả.
Đề bài là: Tôi có thể biến tấu thế nào với những thứ siêu bổ dưỡng ấy ngoài luộc và ốp la?
Câu trả lời đến rất nhanh: Trứng đúc thịt, trứng hấp nấm rơm, trứng bác mắm tép, trứng xào mướp đắng, su su, trứng rán khoai tây, mỗi lần năm quả, sáu lần ba mươi quả. Mười quả để đập vào mì tôm, ăn dần. Ba mươi quả còn lại xếp gọn vào hũ muối dưa, đổ tuột lên trên hai cân muối (cho chắc ăn), khoảng 2 tháng sau thì thành trứng muối ngon lành.
Tôi về nhà nhất nhất làm theo như cái máy. Thành công đến mức bố mẹ cũng ngã ngửa người vì kinh ngạc.
Tôi ngoan ngoãn làm học trò của chàng đến nửa năm thì chàng bảo hôm nào về ra mắt bố mẹ chồng. Tiếp tục cun cút nghe theo vì bụng bảo dạ có thể được nếm món ngon của đầu bếp thực thụ. Thế nhưng, đến cuối bữa sự thật mới trần trụi phơi bày: Tất cả những thứ chàng dạy cho tôi chỉ là lý thuyết suông. Ở nhà, đầu bếp chính là mẹ chàng, chàng chưa một lần xắn tay vào bếp.
Mẹ chàng là cán bộ nghiên cứu khí tượng thủy văn. Trong thời gian chàng bắt đầu tuổi ăn tuổi lớn bà phải sang nước ngoài tu nghiệp ba năm. Hai bố con ở nhà nuôi nhau hình thành thói quen ăn nhanh như sau lưng có giặc. Mẹ chàng sợ hai ông tướng của mình đau dạ dày bắt buộc phải học cách ăn chậm. Bà câu giờ bằng cách yêu cầu hai bố con đoán từng món được chế biến thế nào. Nếu đúng, sẽ được thưởng bằng một món tủ của một trong hai người. Bền bỉ năm ba năm như thế, chàng trở nên rất thạo việc nấu nướng, bằng tưởng tượng.
Tôi sau lần bị lừa trắng như vậy đã thẳng chân đá phắt chàng sang một bên, chuyển qua bái sư mẹ chồng tương lai mà không đỏ mặt tí tí nào. Chàng chuộc lỗi bằng cách rất chăm search mạng để tìm những cách nấu nướng ngon, bổ, dễ cho tôi. Thậm chí đi đâu có món ngon cũng ngó nghiêng quan sát rồi về tả để tôi hình dung làm thử. Mười lần thì chín chẳng đúng vị. Chúng tôi đặt tên cho những món mới của mình bằng công thức: Tên gốc + phăng-te-zi (fantaisie). Ví dụ cupcake phăng-te-zi, nộm uyên ương phăng-te-zi, tteokbokki (một món bánh gạo của Hàn Quốc) phăng-te-zi v.v…
Cuối cùng, chàng kết luận: Chúng tôi có nên có ba con, để đặt tên cho đủ âm cái từ mà theo chàng là rất phóng khoáng đó!
Mẹ bắt đầu hoa mắt rồi Phăng, Te, Zi ơi!