Từ cậu bé khuyết tật đến "ông chủ" đào tạo CNTT

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Đến thăm và trò chuyện với anh Trần Văn Sơn, chúng tôi cảm thấy nể phục con người giàu nghị lực này.

Con đường gian khó

"Mình mong góp công sức nhỏ bé để phần nào hàn gắn vết thương chiến tranh; giúp những người khuyết tật, những người chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh có thể sống tự tin hơn, tự nuôi sống được bản thân mình"... Mong ước này là những lời tâm sự chân thành của anh Trần Văn Sơn, Trưởng phòng công nghệ Công ty VinaTAB (công ty chuyên nghiên cứu và phát triển giải pháp công nghệ web, đào tạo lập trình viên).

Anh Trần Văn Sơn là một trong 30 cá nhân là người khuyết tật đã nỗ lực vượt khó vươn lên trong lao động, sản xuất và hoạt động xã hội, vừa được Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng tặng Giấy khen vào 18/4 vừa qua. Họ là những người làm việc không chỉ cho mình mà còn vì tương lai của những người khuyết tật khác.

Đến thăm và trò chuyện với anh Trần Văn Sơn, chúng tôi cảm thấy nể phục con người giàu nghị lực này. Sinh ra ở vùng quê nghèo thuộc huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trần Văn Sơn là con cả trong một gia đình có 5 anh chị em. Khi mới 2 tuổi, Sơn bị ốm mà gia đình lại quá nghèo, không có điều kiện chạy chữa, nhiều lúc tưởng chỉ còn chờ chết. Trải qua nhiều cơn đau quằn quại, Sơn đã vượt qua bàn tay tử thần, nhưng di chứng để lại thật quá lớn, anh bị liệt cả hai chân và ảnh hưởng khá nhiều đến hai tay.

Khi bắt đầu biết suy nghĩ, biết cảm nhận thấy mình khác mọi người, nhìn bạn bè chạy nhảy vui chơi trong khi mình chỉ biết ngồi một chỗ, Sơn buồn lắm. Nhưng Sơn biết, còn sống đã là một điều rất may mắn, và với niềm tin đó anh đã có ý thức vươn lên từ khi còn rất nhỏ.

Gia đình nghèo, đông con, ba mẹ làm nông rất bận rộn nên anh không có điều kiện đi học. Nhìn bạn bè cắp sách đến trường, anh cũng rất thèm được học, được viết. Những người thầy đầu tiên của anh lại là những đứa em bé nhỏ. Sau mỗi lần các em đi học về, lại cho anh mượn sách vở để học. Em biết gì dạy nấy. Anh cũng tự mày mò học thêm. Vậy mà đến năm 15 tuổi, anh cũng xin được vào học lớp 5.

Từ cậu bé khuyết tật đến "ông chủ" đào tạo CNTT - 1

 Anh Trần Văn Sơn đang hướng dẫn học viên.

Con đường học hành của một cậu bé nghèo liệt hai chân và một phần tay thật khó khăn. Trường xa nhà, anh được người em kế đẩy đến trường trên chiếc xe lăn cọc cạch, dưới ánh nắng chói chang của mảnh đất miền Trung. Vì là đường đất đỏ nên những hôm trời mưa, hai anh em bì bõm lội trên những vũng bùn, đến được trường tay chân lấm lem, đỏ ngầu màu đất.

Ai cũng tưởng những khó khắn ấy cùng với thân hình ốm yếu, đôi chân không nhấc lên được, đôi tay cầm vật nặng run run sẽ làm anh gục ngã. Nhưng không, bằng tình thương của ba mẹ nghèo, cùng quyết tâm học để tự nuôi được mình, để không thành gánh nặng của ba mẹ, anh vẫn đến lớp. Không những vậy, hết cấp 2 rồi cấp 3, anh luôn là một học sinh xuất sắc, điểm trung bình của anh luôn nhất nhì trường.

Lên lớp 11, bước ngoặc của cuộc đời đến với anh, nhà trường nơi anh theo học có tổ chức dạy CNTT cho học sinh. Lần đầu tiên tiếp xúc với chiếc máy tính, anh rất thích thú. Càng học anh càng đam mê. Bất kỳ lúc nào rảnh, anh đều lên phòng máy của trường để xin được học, thầy cô thấy thương cậu học trò khuyết tật cũng đồng ý chỉ dạy.

Và rồi, với tình yêu và sự cầu tiến, anh đã thi đỗ vào khóa 5 ngành CNTT của Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, với số điểm khá cao, 24 điểm. 5 năm đại học cũng là biết bao gian khó mà một chàng trai tàn tật học xa nhà phải trải qua. Sơn phải xin đi làm thêm, dạy học, làm các dự án cho các công ty chuyên về CNTT để trang trải học phí, đỡ đần cho ba mẹ. Cuối cùng, Sơn cũng tốt nghiệp loại giỏi và nằm trong top 10 của khoa năm đó.

Trong quá trình học, anh còn tham gia rất nhiều hoạt động xã hội và đạt được nhiều thành tích như giải Nhì cuộc thi thiết kế website khoa CNTT năm 2007, giải Nhất cuộc thi “Ý tưởng kinh doanh sáng tạo năm 2007”, giải Ba cuộc thi “Thắp sáng tài năng kinh doanh trẻ 2008”, giải Cá nhân tiêu biểu FPT năm 2009...

Ra trường, nhờ kinh nghiệm làm thêm của mình, anh được nhiều công ty tuyển dụng. Trải qua nhiều nơi với các vị trí khác nhau như trưởng phòng của Công ty MBV (chuyên về thương mại điện tử); một trong những người sáng lập ra công ty LAPOO (là công ty chuyên thiết kế website, dịch vụ SEO, quảng cáo… ở Đà Nẵng). Và với tình yêu CNTT của mình, anh cùng một nhóm bạn nữa thành lập công ty VinaTAB, mà hiện nay anh đang làm Trưởng phòng công nghệ.

Mong ước hàn gắn vết thương chiến tranh

Nhưng có lẽ, mơ ước lớn nhất của anh đến hôm nay là được truyền sự đam mê CNTT đến cho nhiều người khác, đặc biệt là những bạn khuyết tật có hoàn cảnh giống như anh. Vì vậy, anh quyết định mở lớp đào tạo về CNTT.

Từ cậu bé khuyết tật đến "ông chủ" đào tạo CNTT - 2

 Quang cảnh một buổi học tại Trung tâm đào tạo lập trình viên VinaTAB EDU.

Sau một thời gian chuẩn bị, nhờ thêm sự giúp đỡ của bạn bè, anh đã mở Trung tâm đào tạo lập trình viên VinaTAB EDU, và là giảng viên chính của trung tâm.

Hiện nay, bên cạnh các học viên bình thường khác, trung tâm của anh tiếp nhận 6 học viên là người khuyết tật đến từ các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam… Nhiều bạn khuyết tật còn đăng ký học thêm với anh qua mạng. Trong số đó có không ít bạn là nạn nhân của bom đạn chiến tranh hay chất độc dioxin, như bạn Nguyễn Văn Tùng, là sỹ quan công binh bị tai nạn lao động mất tay chân bên trái, hay bạn Nguyễn Thị Huyền dị tật bẩm sinh…

Anh Sơn cho biết, sắp tới, công ty của anh dự định tuyển thêm một số bạn khuyết tật có năng lực tốt, chăm chỉ trong quá trình học vào làm việc để tạo thêm điểu kiện cho các bạn vươn lên trong cuộc sống.

Mỗi buổi tối, các học viên đến lớp lại được nghe người thầy, người anh của mình chỉ dẫn tận tình, vui vẻ như một gia đình.

Bạn Nguyễn Thị Hường (Thanh Hóa) chia sẻ: “Đến với lớp học của anh Sơn, mình mong có thể học được nhiều kiến thức về CNTT, đi làm tự nuôi sống được bản thân hay gia đình, không trở thành gánh nặng của xã hội”.

“Mình rất yêu mảnh đất và con người miền Trung, nơi đã chịu quá nhiều đau thương mất mát trong chiến tranh. Mình mong được góp phần công sức nhỏ bé để có thể phần nào giúp hàn gắn vết thương chiến tranh, giúp những người khuyết tật nói chung, những người chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh nói riêng có thể sống tự tin hơn, tự nuôi sống được bản thân. Giúp được các bạn, mình rất hạnh phúc”, anh Sơn nói.

TP Đà Nẵng là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề của chiến tranh, trong đó có ảnh hưởng của chất độc da cam. Tại Đà Nẵng, hiện có khoảng 16.000 người khuyết tật. Trong đó có 6.000 người trong độ tuổi lao động, nhưng chỉ có 2.000 người có việc làm.

Đời sống của người khuyết tật còn nhiều khó khăn cả vật chất lẫn tinh thần, nhiều người thuộc diện hộ nghèo, phần lớn sống chủ yếu dựa vào người thân, gia đình, họ hàng và trợ cấp xã hội hằng tháng. Việc đi lại, giao tiếp xã hội và tiếp cận các dịch vụ xã hội gặp nhiều khó khăn, đa phần người khuyết tật trình độ học vấn thấp, rất khó khăn trong vấn đề đào tạo và giải quyết việc làm. Đến với CNTT, họ vừa có thể được học để đi làm, vừa được giao tiếp với nhiều người cùng hoàn cảnh, tăng sự tự tin của bản thân.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Bỏ học thành ông chủ kiếm 500 triệu/năm

Chàng trai khuyết tật bán vé số để đi học

Cô gái khuyết tật xinh đẹp đầy nghị lực

Tình yêu diệu kỳ của chàng trai khuyết tật

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huỳnh Minh (Infonet)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN