Từ bức ảnh một học sinh ngồi lạc lõng giữa "rừng giấy khen" của các HS khác: Con em chúng ta dễ bị tổn thương bởi những điều gì?
Bức ảnh học sinh đồng loạt giơ giấy khen, trừ một học sinh không có đang gây bão mạng. Nhiều ý kiến cho rằng trẻ sẽ bị tổn thương tâm lý. Chuyên gia cho rằng, trẻ em dễ bị tổn thương nhưng việc đó còn tùy vào tính cách và là kết quả của một quá trình nuôi dưỡng.
Bức ảnh đang lan truyền trên mạng. Ảnh TL
Mạng xã hội hiện vẫn đang lan truyền bức ảnh có hình một cậu bé ngồi lẻ loi, lạc lõng giữa một "rừng giấy khen" mà cả lớp nhận được. Hiện tại, chưa biết bức ảnh từ trường lớp nào nhưng bức ảnh học sinh đồng loạt giơ giấy khen trừ một học sinh ngồi ngay bàn đầu ấy lại trở thành tâm điểm tranh cãi nói về sự vô cảm, bệnh thành tích trong giáo dục của dư luận.
Đã có nhiều phân tích nói lên sự tổn thương về tâm lý của em học sinh đó, đồng thời lên án việc chạy theo thành tích của ngành giáo dục, các cư xử thiếu tính giáo dục của người giáo viên….
Nhiều ý kiến cho rằng, học sinh không được nhận giấy khen chưa hẳn là điều gì ghê gớm, chẳng hề quyết định đến con đường sau này của em nhưng lại dễ làm trẻ bị tổn thương tâm lý.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia tâm lý trẻ em Lê Khanh (Phòng Tư vấn tâm lý gia đình và trẻ em - TP HCM) cho rằng, người lớn thì nghĩ là trẻ dễ bị tổn thương nhưng việc dễ tổn thương hay không còn tùy vào tính cách và là kết quả của một quá trình nuôi dưỡng. Có những đứa trẻ nhạy cảm và cá tính thì dễ tổn thương, còn trẻ tự tin hay vô tư thì khó bị tổn thương. Tổn thương hay chấn thương tâm lý còn tùy vào môi trường sống nữa.
Điều làm cho trẻ bị tổn thương là sự bỏ rơi (về mặt tâm lý) hay làm ngơ, thiếu quan tâm - sau đó là những sự "bạo hành về tinh thần và thể chất" cũng sẽ làm tổn thương trẻ với điều kiện là các hành vi này kéo dài trong 1 thời gian.
Cha mẹ là người thân cận thường dễ làm tổn thương trẻ hơn là người ngoài. Cho nên việc vô ý hay cố tình không cho trẻ một tờ giấy khen chưa chắc làm trẻ tổn thương nếu trước đó người giáo viên vẫn đối xử với học sinh đó một cách bình thường.
Điều quan trọng nữa sẽ làm tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần cho em học sinh này là sau đó, khi về nhà mà không có tờ giấy khen nộp lên cho bố mẹ, thì lúc đó mới thực sự là bão tố! Vì vậy, chúng ta cũng đừng sợ cho sự tổn thương của trẻ khi không có tờ giấy khen để chụp hình khoe thành tích.
Trẻ có thể buồn vào lúc đó, nhưng rồi sẽ quên, vì ngay cả những học sinh nhận được tờ giấy khen (mà bạn nào cũng có) cũng sẽ chỉ vui vẻ, hớn hở lúc đó. Có thể vui hơn là trẻ sẽ thoát được sự đánh mắng của gia đình khi mang giấy khen về chứ còn tự hào về thành tích của mình thì chắc chắn là không!
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho biết thêm, có nhiều người, chỉ nhìn vào 1 bức ảnh hay một hành động, một biểu hiện là suy diễn ra cả một vấn đề nghiêm trọng, mà không hiểu rõ những điều xung quanh đó diễn tiến ra sao.
Ở đây nếu cho rằng trẻ sẽ bị tổn thương chỉ vì một tờ giấy khen thì đó chỉ là sự suy diễn của một số người lớn. Còn chuyện dùng hình ảnh này để phê phán việc chạy theo thành tích, không lấy học sinh là trọng tâm… lại là chuyện khác.
Người lớn có thể tổn thương trong tình huống mà ai cũng được khen, còn trẻ thì không! Trẻ có thể buồn vì cách đối xử của giáo viên như phê phán, chê bai, miệt thị hay quát mắng. Nếu hành vi này kéo dài thì trẻ có thể có những thái độ tiêu cực, thiếu tự tin hoặc ngược lại sẽ trở nên lỳ lợm, cứng đầu, chống đối tùy theo tính cách của trẻ.
Thứ 2 là cách hành xử của cha mẹ. Thí dụ em học sinh có thể buồn vì không có giấy khen nhưng nếu về nhà bố mẹ cũng không quan tâm đến chuyện này, và thậm chí là còn không hỏi han chăm sóc em liệu em có bị tổn thương không.
Rồi một em khác có giấy khen tử tế nhưng chỉ là học sinh khá giỏi thôi, trong khi bố mẹ đòi hỏi em phải là xuất sắc rồi phê phán, chì chiết em. Liệu sự vui vẻ, hớn hở của em ở lớp khi được giấy khen, có giúp em thoát khỏi sự tổn thương do bố mẹ gây ra hay không?
"Sang chấn tâm lý hay tổn thương về cảm xúc không đơn giản chỉ vì một hành động. Trẻ con giàu cảm xúc nhưng không dễ tổn thương vì trẻ con chưa có lý trí, ý chí và cả những suy diễn, liên tưởng như người lớn. Nó tùy vào tính cách, hoàn cảnh của mỗi trẻ" – chuyên gia chia sẻ.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, trẻ thường dễ bị tổn thương bởi cách hành xử không đúng của cha mẹ. Thực tế, trẻ bị la mắng quá nhiều sẽ có tâm lý chống đối, khó dạy bảo và sống khép kín hơn do bé không cảm thấy sự an toàn.
Giải pháp tránh làm tổn thương, ảnh hưởng tâm lý của trẻ nhỏ là không so bì chúng với "con nhà người ta", không để trẻ cảm thấy tình cảm bị bỏ rơi. Cha mẹ cần quan tâm để thấu hiểu con, đừng đánh, mắng hay đặt quá nhiều kỳ vọng vào trẻ. Mỗi đứa trẻ có tính cách riêng chứ không giống nhau. Có trẻ nhút nhát, có đứa hướng ngoại. Trẻ em khó có thể lớn lên theo một khuôn mẫu mà cha mẹ áp đặt.
Trẻ dễ nảy sinh hai thái cực rõ ràng: Dù không muốn chúng cũng chấp nhận hoặc đi ngược lại mong muốn của cha mẹ. So sánh đánh vào lòng tự trọng của trẻ khiến chúng lánh chính cái mà chúng phải học hỏi. Bởi vậy cần hạn chế câu nói như "Con ăn không bằng bạn kia"…
Nguồn: [Link nguồn]
Một học sinh nữ ở Thái Lan đã bị khủng hoảng tâm lý, không muốn đến trường sau khi bị thầy giáo cắt cho kiểu tóc...