Từ bỏ định hướng học Y, cô gái 9x theo đuổi đam mê kiến trúc, giành nhiều giải thưởng lớn
Vi Thị Nguyệt bỏ định hướng theo học ngành Y của bố mẹ để theo đuổi đam mê với ngành kiến trúc, không ngừng nỗ lực khẳng định bản thân trên con đường đã chọn.
Chân dung nữ sinh Vi Thị Nguyệt.
Cô bạn Vi Thị Nguyệt (sinh năm 1998, hiện sống ở Hà Nội) đã tốt nghiệp ngành Kiến trúc, khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Đại học Xây Dựng Hà Nội. Mới đây, Nguyệt xuất sắc đoạt giải nhất giải thưởng Loa Thành lần thứ 33 (cuộc thi đồ án tốt nghiệp đại học xuất sắc ngành kiến trúc - xây dựng được trao giải hằng năm).
Khởi nguồn đam mê
Vi Nguyệt có những nét vẽ đầu tiên vào năm học lớp 1. Khi ấy, cô bạn rất thích thú với màu nước và thường xuyên tập vẽ sau những giờ học trên lớp. Đến lớp 5, Nguyệt tự tìm tòi, học vẽ bằng màu nước và đã bắt đầu vẽ được trên khổ giấy A0.
Suốt những năm học cấp 1, cấp 2, Nguyệt chưa có cơ hội tham gia các cuộc thi vẽ bởi bố mẹ đã định hướng theo học ngành Y từ sớm nên cô phải "tạm gác" lại đam mê vẽ và tập trung học Sinh. Sau khi thi đỗ vào lớp chuyên Sinh của trường THPT Chuyên Bắc Giang, Nguyệt tưởng rằng mình sẽ phấn đấu học và thi đỗ trường Y theo định hướng của bố mẹ. Thế nhưng, vào một ngày đẹp trời giữa năm lớp 11, cô bạn yêu vẽ đã có cơ hội ghé thăm phòng triển lãm tranh ở thành phố. "Ngay lúc ấy, niềm đam mê vẽ của mình giống như được đánh thức... và mình đã bắt đầu!", Nguyệt nhớ lại.
Ngay sau hôm đó, nữ sinh lấy hết can đảm để xin phép gia đình và nhà trường cho chuyển khối thi đại học từ khối B sang khối V. Bố mẹ của Nguyệt cũng khá buồn khi con thay đổi đột ngột, chuyển sang học kiến trúc khi chỉ còn 1 năm là bước vào kỳ thi quan trọng.
"Lúc đó, họ hàng của mình cũng có nhiều người phản đối và khuyên nhủ rất nhiều nhưng không làm lung lay được quyết định của mình", cô bạn bày tỏ.
Không trì hoãn, Nguyệt bắt đầu lên kế hoạch luyện tập và nâng cao năng khiếu vẽ của mình bằng cách kết hợp với một anh khóa trên để thành lập CLB Mỹ thuật của trường. Nhận được sự ủng hộ của nhiều bạn trường khác, Nguyệt đã tổ chức thành công nhiều triển lãm và giành giải nhất thi vẽ tranh cổ động của tỉnh năm 2015.
Cô bạn nói thêm: "Mình cảm thấy may mắn và hài lòng vì là một trong những người tiên phong chuyển khối ở trường Chuyên. Các em học sinh khóa dưới đã mạnh dạn hơn trong quyết định theo đuổi con đường nghệ thuật của mình".
Tạo dấu ấn riêng từ những đồ án kiến trúc
Thi đỗ vào ngành Kiến trúc của Đại học Xây dựng Hà Nội, Nguyệt khấp khởi với những dự định đã ấp ủ từ trước. Vì vậy, trong 5 năm học đại học, cô bạn đã tích cực tìm kiếm cơ hội cho bản thân bằng cách tham gia nhiều hoạt động, ngày hội chuyên ngành như: 2 kỳ festival sinh viên Kiến trúc toàn quốc tại Sài Gòn và Đà Nẵng; là thành viên CLB Diễn Họa; giành giải nhì cuộc thi Ký họa Văn Miếu - Quốc Tử Giám; tích cực tham gia các workshop về "Kiến trúc cảnh quan quốc tế"...
Khi được sống hết mình với đam mê vẽ, Nguyệt sớm nhận ra sở trường của cô là vẽ tay và cảm nhận màu sắc. Cô bạn tự tin có thể pha ra màu giống (95-100%) màu mình nhìn thấy và có thể phối trộn các bố cục màu sắc để tạo ra phong cách hài hòa hoặc ấn tượng tùy theo mục đích.
Sau mỗi giờ học lý thuyết, nữ sinh thường tìm ý tưởng từ những khoảnh khắc bất chợt hoặc lướt mạng xã hội, các web sáng tạo và rồi ý tưởng tự tìm đến với mình. Ngoài ra, nữ sinh cũng chăm chỉ ghé các thư viện kiến trúc trong thành phố để tìm tòi tư liệu quý.
"Mình cảm thấy may mắn khi các bài đồ án, bài vẽ của mình đăng lên mạng xã hội nhận được nhiều sự quan tâm của các bạn trên khắp cả nước.
Với mình, con gái hay con trai trong ngành này cũng không khác nhau nhiều. Tuy nhiên, con gái cần thời gian để chăm chút cho ngoại hình hơn nhưng cũng là một lợi thế bởi "bông hoa của đá" đều nhận được sự ngưỡng mộ của các bạn trường ngoài và sự quan tâm tận tình của các bạn trong trường", Vi Nguyệt chia sẻ.
Nữ sinh trường Xây dựng cho rằng, cùng học trong ngành Kiến trúc nhưng mỗi người sẽ có một mục tiêu để theo đuổi và một phong cách để định hình nên không thể sân si và so sánh bản thân mình với bất kỳ ai khác. Cô nói thêm: "Mình nói như vậy không phải mình là người quá cầu toàn và luôn nỗ lực 24/7. Mà mình chỉ thể hiện rằng mình sẽ phải tốt lên từng ngày trong nhận thức của bản thân, mình học hỏi từng ngày xem thế giới ngoài kia họ đang làm gì".
Trong rất nhiều tác phẩm tâm huyết, Nguyệt hài lòng nhất với đồ án tốt nghiệp đoạt giải nhất giải thưởng Loa Thành - đồ án có tên "Thập Tam Trại" - Không gian trải nghiệm, bảo tồn và phát triển làng nghề Hà Nội, với thiết kế làm nổi bật giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, giá trị đương đại giúp người trẻ có cái nhìn sâu sắc về sinh nghề của ông cha ta.
Cô gái yêu vẽ cho rằng, đây không còn là một đồ án kiến trúc đơn thuần mà nó còn ẩn chứa một câu truyện khiến cho người xem cảm thấy như đang đọc một cuốn truyện tranh: có bìa, dẫn truyện, hình ảnh.
"Mình đã truyền tải được thông điệp tới mọi người rằng mặc dù văn hoá và lịch sử nước ta ảnh hưởng từ nước bạn, nhưng giống không có nghĩa là chúng ta không có cho mình những giá trị thẩm mỹ riêng biệt", Nguyệt khẳng định.
Vi Nguyệt tại lễ trao giải Loa Thành năm 2021.
Hiện tại, Nguyệt đang thử sức làm việc ở mảng Thiết kế đô thị của một công ty. Trong tương lai, cô bạn dự định đi du học ở Trung Quốc để mở rộng tầm nhìn của bản thân và học thêm nhiều điều mới mẻ.
Nữ sinh đến từ trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam có thế mạnh học tập nổi bật với môn Địa lý và ngoại ngữ. Nhờ...
Nguồn: [Link nguồn]