Trốn nóng kiểu sinh viên

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Mùa hè đến, thời tiết nắng nóng dâng lên đến đỉnh điểm khiến mọi người đều cảm thấy bỏng rát, khó chịu. Nhưng đối tượng đang phải hứng chịu nhiều nhất nỗi khổ này vẫn là sinh viên, phải ở các phòng trọ, ký túc xá (KTX) chật chội.

Ở ngoài nắng chói chang, bước vào phòng, các bạn sinh viên càng chật vật, khổ sở hơn khi trong nhà nóng bức không kém. Phòng trọ của đa số sinh viên thường bé, chỉ hơn chục m2 nhưng lại chứa nhiều người và đồ đạc.

Hơn nữa vì tiết kiệm chi phí, diện tích chủ nhà thường xây tường mỏng, lợp mái bằng Fibron (bờ - lô xi măng) nên nhiệt độ trong phòng càng trở nên khó thở. Bởi vậy mà các công viên, khuôn viên hay hồ nước là những địa chỉ “chạy nạn”, tránh nắng của nhiều sinh viên ở trọ.

Nguyễn Quỳnh Nga (trường ĐH Đại Nam) ở gần bán đảo Linh Đàm cho biết: “Phòng trọ của mình bị ánh nắng hắt trực tiếp vào như một cái “lò bát quái”. Càng bật quạt, lại càng cảm thấy hơi nóng phả vào mặt, khó chịu vô cùng.

Ở trong phòng nóng quá, không thể nào học được mà nằm ngủ cũng không xong. Hôm nào mình cũng rủ bạn cùng trọ đi ra ngoài công viên Linh Đàm chơi cho đến khi thời tiết đã giảm nhiệt mới dám về phòng. Học muộn nên phải 2 – 3 giờ sáng mình mới đi ngủ. Sáng sớm ra lớp, lúc nào mình cũng mệt mỏi và còn thường xuyên ngủ gật trong lớp”.

Trốn nóng kiểu sinh viên - 1

Chống nắng với ý tưởng mang hơi mát nhờ chậu nước bên cây quạt

Hay Lê Mai Anh (trường ĐH Kinh tế Quốc dân) lại lựa chọn cho mình một phương pháp rất hữu ích: “Tan học, nghĩ đến việc về phòng, mình lại thấy sợ nên thường rủ mấy bạn trong lớp lên thư viện trường đọc sách, ôn bài”. Cách này vừa giúp Mai Anh vượt qua cơn nóng trời chiều đồng thời còn hỗ trợ việc thi cử khá tốt cô bạn đã “lôi kéo” thêm nhiều bạn lên thư viện.

Còn Hoàng Văn Hiếu (trường CĐ Bách Khoa Hà Nội), sau mỗi bữa cơm tối đều rủ các phòng đi bộ ra công viên nói chuyện, giao lưu chứ không dám ở phòng trọ như lò nung của mình. Hiếu bày tỏ: “Ngủ chật vật sau một buổi trưa, trong người mình cảm thấy uể oải lắm. Buổi tối mình muốn đi ra ngoài hóng gió cho mát, về mới có thể tập trung học tập được”. Với Hiếu, đây còn là phương pháp tập thể dục hiệu quả, giúp người khỏe mạnh, thư thái hơn.

Nhiệt độ quá cao đang ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và cả việc học tập của sinh viên. Đỉnh điểm nóng nhất của mùa hè cũng là lúc thi học kỳ cuối năm nên mọi người không thể “chạy nạn” mãi được. Các bạn buộc phải ở lại phòng và tìm cách khắc phục được tình trạng ám ảnh của khu trọ với cơ sở vật chất đơn giản: quạt điện.

Vì xóm trọ đóng tiền nước theo đầu người nên Hoàng Văn Hải (trường CĐ Cộng đồng Hà Nội) đã dùng nó như một chiếc “máy điều hòa” cho căn phòng. Hải cho biết: “Mình thường phải dội nước ra sàn để nhiệt độ trong phòng hạ xuống. Ban đầu, nhiệt độ đã dịu đi đôi chút nhưng một lúc sau, khi nước khô rong hết thì hơi nóng lại hầm hập như ban đầu”. Trong căn phòng nhỏ bé của mình, Hải cứ phải liên tục lấy nước đổ xuống nền, hắt lên tường, dù là để tìm lấy chút hơi mát trong thời gian ngắn. 

Một mẹo nhỏ mang lại hiệu quả cao được Lê Thị Đào (HV Báo chí và Tuyên truyền) lựa chọn: lấy chậu nước đặt gần chiếc quạt để gió mang theo hơi mát. Đây cũng là cách nhiều sinh viên hiện nay dùng để cải thiện nhiệt độ ở phòng trọ vì nó đơn giản, không mang lại tác hại nào cho người sử dụng.

Có những sinh viên ở trên tầng cao nhất của khu trọ, phải hứng chịu toàn bộ nắng nóng cả ngày nên vào buổi tối, mọi người rủ nhau lên tầng thượng, mang theo đèn nạp điện, sách vở, bàn gấp để học bài và đợi đến lúc nửa đêm mới xuống phòng.

Trốn nóng kiểu sinh viên - 2

Đổ nước ra sàn nhà cho phòng dịu mát chỉ là biện pháp trong chốc lát

Nguyễn Thị Linh (trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ) bày tỏ: “Không thể chịu nổi không khí ở trong phòng nên mình lên tầng thượng học bài. Nhiều khi xuống phòng đi ngủ rồi, nóng quá lại phải mang chiếu lên nằm. Trên này gió lộng nên dễ đi vào giấc ngủ hơn. Nhưng có một lần sương xuống, khiến mình bị cảm nên từ đó Linh không dám ngủ trên này nữa”. Đây là một lời cảnh báo cho nhiều bạn nam hiện nay lạm dụng tầng thượng thoáng mát đồng thời chủ quan với sức khỏe mà tùy tiện ngủ qua đêm. Chính điều này đã gây nên nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe: cảm lạnh, phong hàn, …

Thậm chí, vì sàn nhà quá nóng, không ít bạn chịu không nổi đành phải ngồi hẳn vào các chậu nước. Nguyễn Hậu (trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) nói: “Mình đổ nước vào ba cái chậu, sau đó để hai chân vào hai chậu nhỏ. Còn cái chậu to hơn, mình dùng để ngồi lên, coi như đang ngâm nước. Cách này nhìn buồn cười nhưng còn hơn là phải ngồi trên cái sàn lửa”. Nhiều khi bạn gái phòng bên cạnh đi qua chứng kiến cảnh “hưởng thụ” của Hậu đều tủm tỉm cười. Lâu dần, Hậu cũng thấy xấu hổ và hơi ngứa do mắc bệnh về da nên thôi luôn cách làm mát “sáng tạo” của mình.

Sinh viên ở trọ khó khăn là thế nhưng các bạn ở KTX cũng không kém phần khổ sở. Mỗi buổi sáng, nhiều sinh viên thuộc dãy nhà tầng của KTX trường Báo chí phải căng tấm bạt để che nắng rọi vào phòng. Bất ngờ hơn, không ít phòng ký túc nam ở nhiều trường đại học khác còn có một cách vô cùng hài hước khiến cho mọi người phải lắc đầu, thán phục: cả một dãy cởi trần ra ngoài hành lang ngủ.

Hy vọng các bạn sinh viên sẽ vượt qua cái nóng một cách an toàn để có được sức khỏe tốt và đạt kết quả cao trong kỳ thi cuối năm!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diên Vỹ ([Tên nguồn])
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN