Trở thành doanh nhân triệu phú từ niềm đam mê ảnh
Gắn liền với những thành công của Instagram, Kevin Systrom đã sở hữu cho riêng mình tài sản lên đến 400 triệu USD ở tuổi 32.
Loạt bài về những chàng trai, cô gái trẻ là các ngôi sao tuổi teen, "thần đồng công nghệ", "vận động viên thể thao"... nổi tiếng khắp thế giới với những tài năng vượt bậc của mình. Bên cạnh đó, họ còn có đầu óc tính toán, có thể kiếm được hàng triệu đô trong một năm và trở thành những tỷ phú tuổi teen giàu có nhất thế giới. |
Từ niềm đam mê chụp ảnh cùng những ý tưởng độc đáo, tài sản của Kevin Systrom nhanh chóng lên tới con số 400 triệu USD. Đây được coi là khoản tiền khổng lồ với một công ty có sản phẩn mới chỉ xuất hiện trong vòng 1,5 năm...
"Một bức ảnh thay ngàn lời nói"
Kevin Systrom, sinh ngày 30/12/1983, từng làm việc tại Google trong 3 năm. Mẹ của Kevin Systrom, bà Diane Systrom, từng làm việc cho trang Monster trong giai đoạn đầu phát triển của Internet và hiện là quản lý của Zipcar, một công ty cho thuê xe trực tuyến.
Systrom may mắn sống trong thời kỳ bùng nổ công nghệ nên sớm có cơ hội tiếp cận. Ý tưởng về Instagram của Systrom xuất phát từ niềm đam mê nhiếp ảnh và mong muốn tìm ra những cách khác nhau để chia sẻ ảnh trực tuyến.
Instagram giống như một mạng xã hội mobile, cho phép chụp ảnh bằng điện thoại, chọn bộ lọc thích hợp với hoàn cảnh và mục đích sử dụng để tạo hiệu ứng tương thích và cho ra đời các bức ảnh hình vuông thú vị, nghệ thuật mang phong cách cổ điển rồi sau đó chia sẻ lên mạng.
Năm 2010, Systrom phát triển các bộ lọc cho Instagram và đăng bức ảnh đầu tiên chụp trong kỳ nghỉ ở Mexico với bạn gái của mình.
Kevin Systrom - chàng trai biến niềm đam mê chụp ảnh thành một doanh nhân triệu phú
Ban đầu, hệ thống ứng dụng của Instagram cho phép người sử dụng có thể làm nhiều việc như: kiểm tra và tìm kiếm các địa điểm, lập kế hoạch trong tương lai, post hình ảnh...
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, nhận thấy Instagram chứa quá nhiều tính năng, Systrom đã quyết định tập trung vào một tính năng cụ thể là chia sẻ hình ảnh thay vì biến nó thành một sản phẩm phức tạp. Sau một tháng tung ra thị trường, Instagram đạt ngưỡng 1 triệu người sử dụng, và chỉ 1 năm sau đó đã cán mốc hơn 10 triệu người.
"Tôi nhận thấy ảnh di động là cơ hội tuyệt vời để thử nghiệm những ý tưởng mới. Tôi đã dành một tuần để tạo phần mềm chuyên về ảnh để mỗi bức ảnh chụp ra được đẹp hơn, dựa trên sở thích của phần lớn mọi người trên thế giới, chụp ảnh và chia sẻ với người thân, bạn bè. Mỗi bức ảnh mang một ý nghĩa nhất định mà người chụp muốn gửi gắm đằng sau đó” – Systrom chia sẻ.
Chính vì lẽ đó, người ta gọi Systrom là người tạo ra những "bức ảnh thay ngàn lời nói".
Sau 551 ngày, nhà sáng lập Instagram đã bán lại thành quả của mình cho Facebook với giá 1 tỷ USD, biến đội ngũ nhân viên ít ỏi (đa số gia nhập cuối năm 2011 đầu 2012) thành những người giàu có và may mắn ở thung lũng Silicon.
Mỗi ngày có khoảng 55 triệu bức ảnh được chia sẻ trên Instagram. Instagram sử dụng chủ yếu trên các thiết bị di động bởi Systrom cho rằng, đây là cách nhanh nhất để bạn có thể ngay lập tức chia sẻ khoảnh khắc của mình với bạn bè mà không phải mất thời gian đăng ký dịch vụ để tải một bức ảnh lên trang web.
Hiện tại anh đang sở hữu 40% cổ phần của Instagram, tương đương với 400 triệu USD
Systrom nói rằng, mục đích tạo ra Instagram là để “thay đổi cách mọi người giao tiếp và chia sẻ trong thế giới thực”.
Chàng trai đến từ Holliston, Massachusetts, Mỹ đang sở hữu 40% cổ phần của Instagram, tương đương 400 triệu USD. Đây được coi là khoản tiền khổng lồ với một công ty có sản phẩm mới xuất hiện 1,5 năm (ở thời điểm bán cho Facebook) và nhất là đó chỉ là một ứng dụng tạo hiệu ứng cho ảnh chụp từ iPhone và Android…
Bí quyết thành công
Systrom cho rằng mình là người đàn ông may mắn nhất thế giới khi đã biến niềm đam mê chụp ảnh thành một công việc đáng mơ ước. “Tôi đã phải đi một chặng đường dài nhiều chông gai trước khi được ngày hôm nay”, Systrom nói.
Trả lời phỏng vấn The Times năm ngoái, Systrom cho biết, ban đầu Instagram chỉ được tạo ra với mục đích là “công cụ xã hội cho người dùng trên mỗi chặng đường”. Anh chưa bao giờ nghĩ có thể xây dựng và phát triển công cụ này với mục đích thương mại. Chính vì thế, sau này khi Facebook bỏ ra 1 tỷ USD để mua lại Instagram, anh đã rất bất ngờ.
Systrom cũng cho biết, anh chưa từng bỏ ra khoản tiền nào cho việc marketing nhưng may mắn đã giúp anh và Instagram thành công hơn các đối thủ khác.
Bản thân Kevin Systrom, CEO 27 tuổi của Instagram, cũng tỏ ra bất ngờ khi thấy "con đẻ" của mình nhanh chóng trở thành phần mềm biên tập ảnh miễn phí số một trên các thiết bị di động, chinh phục cả những ngôi sao nổi tiếng như Justin Bieber hay Taylor Swift.
Để có được thành công, Systrom đã học hỏi rất nhiều từ Steve Jobs
Systrom chia sẻ rằng, để có được thành công này, anh đã học hỏi rất nhiều từ Steve Jobs. Systrom muốn chia sẻ ba lời khuyên hữu ích với những doanh nhân trẻ.
Thứ nhất là cách giải quyết các vấn đề thực tế. Mỗi khi khởi động một công việc nào đó, cần bắt đầu từ nhu cầu thực tế và được chứng minh trên toàn thế giới. Nếu xây dựng một giải pháp cho vấn đề nhiều người gặp phải, bạn sẽ dễ dàng để bán sản phẩm hơn.
Thứ hai, các bạn phải tuyệt đối tập trung. Không nên làm quá nhiều thứ và hãy cắt bớt những thứ không quan trọng cho sự thành công của sản phẩm. Làm quá nhiều việc có thể tạo ra sự lộn xộn và cản trở khả năng giải quyết những vấn đề cần thiết.
Thứ ba, nếu được chọn người, hãy chọn những người thật tuyệt vời. Có thể ít người hơn nhưng khả năng giải quyết công việc lại cao hơn rất nhiều. Bạn sẽ thấy rằng một kỹ sư tuyệt vời có thể làm công việc của năm người bình thường, do đó hãy tập trung vào việc tìm kiếm những người tốt nhất, những người có chung niềm đam mê với những gì bạn đang làm.