Thi hào Johann Wolfgang Goethe (1749 – 1832) được coi là người Đức vĩ đại nhất trong lịch sử với những tác phẩm trường tồn với thời gian. Không chỉ là một đại thi hào, ông còn là một nhà tư tưởng, một chính khách, một nghệ sĩ, một nhà khoa học có vốn kiến thức uyên thâm về lịch sử, triết học, mỹ học, địa lý, văn học nghệ thuật.
Nhắc đến Goethe, người ta không chỉ nhớ tới tài năng của con người được coi là niềm tự hào của nước Đức mà còn nhớ tới những cuộc tình thuộc hàng “điển tích” liên quan đến bậc kỳ tài này. Từ khi còn là cậu bé tới lúc đã trở thành ông già 74 tuổi chưa bao giờ ông ngừng yêu.
Tuy nhiên, kỳ lạ hơn cả là mối tình bỏng cháy với thiếu nữ Ulrike von Levetzow (1804 - 1899) – người sinh sau ông cả nửa thế kỷ khi ông đang ở đoạn cuối cuộc đời.
Năm 1823, khi đã 74 tuổi, Goethe liên tục bị những cơn đau tim hành hạ nhưng cũng chẳng biết chia sẻ cùng ai. Vợ ông đã mất từ lâu còn những đứa con thì quá bận rộn với cuộc sống riêng.
Sau một lần tưởng chừng như không thể qua khỏi, ông quyết định tới thiên đường nghỉ mát Marienbad tĩnh dưỡng.
Trước đây, cứ mỗi lần tới Marienbad, ông thường nghỉ ngơi tại nhà góa phụ Von Levetzow. Giữa hai người họ từng có tình cảm, nhưng sau khi chia tay, họ vẫn luôn nghĩ về nhau như những người bạn tốt.
Trong số 3 cô con gái đáng yêu của người bạn cũ, ông đặc biệt dành tình cảm yêu mến cho Ulrike – cô con gái lớn trong nhà. Ulrike sở hữu một nhan sắc lộng lẫy với vẻ đẹp trong sáng cùng đôi mắt xanh và mái tóc xoăn bồng bềnh màu hạt dẻ.
Thế rồi, cứ mỗi lần rời khỏi Marienbad để trở về nhà, tâm hồn Goethe lại trở nên khô héo vì nhớ nhung gia đình Von Levetzow, nhất là cô tiểu thư Ulrike. Tình cảm ấy chỉ còn biết gửi gắm qua những cánh thư đều đặn hằng tuần và qua những áng mà ông sáng tác trong thời gian ấy.
Và lần này, trở lại thiên đường nghỉ mát Marienbad sau cơn nguy biến, việc đầu tiên Goethe làm là đến thăm người bạn tốt Von Levetzow và những công chúa của bà. Chào đón ông nồng nhiệt là Ulrike – cô bé ngày nào giờ đã thực sự là một thiếu nữ đẹp tuyệt trần.
Ngày ngày, cả hai cùng nhau trò chuyện, đi dạo. Dần dần, mọi người đều nhận ra người đàn ông 74 tuổi này bỗng thành một con người khác, trẻ trung và yêu đời. Chỉ cần nghe thấy tiếng cười của Ulrike, ông đã vội vàng bỏ dở công việc, không kịp đội mũ, cứ thế lao xuống bậc thềm để đón nàng.
Trong khi đó, cô gái 18 tuổi cũng như bị hút hồn trước những vần thơ nồng nàn, da diết mà người thương viết tặng.
Thời gian sau đó, gia đình Levetzow rời Marienbad để tới Karlsbad. Thiếu vắng Ulrike, Goethe trở nên buồn chán, tuyệt vọng. Nhận ra tình yêu trong mình đã quá lớn, Goethe hạ quyết tâm kết hôn cùng người con gái có tuổi đời kém mình cả nửa thế kỷ.
Và thế là bất chấp tuổi già, bất chấp bệnh tật, Goethe khăn gói tới Karlsbad tìm kiếm tình yêu của đời mình. Ông tìm gặp đại công tước Carl August, nhờ giúp đỡ. Đại công tước sau đó tới gặp gia đình Von Levetzow đang ở đây và truyền đạt lời cầu hôn của Goethe tới Ulrike.
Quá bất ngờ, bà Von Levetzow ban đầu từ chối thẳng thừng với những lý do như chênh lệch tuổi tác hay của hồi môn cho con gái.
Tuy nhiên cuối cùng, bà cũng đành chấp thuận nhưng đưa ra một điều kiện vô cùng trái khoáy: chờ thêm 1 năm nữa.
Điều kiện này chẳng qua chỉ là một cách thoái thác bởi với người trẻ, một năm chờ đợi không phải là thử thách lớn nhưng còn Goethe, người đàn ông đã ở ngưỡng cuối cuộc đời, lại thêm bệnh tình nghiêm trọng, không gì đảm bảo ông sẽ chờ được đến ngày có được nàng thơ của mình.
Buồn bã, ông quay trở về và chẳng lần nào còn dám quay lại mảnh đất ghi dấu mối tình buồn thương ấy nữa.
Ông ra đi vào ngày 23/2/1832, khi vẫn đang miệt mài sáng tác trong nỗi nhớ nhung người con gái trong mộng nhìn thấy đó mà không thể nắm bắt. Còn với Ulrike von Levetzow, nhiều thông tin tiết lộ rằng cô ở vậy tới suốt cuộc đời nhưng chỉ tôn sùng, yêu quý Goethe như một người cha đáng kính.