Trào nước mắt với ước mơ được ôm bố của chàng 8x
Đang từ một người đàn ông khỏe mạnh với nguyện vọng trở thành chú bộ đội như ước mơ từ tấm bé. Vì căn bệnh "Ung thư tuyến yên", suốt đời anh bị gán mác tàn tật.
Ước mơ dang dở của chàng trai nghèo quê lúa
Tiếp chúng tôi ở Bệnh viện K cơ sở Tân Triều là ông Vũ Văn Lìu (1964), trú tại thôn Vạn Phúc, xã An Ninh, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Thi thoảng ông lại rơm rớm nước mắt khi kể về hoàn cảnh éo le của con trai mình.
Con trai lớn của ông là anh Vũ Văn Vinh (SN 1988), đang từ một chàng thanh niên khỏe mạnh, là tự hào của ông và gia đình khi chuẩn bị đăng kí vào bộ đội đặc công chuyên nghiệp thì bỗng dưng phát bệnh.
Lúc đầu, cả nhà ai cũng tưởng chỉ cảm xoàng thôi. Sau bệnh chuyển nặng anh Vinh không thể đi lại được, nói năng rất khó cộng thêm những triệu chứng sốt cao, chán ăn, buồn nôn, gia đình mới hoảng hốt đưa anh đi hết viện trên lên viện dưới.
Đang từ một chàng thanh niên khỏe manh, giờ đây anh gắn liền với hai chữ tật nguyền.
Đau xót hơn khi ông cầm tờ kết quả con trai mình được chuẩn đoán bị mắc phải căn bệnh hiếm gặp "ung thư tuyến yên" mà lòng ông ngổn ngang. Ông Lìu buồn phiền thì ít mà bất lực do không có tiền là nhiều.
Vì bản thân ông đâu có khấm khá gì để kiếm ra vài trăm triệu chữa bệnh cho con, cái khó, cái khổ cứ trồng chất lên đôi vai gầy của người nông dân lam lũ như gia đình ông, cả đời chẳng bao giờ thoát khỏi quê hương.
Nhà ông có quanh năm bán mặt cho 6 xào ruộng thôi cũng chỉ đủ ăn, lấy đâu ra cả một gia tài như thế. Tuy nhiên, ông Lìu quan niệm: "Cha nào để con nằm chờ chết như vậy. Dù có khó đến bao nhiêu tôi cũng chắt bóp để cho cháu có đồng nào để chữa trị, cuộc đời chúng tôi còn dài để làm công trả nợ", ông Lìu thở dài.
Ông Lìu kể về ước mơ dang dở của con trai mình bằng một giọng hào hứng pha lẫn sự tiếc nuối: "Thằng Vinh là niềm tự hào của gia đình chúng tôi đấy. Trước nó còn là người bình thường, nó đi nghĩa vụ quân sự 3 năm ở tận Ninh Thuận.
Nó tự giác đi tình nguyện theo tiếng gọi của Đảng, của Nhà nước vì ước mơ của nó là được mặc lên mình chiếc áo của người lính. Sau 3 năm, khi nó về quê, thì được đơn vị xét vào bộ đội đặc công chuyên nghiệp làm Vinh vui mừng lắm", ông Lìu thở dài.
Chính quyền hỗ trợ giúp đỡ gia đình.
Bệnh của anh Vinh phát triển rất nhanh. Cuối năm 2014, anh Vinh vẫn còn tươi cười chờ đợi mình trở thành người lính cụ Hồ.
Nay, chưa đầy 1 năm anh trở thành người tàn phế, ông Lìu than thở: "Bây giờ, Vinh nó đứng ngồi còn khó huống chi là đi lại, muốn đi được là phải có người dìu từng bước chân một. Ngoài ra, đôi mắt của nó bây giờ hoàn toàn không nhìn thấy gì, nói chuyện thì bị méo miệng hẳn một bên. Chắc cuộc đời nó chấm dứt thật rồi".
Từng muốn tự tử cho gia đình bớt gánh nặng
Tính nhẩm sơ sơ, từ lúc anh Vinh phát bệnh tới nay, gia đình ông Lìu đã phải vay mượn họ hàng, bạn bè khoẳng 200 triệu. Bất kì chỗ nào mà ông có thể bấu víu được đều đã vay mượn hết rồi. Nhiều người thương cảm, cho ông vay nhưng không lấy lãi, vì biết ông ăn còn không có chứ đừng nói tiền lời, tiền lãi.
6 xào ruộng ở nhà, ông để cho người vợ tần tảo, ốm yếu cùng người con sau trông giúp. Vụ được, vụ mất, ông làm nông như đi đánh bạc, năm may mắn thì cả gia đình cũng chỉ dừng lại ở mức đủ ăn, năm mất mùa cả nhà lâm vào cảnh cơ cực bẩn hàn. Vậy nên, đứa con mà ông kì vọng nhất chuẩn bị được làm bộ đội chuyên nghiệp khiến ông nở mày, nở mặt biết chừng nào.
Mọi chuyện chăm sóc đều do một mình tay ông Lìu làm.
Ông Lìu kể chuyện cho chúng tôi bằng giọng nói rất bé, bé tới mức nhiều khi chúng tôi phải hỏi lại nhiều lần.
Ông Lìu than rằng, con trai ông dù ốm yếu như vậy nhưng trí não vẫn nhận thức được mọi thứ xung quanh. Nhiều đêm ông thấy con trai khóc thầm và đã có lần anh có ý định thắt cổ tử tự để cho gia đình bớt khổ. Vì vậy, ông không muốn anh nghe thấy chuyện "cơ cực" của gia đình rồi sinh ra buồn phiền, chán nản.
"Hôm đó, cũng vì Vinh nghĩ về hoàn cảnh của gia đình, một phần là nó mặc cảm vì bây giờ đã không còn gì để mất, trở thành người tàn tật rồi. Phần khác là muốn chết đi cho cha mẹ bớt gánh nặng nên cháu có ý định tự tử. May mắn, có người ngăn kịp thời không thì cũng chết dở", ông Lìu buồn bã kể lại.
Cũng phải thôi, có ai nghĩ rằng một chàng trai to khỏe như Vinh, mới đây còn cuốc đất, đi cày khỏe như "tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu", nay nằm bất động một chỗ. Cái chuyện tối thiểu như vệ sinh cá nhân hằng ngày còn phải có người giúp. Cơ thể anh, khuôn mặt anh vẫn còn phảng phất sự tiếc tuổi của sức trẻ, sức trai nhưng mọi thứ giờ đây đều bị cuốn đi vì bệnh tật.
Ước mơ duy nhất là được ôm bố
Chúng tôi hỏi anh Vinh, "ước mơ lớn nhất của anh hiện nay là gì?". Anh trả lời bằng cái giọng ú ớ. Phải cố gắng lắm anh mới trả lời được, bằng câu nói chẳng đầu, chẳng đuôi: "Được ôm bố".
Ước mơ lớn nhất của anh là được "ôm bố".
Anh tâm sự bằng cả tấm lòng dành cho người cha. Cha anh cả đời hi sinh cho các con. Đến tuổi xế chiều vẫn phải tất tả chăm sóc anh như thửa bé, thay cho anh từng cái tã, từng cái quần, cái áo, lau mặt đánh răng, một mình tay cha anh chăm sóc. Anh kể mà hai dòng nước mắt cứ rơi, khiên ai chứng kiến cũng phải nghèn nghẹn trong cổ họng.
Ông Lìu còn khoe với chúng tôi, ngày xưa anh hát hay lắm. Bây giờ anh nói chuyện rất khó khăn nhưng thi thoảng anh vẫn hát như thời "trai trẻ". Ông Lìu động viên con trai hát tặng mọi người một bài, anh Vinh khẽ mỉm cười và chọn một bài hát về bộ đội, ước mơ đã tắt của mình.
Anh cất lên tiếng hát, mọi bệnh tật dường như tan biến. Ông Lìu khẽ lau nước mắt để con trai không nhìn thấy mình đang khóc, thở dài trong những tiếc nuối.