Tranh cãi Baby Three có phải thú chơi lãng phí?
Gần một năm kể từ khi theo đuổi "trend" xé túi mù và săn Baby Three, chị Diễm Quyên đã chi hơn một trăm triệu đồng để đưa món đồ chơi này lấp đầy ba tủ trong nhà.
Người phụ nữ 31 tuổi ở TP HCM cho biết ban đầu tự xé túi mù nhưng liên tục bóc trúng món đồ có vẻ ngoài xấu xí nên chọn mua mẫu có sẵn, chấp nhận giá gấp 2-3 lần. Cô cũng thường xuyên trắng đêm ngồi xem livestream khui túi mù hoặc tìm những người " khui được secret" (mẫu hiếm) để mua lại.
Quyên hiện sở hữu hơn 100 búp bê Baby Three đủ kích cỡ, đa phần là bản đặc biệt giá 2-3 triệu đồng một con. Một số sản phẩm kích thước lớn lên đến 7-8 triệu đồng. Tất cả vật phẩm cô trưng bày tại nhà, không có ý định bán hay tặng.
"Tôi sưu tầm Baby Three giống như người khác thích chơi túi hàng hiệu, quần áo, hay tập thể thao bởi thú chơi này là đầu tư cho sức khỏe tinh thần, luôn xứng đáng", Quyên nói.
Trong năm nay, cô tiếp tục tìm mua các phiên bản Baby Three giới hạn bổ sung vào bộ sưu tập.
Bộ sưu tập Baby Three của một người phụ nữ 29 tuổi ở TP HCM. Ảnh: @dinstory_/IG
Baby Three là đồ chơi xuất xứ Trung Quốc, được thể hiện dưới dạng những nhân vật có khuôn mặt tròn, biểu cảm phong phú và thường được thiết kế theo các chủ đề đa dạng như lễ hội, mùa, hoặc sự kiện đặc biệt.
Đồ chơi này ra mắt vào tháng 5/2024, gây sốt ở Việt Nam ba tháng nay, sau các trào lưu Molly, Labubu hay Capybara.
Theo nền tảng dữ liệu thương mại điện tử Metric, người Việt đã chi 8,8 tỷ đồng để mua gần 37.800 búp bê Baby Three trên các trang thương mại điện tử từ ngày 15/10/2024 đến 15/11/2024, tăng 105% so với tháng liền trước. Hiện có hơn 109 cửa hàng kinh doanh mặt hàng này trên Shopee, TikTok Shop. Phân khúc bán chạy nhất dao động 200.000-500.000 đồng mỗi món, mang về tổng cộng 7,1 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2025, nhu cầu buôn bán, trao đổi món đồ chơi này sôi nổi trên hàng trăm hội nhóm Facebook. Nhóm đông nhất lập hồi tháng 7/2024 với hơn 500.000 thành viên, mỗi ngày có hàng chục bài đăng bán Baby Three.
Tuy nhiên cơn sốt Baby Three cũng gây tranh cãi trên mạng xã hội. Nhóm hưởng ứng cho rằng mua búp bê là sở thích cá nhân, nhất là người tự chủ tài chính. Việc sưu tầm món đồ bằng cách khui túi mù cũng tạo cảm giác phấn khích, tò mò, làm giảm căng thẳng, mệt mỏi trong cuộc sống.
"Tôi dùng tiền kiếm được để mua niềm vui cho bản thân, không có gì đáng sai trái hay bị chỉ trích. Đừng đứng ở vị trí của mình để phán xét hành động của người khác", một người chơi Baby Three viết.
Ở phía ngược lại, một số người lập luận việc chi tiền cho đồ chơi là phù phiếm, bởi tình hình kinh tế bất ổn, thất nghiệp tăng, học cách tích góp, dự phòng cho tương lai là cần thiết.
Anh Tuấn Anh, 35 tuổi ở Hà Nội, mệt mỏi khi con gái 5 tuổi liên tục đòi mua búp bê Baby Three do bắt chước các bạn. Ông bố hai con tiếc tiền khi phải chi 1-2 triệu đồng để sở hữu một con búp bê.
"Một con búp bê có khi bằng một hộp sữa bột của con, chưa nói đến các chi phí khác có thể phát sinh. Món đồ này có sức hút gì khiến cả người lớn và trẻ nhỏ đều mê mẩn?", Tuấn Anh nói.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank, cho biết Baby Three trở thành cơn sốt và khách hàng dễ bị thu hút bởi các xu hướng, sự kiện hot trên mạng xã hội là do sở thích, sự tò mò, bất ngờ, xen lẫn hồi hộp. Những người có ảnh hưởng (KOL) trên mạng cũng tạo "hiệu ứng sợ bỏ lỡ" (FOMO) khiến người tiêu dùng chạy theo đám đông, dễ dàng chi tiền với tốc độ nhanh.
"Một số người thậm chí không biết lý do tại sao mình chạy theo hoặc đơn giản chỉ vì vui. Do đó, các xu hướng này thường diễn biến ngắn hạn, ít người dùng trung thành, trừ một số có đam mê thật", ông Khánh nói.
Vì thế, khi bình tĩnh lại nhiều người nhận ra mình đã chi tiêu quá mức, cảm thấy hối hận, thậm chí rơi vào tình trạng nợ nần vì sự hào hứng nhất thời.
Chuyên gia cũng cho biết không chỉ Baby Three, nhiều xu hướng khác cũng gây ra sự hối hận. Việc liên tục chạy theo xu hướng có thể bào mòn tinh thần, khiến người tiêu dùng "sống vội" và ít đầu tư vào giá trị lâu dài.
Đặc biệt khi trend lỗi thời, đồ theo mốt dễ bị bỏ xó, gây lãng phí về tài chính và thời gian.
Một phần bộ sưu tập Baby Three của Tiến Lợi tại nhà. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tiến Lợi, 30 tuổi, ở TP HCM chuẩn bị thanh lý 20 con Baby Three. Cuối tháng 10, nam nhân viên văn phòng, bị thu hút bởi blindbox (hộp mù chứa Baby Three) bán trên vỉa hè đường Nguyễn Trãi, quận 5.
"Mỗi lần xé túi mù tôi cảm thấy như trở về tuổi thơ", Lợi nói. Vài tuần một lần, anh tự thưởng cho mình cảm giác đập hộp blindbox, giá dao động 150.000-800.000 đồng.
Lợi nói thích hình dáng, màu sắc của các loại Baby Three nhưng việc săn tìm không dễ, đặc biệt là loại "mắt nước". Anh tham gia hơn 10 hội nhóm trên mạng xã hội, chuyên trao đổi thông tin về Baby Three và chấp nhận mua lại để được vật phẩm ưng ý thay vì phải mua quá nhiều hộp ngẫu nhiên.
Mỗi tháng, anh dành 2-3 triệu đồng mua đồ chơi, chiếm khoảng 1/5 thu nhập tháng. Ban đầu, anh giải thích với bạn bè, gia đình sở thích sưu tầm để thư giãn, trang trí phòng và gắn móc khóa vào cặp. Khi hai kệ đồ đầy Baby Three, Lợi dần thấy chán, cảm giác khui blindbox không còn hồi hộp, thích thú như trước. Anh quyết định dừng lại nhưng vẫn chưa thể thanh lý hết.
"Thị trường đang bão hòa", Lợi nói. "Quá nhiều người bán cũng như quá nhiều người chơi, nó không còn là món hàng kích thích sự săn lùng nữa".
Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, giới trẻ chứng kiến món đồ chơi “làm mưa làm gió” khắp cõi mạng, vượt mặt cả Labubu, đó chính là “bé ba” Baby Three. Thậm...
Nguồn: [Link nguồn]
-16/02/2025 06:28 AM (GMT+7)